06:00 28/05/2021

Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí: Còn tình trạng nể nang, làm hình thức

Quang Trung

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đánh giá báo cáo của Chính phủ về công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2020 còn tình trạng hình thức, nể nang, ngại va chạm...

Toàn cảnh Phiên họp. Ảnh: quochoi.vn.
Toàn cảnh Phiên họp. Ảnh: quochoi.vn.

Chiều 27/5, tiếp tục chương trình phiên họp thứ 56, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về báo cáo của Chính phủ về công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2020.

Trình bày báo cáo thẩm tra sơ bộ kết quả thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2020, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách Bùi Đặng Dũng cho biết, mặc dù gặp nhiều khó khăn do thiên tai, dịch bệnh, đặc biệt là tác động tiêu cực của đại dịch Covid-19 nhưng với quyết tâm cao, sát sao trong chỉ đạo, điều hành, công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2020 đã đạt được nhiều kết quả tích cực.

Đáng chú ý, công tác điều hành và ban hành chương trình thực hành tiết kiệm, chống lãng phí được triển khai chủ động, kịp thời tạo tiền đề thuận lợi cho quá trình triển khai thực hiện, hiệu quả sử dụng ngân sách được chú trọng, quản lý chặt chẽ nguồn thu, nhiều nội dung chi được tiết giảm, mua sắm và sử dụng tài sản công được cải thiện....

CÒN SAI PHẠM TRONG MUA SẮM TÀI SẢN CÔNG, VI PHẠM QUẢN LÝ ĐẤT ĐAI

Tuy nhiên, bên cạnh các kết quả đạt được, công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2020 còn một số tồn tại cần khắc phục.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách Bùi Đặng Dũng nêu rõ vẫn còn hiện tượng chưa tuân thủ nghiêm quy định về thời hạn lập, gửi Chương trình và Báo cáo thực hành tiết kiệm, chống lãng phí. Một số đơn vị đến tháng 4-5/2020 mới ban hành Chương trình thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, trong khi thời hạn quy định là ngày 23/2/2020.

Một số điển hình trong chậm trễ trong việc ban hành chương trình gồm có Đồng Nai, Bắc Ninh, Đà Nẵng, Hà Nam, Hải Phòng, Ngân hàng Phát triển Việt Nam, Bảo hiểm Xã hội Việt Nam...

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính – Ngân sách Bùi Đặng Dũng trình bày báo cáo thẩm tra - Ảnh: Quochoi.vn 
Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính – Ngân sách Bùi Đặng Dũng trình bày báo cáo thẩm tra - Ảnh: Quochoi.vn 

Đồng quan điểm, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga cho biết có những đơn vị đến tháng 6/2020 mới ban hành Chương trình thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, cá biệt có đơn vị đến tháng 9/2020 mới ban hành.

"Như vậy là rất hình thức. Cùng với đó một số báo cáo kết quả lại không có số liệu thực hiện. Điều này thể hiện kỷ luật báo cáo không nghiêm, Chính phủ cần nghiêm khắc phê bình các đơn vị chậm trễ trong lập Chương trình và báo cáo", bà Nga nhấn mạnh.

Bên cạnh đó, tiến độ thực hiện một số dự án chậm, không giải ngân hết kế hoạch vốn được giao. Trong đó, kế hoạch vốn nước ngoài năm 2020 chưa giải ngân khoảng 30.000 tỷ đồng, còn vốn trong nước khoảng 81.200 tỷ đồng. Phân bổ, thẩm định, giao, điều chỉnh dự toán chi đầu tư còn chậm; tiến độ giải phóng mặt bằng, giải ngân một số dự án đầu tư trọng điểm rất chậm.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách Bùi Đặng Dũng cũng cho biết công tác cải cách hành chính, sắp xếp bộ máy, tinh giản biên chế chưa đạt yêu cầu, tiến độ đề ra. Tình trạng vi phạm định mức, tiêu chuẩn, chế độ còn diễn ra; việc xử lý vi phạm tuy có tăng so với năm 2019 nhưng còn chưa phản ánh đúng với tình hình thực tế đang diễn ra. Một số cơ quan còn xảy ra vi phạm trong đấu thầu mua sắm tài sản công như sai phạm tại CDC Hà Nội trong việc mua sắm thiết bị phục vụ phòng, chống dịch.

Về quản lý khai thác, sử dụng đất, tài nguyên, công tác triển khai một số quy trình, thủ tục còn chậm; vi phạm trong quản lý, sử dụng đất, tài nguyên còn tồn tại. Vi phạm quản lý, sử dụng đất đai vẫn xảy ra dẫn đến nhiều khiếu kiện, bức xúc của nhân dân.

Cùng với đó, vi phạm quy định pháp luật trong quản lý, sử dụng tài nguyên nước, khai thác khoáng sản, chặt phá rừng trái phép, cháy rừng còn xảy ra ở một số nơi. Tình trạng ô nhiễm môi trường vẫn diễn biến phức tạp; sạt lở bờ sông, ven biển, hạn hán, xâm ngập mặn diễn ra nghiêm trọng ở một số địa phương; tình trạng ô nhiễm nước, không khí tại các thành phố lớn, các khu công nghiệp vẫn chưa được cải thiện.

BÁO CÁO CHUNG CHUNG, CÒN NỂ NANG, NGẠI VA CHẠM

Đặc biệt, việc quản lý, sử dụng vốn và tài sản nhà nước tại một số doanh nghiệp chưa thực sự hiệu quả; tiến độ cổ phần hóa doanh nghiệp còn chậm.

 
"Báo cáo của Chính phủ về công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2020 chưa chỉ rõ được những kết quả nổi bật, những tiến bộ của năm nay so với năm trước, chưa thấy rõ đâu là điển hình để vinh danh. Báo cáo còn tình trạng hình thức, nể nang, ngại va chạm...".
CHỦ TỊCH QUỐC HỘI VƯƠNG ĐÌNH HUỆ

Tính đến ngày 24/12/2020, tiến độ cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước mới thực hiện đạt 27,3% kế hoạch năm 2020, còn 89 doanh nghiệp chưa hoàn thành cổ phần hóa. Một số doanh nghiệp chậm quyết toán cổ phần hóa, khó khăn cho quá trình hoạt động của công ty cổ phần, ảnh hưởng quá trình thoái vốn tại doanh nghiệp. Bên cạnh đó, hiệu quả đóng góp của doanh nghiệp nhà nước còn thấp.

Nhiều địa phương, bộ ngành có số lượng doanh nghiệp phải thực hiện cổ phần hóa lớn nhưng chưa thực hiện theo đúng kế hoạch.

Thường trực Ủy ban Tài chính ngân sách cho rằng các tồn tại, hạn chế trong thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2020 xuất phát từ nhiều nguyên nhân, trong đó có nguyên nhân là công tác triển khai chỉ đạo tại một số bộ, ngành, địa phương chậm. Trong khi đó, việc xử lý trách nhiệm chưa được thực hiện hiệu quả.

Tham gia thảo luận nội dung này, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhấn mạnh thực hành tiết kiệm, chống lãng phí là chủ trương lớn, cần hết sức coi trọng, trong điều kiện đất nước còn khó khăn.

Chủ tịch Quốc hội đánh giá báo cáo của Chính phủ về công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2020 chưa chỉ rõ được những kết quả nổi bật, những tiến bộ của năm nay so với năm trước, chưa thấy rõ đâu là điển hình để vinh danh. Báo cáo còn tình trạng hình thức, nể nang, ngại va chạm.

"Báo cáo của Chính phủ, báo cáo thẩm tra chưa tới nơi, vẫn lớt phớt bên ngoài, chưa đi vào thực chất", Chủ tịch Quốc hội đánh giá.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đề nghị báo cáo của Chính phủ và báo cáo thẩm tra cần tiếp tục hoàn thiện theo hướng nào nên bám sát nội dung cốt lõi của Luật thực hành tiết kiệm, chống lãng phí và Quyết định 166 của Thủ tướng Chính phủ về ban hành Chương trình thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2020. 

 

Cũng tại phiên họp 56, Ủy ban Thường vụ Quốc hội nghe và cho ý kiến về Hội đồng bầu cử quốc gia báo cáo sơ bộ kết quả bầu cử đại biểu Quốc hội khóa 15 và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021-2026. Trong đó, Thường vu Quốc hội cơ bản đồng ý với báo cáo về kết quả thành công của cuộc bầu cử. Bất chấp khó khăn do dịch bệnh diễn biến phức tạp, tỷ lệ cử tri đi bầu đạt 99,57%, nơi thấp nhất cũng đạt 98% và đảm bảo bầu đủ 500 đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp. 

Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng xem xét và cho ý kiến Báo cáo quyết toán ngân sách Nhà nước năm 2019 và Báo cáo tài chính Nhà nước năm 2019. Đánh giá về hai nội dung này, Chủ tịch Quốc hội cho biết các báo cáo này so với quy định là chậm tiến độ nhưng đến hôm nay cũng đã được cho ý kiến tại Phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội ghi nhận sự chuẩn bị công phu, trách nhiệm của Chính phủ; đồng thời, đánh giá cao các báo cáo thẩm tra của Ủy ban Tài chính và Ngân sách.

Trên cơ sở những ý kiến góp ý của Ủy ban Thường vụ Quốc hội tại phiên họp này, Chủ tịch Quốc hội đề nghị các cơ quan, đơn vị hữu quan đẩy nhanh tiến độ, nâng cao chất lượng, hoàn thiện thêm một bước nữa nội dung của các báo cáo. Nếu có vấn đề cần làm rõ thêm, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ xin ý kiến các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội trước khi hoàn thiện chính thức để báo cáo với Quốc hội.