Thủ tướng muốn Google mở văn phòng tại Việt Nam
“Google nên mở văn phòng đại diện chính thức ở Việt Nam để có thể phối hợp xử lý tốt các vấn đề liên quan”
“Google nên mở văn phòng đại diện chính thức ở Việt Nam để có thể phối hợp xử lý tốt các vấn đề liên quan”, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nói với Chủ tịch điều hành Tập đoàn Alphabet (công ty mẹ của Google), ông Eric Schmidt, trưa 26/5, tại trụ sở Chính phủ.
Tại buổi tiếp, theo nguồn tin từ Cổng thông tin điện tử Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc bày tỏ vui mừng khi Google kinh doanh thành công tại Việt Nam, đồng thời khẳng định Chính phủ Việt Nam luôn tạo điều kiện cho các doanh nghiệp đầu tư, kinh doanh thành công tại Việt Nam, trong đó có các doanh nghiệp Mỹ.
Theo Thủ tướng, nhiều doanh nghiệp Mỹ đã thành công ở Việt Nam, trong đó với Google, nhiều sản phẩm của Tập đoàn đã và đang trở nên phổ biến, quen thuộc với người dùng và doanh nghiệp tại Việt Nam.
Tuy nhiên, Thủ tướng cho biết, bên cạnh mặt tích cực, thời gian qua, có đối tượng sử dụng Youtube để đưa thông tin xấu độc, vi phạm pháp luật Việt Nam, vì thế Thủ tướng đề nghị Google phối hợp chặt chẽ với phía Việt Nam để xử lý, loại bỏ các thông tin này.
Ông Eric Schmidt cũng cho biết sẽ hợp tác chặt chẽ với phía Việt Nam để gỡ bỏ các thông tin xấu độc, vi phạm pháp luật Việt Nam và sẽ xem xét việc thành lập văn phòng đại diện ở Việt Nam, đồng thời nêu một số vấn đề liên quan đến việc này.
Trước đó, sáng cùng ngày, Chủ tịch Tập đoàn Alphabet đã dự lễ khai trương dự án "Nâng cao năng lực sử dụng máy tính, điện thoại thông minh và Internet cho cán bộ, hội viên hội nông dân Việt Nam", do Hội Nông dân Việt Nam và Google tổ chức.
Theo đó, dự án này sẽ tổ chức các khóa đào tạo kỹ năng kỹ thuật số thiết yếu cho hơn 30.000 nông dân tại Lai Châu, Bắc Giang, Nam Định, Nghệ An, Lâm Đồng, Bình Phước, Đồng Tháp, Tiền Giang và Bạc Liêu.
Cụ thể, Google sẽ giúp Hội Nông dân Việt Nam đào tạo 40 tập huấn viên và 500 cán bộ hội - những người sẽ trực tiếp đào tạo cho 10.000 nông dân thông qua các buổi đào tạo ngoại tuyến. Hoạt động này đồng thời dự kiến sẽ mang lại lợi ích cho thêm 20.000 nông dân thông qua các chương trình đào tạo trực tuyến.