Thủ tướng Lý Hiển Long: Singapore sẽ tham gia khuôn khổ kinh tế của Mỹ ở Ấn Độ Dương- Thái Bình Dương
Chia sẻ của Thủ tướng Singapore được đưa ra trong bối cảnh Mỹ và Trung Quốc đang theo đuổi các chiến lược khác nhau để tăng cường sức ảnh hưởng tại khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương...
Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long cho biết: Singapore có ý định tham gia Khuôn khổ kinh tế tại Ấn Độ Dương- Thái Bình Dương (IPEF) của Mỹ, đồng thời cũng sẽ ủng hộ việc Trung Quốc gia nhập Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) – hiệp định thương mại tự do không có Mỹ.
“Singapore muốn nuôi dưỡng mối liên kết với một loạt quốc gia và duy trì sự cân bằng để tăng cường sức chống chịu và không quá phụ thuộc vào bất kỳ bên nào”, ông Lý Hiển Long chia sẻ trong bài phỏng vấn độc quyền với tờ Nikkei Asia mới đây. “Chúng ta có thể cùng nhau phát triển thịnh vượng và tận hưởng sự phụ thuộc lẫn nhau, và động lực là duy trì hòa bình, ổn định và an ninh trong khu vực”.
Chia sẻ của Thủ tướng Singapore được đưa ra trong bối cảnh Mỹ và Trung Quốc đang theo đuổi các chiến lược khác nhau để tăng cường sức ảnh hưởng tại khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương.
Tổng thống Mỹ Joe Biden, hiện đang có chuyến công du tới châu Á, đang thúc đẩy sáng kiến IPEF như một công cụ để tăng cường sự hợp tác với các đối tác châu Á.
Washington đã phát đi thông điệp rõ ràng rằng Mỹ IPEF không phải là một hiệp định thương mại tự do mà là một bộ tiêu chuẩn cho nền kinh tế kỹ thuật số, khả năng phục hồi của chuỗi cung ứng, trung hòa carbon, cơ sở hậ tầng, thực phẩm và nông nghiệp bền vững.
Trong khi đó, Trung Quốc đang tập trung vào các hiệp định thương mại. Nước này hiện là thành viên của Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP) cùng với 10 quốc gia Đông Nam Á, trong đó có Singapore, Việt Nam, cũng như Nhật Bản, Hàn Quốc, Australia và New Zealand. Bắc Kinh đang xin gia nhập CPTPP - hiệp định hiện có 11 thành viên chiếm 13% tổng GDP toàn cầu, bao gồm Australia, Brunei, Canada, Chile, Nhật Bản, Malaysia, Mexico, New Zealand, Peru, Singapore và Việt Nam.
Dưới thời cựu Tổng thống Barack Obama, Mỹ đã đàm phán gia nhập Hiệp định Đối tác Xuyên Thái Bình Dương (TPP), tiền thân của CPPP. Tình hình thay đổi hoàn toàn sau khi ông Donald Trump trở thành tổng thống với quyết định rút Mỹ khỏi việc đàm phán tham gia hiệp định này.
Hiện tại, chính quyền của ông Biden khẳng định không có ý định trở lại CPTPP do "phản ứng dữ dội" của công chúng Mỹ do lo ngại vấn đề thuê ngoài và nguy cơ chảy máu việc làm cũng như mất đi cơ hội kinh tế khi tham gia thỏa thuận thương mại. Thay vào đó, Washington sẽ thúc đẩy IPEF.
“Khuôn khổ kinh tế mới của ông Biden không thay thế cho CPTPP nhưng hy vọng rằng một ngày nào đó các điều kiện chính trị tại Mỹ sẽ cho phép nước này khám phá về một hiệp định như vậy”, ông Lý Hiển Long đánh giá. “Lý tưởng thì chúng ta muốn Mỹ có một hiệp định thương mại tự do (FTA) với các nước châu Á nhưng họ không thể làm vậy. IPEF là một giải pháp thay thế, không phải là một FTA mà là một khuôn khổ phản ánh chủ trương hợp tác trên một số lĩnh vực quan trọng trong khu vực”.
Thủ tướng Singapore cũng đánh giá IPEF là một “dấu hiệu quý giá” cho thấy chính quyền Biden hiểu rõ tầm quan trọng của việc ngoại giao kinh tế ở châu Á.
Trong chuyến thăm Mỹ gần đây, ông Lý Hiển Long cũng đã khẳng định Singapore hoan nghênh IPEF.
“Chúng tôi quan tâm đến kinh tế số, hợp tác kinh tế xanh, năng lượng bền vững và tài chính bền vững. Chúng tôi nhìn thấy cơ hội để đi đến một thỏa thuận và muốn bắt đầu đàm phán”, ông nhấn mạnh trong cuộc phỏng vấn với Nikkei Asia.
Về Trung Quốc, Thủ tướng Singapore đánh giá cường quốc kinh tế châu Á này cũng đang “tham gia một cách có hệ thống” vào khu vực với sáng kiến Vành đai và Con đường nhằm thúc đẩy phát triển cơ sở hạ tầng trên khắp châu Á. Bắc Kinh cũng đang thúc đẩy sáng kiến Phát triển Toàn cầu với mục tiêu huy động hợp tác quốc tế để hỗ trợ các quốc gia kém phát triển trong phòng, chống đại dịch Covid-19.
“Chúng tôi đánh giá đây là điều tích cực”, ông Lý Hiển Long nói và bày tỏ sự ủng hộ với 2 sáng kiến của Trung Quốc cũng như việc nước này gia nhập CPTPP.
Dù vậy, Thủ tướng Singapore cũng nhấn mạnh rằng Bắc Kinh sẽ phải đáp ứng các tiêu chuẩn của CPTPP để được gia nhập hiệp định này.
Nói về việc Đài Loan cũng đang xin gia nhập CPTPP, ông Lý Hiển Long cho biết Singapore sẽ giữ vai trò “cảnh sát giao thông” với vị trí chủ tịch hội đồng CPTPP trong năm nay.
"Nước chủ tịch sẽ tham vấn ý kiến của các quốc gia thành viên và các quốc gia thành viên sẽ bày tỏ quan điểm của họ. Nếu đạt được sự đồng thuận để bắt đầu đàm phán, quy trình gia nhập sẽ được khởi động. Tôi cho rằng quá trình tham vấn sẽ mất một thời gian bởi từng quốc gia thành viên có quan điểm khác nhau”, Thủ tướng Singapore nói.