08:09 25/08/2023

Thúc đẩy hệ sinh thái khởi nghiệp địa phương: Khai thác hiệu quả hơn nữa những tài nguyên bản địa

Vũ Khuê

Các cấp, các ngành, địa phương cần xác định khởi nghiệp đổi mới sáng tạo là nhiệm vụ trọng tâm, do đó cần tập trung xây dựng thể chế, chính sách, kiến tạo môi trường thuận lợi hỗ trợ cho hoạt động khởi nghiệp đổi mới sáng tạo…

Thanh niên 9X khởi nghiệp thành công với mô hình nuôi hươu sao.
Thanh niên 9X khởi nghiệp thành công với mô hình nuôi hươu sao.

Tại "Diễn đàn cấp cao phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo Quảng Nam 2023" ngày 24/8, Chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) Phạm Tấn Công nhấn mạnh, sau 21 năm bền bỉ, Chương trình Khởi nghiệp Quốc gia được VCCI khởi xướng từ năm 2002 và duy trì cho đến nay đã thắp lửa khởi nghiệp, đóng góp vào sự lớn mạnh của phong trào khởi nghiệp ở Việt Nam.

Hàng vạn thanh niên đã tham gia vào hàng nghìn dự án khởi nghiệp sáng tạo cũng như hàng nghìn nhà khởi nghiệp đã trưởng thành từ chiếc nôi này.

Theo Báo cáo của Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới (WIPO), Việt Nam đang xếp ở vị trí 48/132 quốc gia về Chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu, chỉ đứng sau Singapore (thứ 7) và Thái Lan (thứ 43) trong các nước Đông Nam Á.

Báo cáo thường niên của DO Ventures và Cento Ventures cũng cho thấy, hệ sinh thái khởi nghiệp Việt Nam hiện đứng ở vị trí thứ 3 trong số 6 nền kinh tế top đầu ASEAN, chỉ sau Indonesia và Singapore.

CÒN NHIỀU HẠN CHẾ, KHÓ KHĂN

Theo ông Phạm Tấn Công, khu vực miền Trung - Tây Nguyên là nơi có nhiều tiềm năng, lợi thế về phát triển kinh tế biển, năng lượng tái tạo, du lịch và nông - lâm nghiệp bền vững. Vì thế, việc thúc đẩy khởi nghiệp và khởi nghiệp sáng tạo trong các lĩnh vực tiềm năng, lợi thế của tỉnh sẽ là một động lực để kinh tế khu vực miền Trung - Tây Nguyên phát triển bền vững.

Trong 3 năm qua, kể từ khi VCCI phối hợp cùng Bộ Khoa học Công nghệ, Bộ Giáo dục Đào tạo tổ chức bình chọn Danh hiệu địa phương tiêu biểu trong xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp, Quảng Nam là tỉnh có nhiều sáng tạo trong công tác hỗ trợ cộng đồng khởi nghiệp trên địa bàn tỉnh. Nỗ lực xây dựng các thành tố trong hệ sinh thái khởi nghiệp của địa phương, mở rộng liên kết hợp tác ngoài tỉnh đang mang lại nhiều hiệu quả tích cực…

Chủ tịch VCCI Phạm Tấn Công: "Chương trình Khởi nghiệp Quốc gia đã thắp lửa khởi nghiệp, đóng góp vào sự lớn mạnh của phong trào khởi nghiệp ở Việt Nam".
Chủ tịch VCCI Phạm Tấn Công: "Chương trình Khởi nghiệp Quốc gia đã thắp lửa khởi nghiệp, đóng góp vào sự lớn mạnh của phong trào khởi nghiệp ở Việt Nam".

"Chính phủ cũng đã đề ra mục tiêu phát triển doanh nghiệp Việt Nam, phấn đấu đến năm 2025 có khoảng 1,5 triệu doanh nghiệp hoạt động. Đến năm 2030, có ít nhất 2 triệu doanh nghiệp. VCCI cam kết sẽ tiếp tục sát cánh cùng các tỉnh miền Trung – Tây Nguyên trong việc hỗ trợ hoàn thiện hệ sinh thái khởi nghiệp địa phương, góp phần gia tăng số lượng doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo”, ông Công nhấn mạnh.

Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam Lê Trí Thanh cũng thông tin hiện đã có 14/18 địa phương cấp huyện và 2 trường cao đẳng, đại học trên địa bàn tỉnh tổ chức thành lập hội, câu lạc bộ khởi nghiệp sáng tạo.

Hình thành 2 không gian sinh hoạt chung tại thành phố Hội An và thành phố Tam Kỳ. Toàn thể các huyện, thị xã, thành phố đã xây dựng và vận hành Kế hoạch về phát triển Hệ sinh thái khởi nghiệp. Công tác huy động xã hội hóa hỗ trợ khởi nghiệp và mô hình Quỹ hỗ trợ khởi nghiệp đã thu hút nhiều doanh nghiệp tham gia…

Tuy nhiên, bên cạnh kết quả đạt được, lãnh đạo tỉnh Quảng Nam thẳng thắn cho rằng hệ sinh thái khởi nghiệp của tỉnh còn những hạn chế, khó khăn nhất định. Đây là lĩnh vực khá mới mẻ, vừa triển khai vừa rút kinh nghiệm, nên các địa phương triển khai còn chậm. Công tác kết nối nhà đầu tư chưa hệ thống, bài bản.

Bên cạnh đó, hệ thống Câu lạc bộ hoạt động chưa kết nối, chưa năng động và sáng tạo trong mô hình hoạt động. Mô hình Quỹ khởi nghiệp trên địa bàn tỉnh đang gặp khó khăn về mặt pháp lý. Công tác kết nối, hình thành mạng lưới nhà đầu tư còn hạn chế.

Đặc biệt, vấn đề thương mại hóa và tăng nhanh sản phẩm của nhiều dự án gặp khó khăn do ảnh hưởng của dịch bệnh.

TẬP TRUNG VÀO NGUỒN LỰC CON NGƯỜI

Để tiếp tục phát triển mạnh mẽ hơn nữa hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo khu vực miền Trung – Tây Nguyên, Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công Nghệ Lê Xuân Định đề xuất, các địa phương cần khai thác có hiệu quả hơn nữa những tài nguyên bản địa.

Cùng với đó, cần tạo ra nhiều giá trị hơn cho xã hội. Cần có những định hướng, chủ trương bao quát làm nền tảng cho sự phát triển. Cụ thể, Thứ trưởng Lê Xuân Định đưa ra 3 giải pháp:

Thứ nhất, định hướng quan trọng cần ưu tiên đó là tập trung vào con người quả cảm, có ý chí vượt khó vươn lên, phát triển đào tạo, giáo dục về khởi nghiệp đổi mới sáng tạo.

Đây là lực lượng chủ yếu trong việc xây dựng hệ thống cơ sở khoa học - thực tiễn, nòng cốt trong việc đảm nhiệm hoạt động nghiên cứu, khảo nghiệm và ứng dụng các quy trình công nghệ mới, các thiết bị, công cụ mới vào sản xuất; đi đầu trong lựa chọn, tiếp thu và ứng dụng những tiến bộ công nghệ mới của cuộc cách mạng công nghệ lần thứ 4 vào phát triển các ngành kinh tế mũi nhọn của Việt Nam.

Thứ hai, ngoài các hoạt động, định hướng phối hợp, hợp tác giữa các địa phương, liên kết vùng và Trung ương cần được đẩy mạnh thì cần cả những sáng kiến liên quan tới việc huy động nguồn lực các bên để kết nối các mạng lưới, các trung tâm đổi mới sáng tạo mở tạo thành trung tâm vùng tận dụng nguồn lực trung ương, quốc tế.

Thứ ba, việc có những cơ chế, chính sách thí điểm, đặc thù trong vùng là hết sức quan trọng. Những ưu đãi mạnh hơn như ưu đãi về thuế, đất đai, ưu tiên trong cung ứng dịch vụ công, xác nhận, công nhận các sản phẩm, dịch vụ, doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, nhà đầu tư mạo hiểm... đều là những nhu cầu hết sức thực tiễn.

Ông Nguyễn Đức Hiển, Phó Trưởng ban - Ban Kinh tế Trung ương nhấn mạnh tới vấn đề đào tạo phát triển nguồn nhân lực cho khởi nghiệp đổi mới sáng tạo. Theo ông, các cấp, các ngành, địa phương cần xác định khởi nghiệp đổi mới sáng tạo là nhiệm vụ trọng tâm. Vì vậy, cần tập trung xây dựng thể chế, chính sách, kiến tạo môi trường thuận lợi hỗ trợ cho hoạt động khởi nghiệp đổi mới sáng tạo.

Trong đó, tập trung vào các vấn đề nguồn vốn, nhân lực, khoa học công nghệ theo hướng phù hợp với thị trường, thông lệ quốc tế, thí điểm đầu tư mạo hiểm, chấp nhận rủi ro, phá bỏ những nút thắt, rào cản để hỗ trợ hoạt động khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, hoặc khuyến khích cơ chế đặt hàng của nhà nước.