14:40 31/03/2023

Thực hành ESG: Cơ hội để doanh nghiệp tư nhân thể hiện giá trị cốt lõi

Vũ Khuê

Các doanh nghiệp Việt Nam đã bắt đầu khởi động hành trình ESG, tuy nhiên điểm trừ là hội đồng quản trị không tham gia các vào vấn đề ESG cũng như chưa có lãnh đạo ESG trong tổ chức của họ, doanh nghiệp vẫn chưa quan tâm đến việc đào tạo về ESG…

PwC khuyến nghị các doanh nghiệp tư nhân, đặc biệt là doanh nghiệp gia đình, cần ưu tiên báo cáo ESG.
PwC khuyến nghị các doanh nghiệp tư nhân, đặc biệt là doanh nghiệp gia đình, cần ưu tiên báo cáo ESG.

PwC Việt Nam vừa ra mắt bổ sung Báo cáo về thực hành ESG (phát triển bền vững) trong doanh nghiệp tư nhân tại Việt Nam.

38% DOANH NGHIỆP TƯ NHÂN CHƯA CÓ LÃNH ĐẠO ESG

Báo cáo cho thấy, 29% doanh nghiệp tư nhân Việt Nam chưa cam kết ESG, chưa xác định cụ thể trong 2-4 năm tới; 35% doanh nghiệp đang ở giai đoạn lập kế hoạch cho 2-4 năm tới; 44% đã lập kế hoạch và đưa ra cam kết ESG.

Tuy nhiên, có sự thiếu hụt về vai trò lãnh đạo ESG trong tổ chức. Cụ thể, 38% cho biết hội đồng quản trị của họ không tham gia các vào vấn đề ESG; 38% chưa có lãnh đạo ESG trong tổ chức của họ; 41% cho biết chương trình ESG của họ được quản lý bởi một trưởng phòng cao cấp, nhưng đây không phải trách nhiệm duy nhất của họ.

Báo cáo nhận định, những số liệu trên là lời kêu gọi cấp thiết dành cho chủ doanh nghiệp cần làm chủ câu chuyện ESG của mình, dẫn dắt các sáng kiến ​ESG và trở thành hình mẫu lãnh đạo trong việc xây dựng doanh nghiệp bền vững và trách nhiệm.

Đồng thời cũng mở ra cơ hội dành cho các Giám đốc tài chính (CFO) đóng vai trò lớn hơn trong việc thực hành và lập báo cáo mục tiêu ESG.

PwC Việt Nam cho rằng các doanh nghiệp tư nhân có thể làm chủ câu chuyện ESG của mình thông qua mục đích và giá trị cốt lõi của doanh nghiệp.

Theo đó, doanh nghiệp có thể tạo sự đồng thuận một cách tự nhiên với các bên liên quan thông qua việc tập trung vào các giá trị lâu dài, tài sản bền vững với mục tiêu tạo dựng di sản doanh nghiệp.

Thực hành ESG là một quyết định mang lại nhiều lợi ích đáng kể cho doanh nghiệp. Bởi sự tập trung chú ý vào ESG sẽ giúp doanh nghiệp nhận diện và giảm thiểu các rủi ro liên quan đến môi trường, xã hội và quản trị.

Hơn nữa, việc đưa ESG vào hoạt động thực tiễn sẽ thúc đẩy doanh nghiệp hướng tới các phương pháp hoạt động bền vững và tiết kiệm chi phí hơn, từ đó cũng khuyến khích sự đổi mới và hiệu quả vận hành.

Thế hệ kế nghiệp (NextGen) trong các doanh nghiệp tư nhân và doanh nghiệp gia đình đóng một vai trò quan trọng trong việc xây dựng câu chuyện ESG lâu dài của doanh nghiệp. Kết quả từ Báo cáo NextGen Việt Nam của PwC cho thấy mức độ nhận thức cao của họ về các vấn đề ESG.

Báo cáo cũng nhận định, mặc dù các doanh nghiệp tư nhân đang dần tiến bộ trong hoạt động bền vững và theo kịp các doanh nghiệp niêm yết, song đa số các doanh nghiệp tư nhân vẫn chưa thực hiện truyền thông ra công chúng một cách hiệu quả.

Hiện trạng về quản trị và báo cáo ESG trong các doanh nghiệp tư nhân Việt Nam cho thấy cần được cải thiện nhiều. Vì 51% doanh nghiệp tư nhân Việt Nam có cơ cấu quản trị ESG không chính thức hoặc không có cơ cấu quản trị ESG; 47% xác định rõ các mục tiêu và số liệu ESG; 70% không có hoặc hạn chế báo cáo các vấn đề ESG ra bên ngoài.

NHỮNG YẾU TỐ CẢN TRỞ

PwC dẫn chứng, khi hỏi về những yếu tố ngăn cản doanh nghiệp tư nhân cam kết ESG, 60% đề cập đến việc thiếu kiến thức. Tuy nhiên, việc nâng cao năng lực vẫn chưa là ưu tiên hàng đầu của các công ty khi hơn một nửa vẫn chưa quan tâm đến việc đào tạo về ESG.

Trong khi đó, các nhà lãnh đạo doanh nghiệp ở Việt Nam đang đối mặt với bối cảnh kinh tế đầy biến động trong hiện tại, đồng thời họ cũng cần phải chuẩn bị cho doanh nghiệp sẵn sàng cho tương lai. Điều này đòi hỏi một chiến lược cân bằng giữa hai ưu tiên này - được gọi là "mục tiêu kép" để thành công trong lĩnh vực kinh doanh.

Liên quan đến các vấn đề ESG, đã đến lúc các doanh nghiệp tư nhân hành động để thay đổi - thay vì chỉ dừng lại ở “ý định tốt” nhằm tạo ra một kế hoạch thực tế và đạt được kết quả hữu hình.

Các doanh nghiệp tư nhân có thể xem nâng cao năng lực như một cách truyền tải các mục tiêu ESG để xây dựng niềm tin và sự minh bạch; gắn kết nhân viên với các chiến lược của doanh nghiệp.

Ngoài ra, nâng cao năng lực có thể giúp nhân viên đóng góp vào các mục tiêu ESG và tận dụng các kỹ năng đa ngành, kết hợp kỹ năng cứng và kỹ năng mềm để thúc đẩy tiến bộ hướng tới kết quả ESG.

Khuyến cáo của PwC đưa ra, các doanh nghiệp tư nhân, đặc biệt là doanh nghiệp gia đình, cần ưu tiên báo cáo ESG. Đây là cơ hội để thể hiện giá trị cốt lõi và thành tựu đạt được, giúp họ tạo ấn tượng các bên liên quan. Báo cáo ESG có thể phức tạp, nhưng doanh nghiệp nên bắt đầu từ những bước nhỏ bằng việc tập trung vào các vấn đề ESG chính liên quan trực tiếp đến ngành nghề và các bên liên quan.

Ông Johnathan Ooi, lãnh đạo Dịch vụ Doanh nghiệp tư nhân và Doanh nghiệp gia đình PwC Việt Nam, cho rằng để tạo ra giá trị và kết nối giữa áp lực ngắn hạn và các cơ hội dài hạn, các công ty phải cân bằng giữa việc đáp ứng các yêu cầu hiệu quả ngắn hạn và đầu tư vào các mục tiêu ESG dài hạn.

“Bằng cách xác định chiến lược ESG rõ ràng và thuyết phục, phù hợp với KPI ngắn hạn và đáp ứng kỳ vọng của các nhà đầu tư, các công ty có thể đảm bảo thành công lâu dài của họ và tránh các chi phí đáng kể”, ông Johnathan Ooi nói.