14:37 18/04/2025

Thực hiện ngay việc rà soát, thu hồi các loại thuốc giả đã được phát hiện

Nhật Dương

Bộ Y tế chỉ đạo các địa phương thực hiện ngay việc rà soát, thu hồi các loại thuốc giả, thực phẩm bảo vệ sức khỏe giả đã được phát hiện...

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Thành Long đã ký công điện số 41/CĐ-TTg về xử lý vụ việc sản xuất, buôn bán hàng giả là thuốc chữa bệnh, thực phẩm bảo vệ sức khỏe.

Theo nội dung công điện, vừa qua, các cơ quan chức năng đã phát hiện vụ việc sản xuất, buôn bán hàng giả là thuốc chữa bệnh, thực phẩm bảo vệ sức khỏe xảy ra tại tỉnh Thanh Hóa và một số địa phương. Đáng lưu ý là hoạt động sản xuất, buôn bán các loại hàng giả này đã kéo dài nhiều năm, đặc biệt là hàng chục loại thuốc, thực phẩm bảo vệ sức khỏe giả đã được sản xuất, đưa vào lưu thông.

ĐẨY MẠNH HOẠT ĐỘNG THANH TRA, KIỂM TRA 

Nhằm nâng cao hiệu quả quản lý, nhất là bảo đảm chất lượng, kịp thời phát hiện, ngăn chặn và xử lý hoạt động sản xuất, buôn bán hàng giả, nhất là thuốc giả, thực phẩm bảo vệ sức khỏe giả, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ Y tế phối hợp chặt chẽ với Bộ Công an trong việc điều tra, xử lý vụ việc buôn bán hàng giả nêu trên.

Đồng thời, chỉ đạo các địa phương thực hiện ngay việc rà soát, thu hồi các loại thuốc giả, thực phẩm bảo vệ sức khỏe giả đã được phát hiện, kịp thời ngăn chặn và giảm thiểu tác hại của việc sử dụng thuốc giả, thực phẩm bảo vệ sức khỏe giả.

Phối hợp với Bộ Công thương và các cơ quan đẩy mạnh các biện pháp kiểm soát, phòng chống thuốc giả, thực phẩm bảo vệ sức khỏe giả lưu thông trên thị trường.

Đẩy mạnh hoạt động kiểm tra, thanh tra việc chấp hành pháp luật về dược, an toàn thực phẩm của các cơ sở kinh doanh dược, thực phẩm bảo vệ sức khỏe, nhất là tại các địa bàn trọng điểm.

Cùng với đó, tăng cường các biện pháp quản lý cơ sở bán buôn, bán lẻ thuốc gắn với yêu cầu kết nối cơ sở cung ứng thuốc; chỉ được mua bán các loại thuốc được cấp giấy đăng ký lưu hành, có hóa đơn, chứng từ, nguồn gốc xuất xứ đúng quy định; thực hiện việc bán thuốc theo đơn; xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm.

Bộ Y tế cũng rà soát, hoàn thiện các quy định pháp luật nhằm nâng cao trách nhiệm, hiệu quả quản lý của các cơ quan liên quan và chính quyền các địa phương đối với hoạt động sản xuất, kinh doanh, bán buôn, bán lẻ thuốc chữa bệnh, thực phẩm bảo vệ sức khỏe.

Thủ tướng yêu cầu Bộ Công an tập trung đẩy nhanh tiến độ điều tra, sớm đưa ra kết luận về vụ việc sản xuất, buôn bán thuốc chữa bệnh giả, thực phẩm bảo vệ sức khỏe giả nêu trên; xử lý nghiêm các đối tượng vi phạm theo quy định của pháp luật.

Chỉ đạo công an các cấp tăng cường nắm tình hình, phát hiện, ngăn chặn, xử lý kịp thời những hành vi sản xuất, buôn bán thuốc giả, thực phẩm bảo vệ sức khỏe giả.

Bộ Công thương được giao phối hợp với Bộ Y tế, các cơ quan liên quan, và địa phương tăng cường các biện pháp quản lý thị trường nhằm kịp thời phát hiện, ngăn chặn và xử lý hoạt động sản xuất, buôn bán thuốc giả, thực phẩm bảo vệ sức khỏe giả.

THUỐC GIẢ CHỦ YẾU ĐƯỢC BÁN TRÊN MẠNG, KÊNH BÁN LẺ

Liên quan đến vấn đề này, Cục Quản lý Dược (Bộ Y tế) đã thông tin tới báo chí về công tác đấu tranh phòng, chống thuốc giả liên quan đến việc Công an tỉnh Thanh Hóa vừa triệt phá đường dây sản xuất, buôn bán thuốc tân dược giả, với quy mô lớn trên phạm vi toàn quốc.

Một số loại thuốc tân dược giả và dụng cụ dùng để sản xuất thuốc giả bị thu giữ. Ảnh: Công an tỉnh Thanh Hóa. 
Một số loại thuốc tân dược giả và dụng cụ dùng để sản xuất thuốc giả bị thu giữ. Ảnh: Công an tỉnh Thanh Hóa. 

TS. Tạ Mạnh Hùng, Phó Cục trưởng Cục Quản lý Dược (Bộ Y tế) cho biết ngay sau khi nắm bắt vụ việc, Bộ đã có văn bản hỏa tốc gửi Sở Y tế tỉnh Thanh Hóa đề nghị cung cấp thông tin, phối hợp chặt chẽ với cơ quan công an trong đấu tranh làm rõ, xử lý nghiêm các đối tượng vi phạm pháp luật và triệt để thu hồi các thuốc do đối tượng làm giả, đã đưa ra thị trường.

Theo thông tin ban đầu của Sở Y tế tỉnh Thanh Hoá và các đơn vị chức năng, cho thấy thuốc do các đối tượng làm giả không vào trong hệ thống các bệnh viện do không có giấy tờ, chứng từ để tham gia đấu thầu. Các thuốc giả chủ yếu được bán trên mạng, tại kênh bán lẻ. 

Trong số 21 loại sản phẩm đã bị cơ quan công an bắt giữ, có 4 loại thuốc tân dược giả (44 hộp thuốc Tetracyclin, 40 hộp thuốc Clorocid, 49 hộp thuốc Pharcoter, 52 hộp thuốc Neo-Codion). Còn lại hơn 39.000 hộp gồm 17 loại sản phẩm giả nghi là thuốc đông dược, sản phẩm có nhãn ghi mục đích sử dụng như thuốc chữa bệnh.

Theo TS. Tạ Mạnh Hùng, để bảo đảm chất lượng thuốc, Bộ Y tế đã triển khai hàng loạt hoạt động tiền kiểm cũng như hậu kiểm trong toàn bộ quá trình sản xuất, kinh doanh, sử dụng thuốc, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra. Đồng thời, đã ban hành nhiều quyết định xử phạt vi phạm hành chính nghiêm khắc đối với các tổ chức, cá nhân vi phạm. 

Bộ Y tế và Bộ Công an cũng đã ký quy chế phối hợp trong cung cấp thông tin, tài liệu, tình hình liên quan đến hoạt động sản xuất kinh doanh, xuất nhập khẩu, phân phối lưu thông thuốc trong đó có thuốc giả, thuốc kém chất lượng.

Việc đấu tranh phòng chống thuốc giả luôn là một trong những nhiệm vụ trọng tâm không của riêng ngành Y tế. Thực hiện Chỉ thị 17/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ, những năm qua, Bộ Y tế, Bộ Công thương, Bộ Công an, và các bộ, ngành thông qua Ban chỉ đạo 389 đã triển khai hàng loạt các hoạt động phòng chống sản xuất, buôn bán thuốc giả, phát hiện và xử lý các tổ chức, cá nhân vi phạm theo quy định của pháp luật.

Về phía Bộ Y tế cũng đã nhiều văn bản chỉ đạo Ủy ban nhân dân các địa phương, Sở Y tế và các đơn vị tăng cường kiểm tra, giám sát chất lượng thuốc; thường xuyên phối hợp với các cơ quan chức năng đấu tranh phòng chống thuốc giả, thuốc không rõ nguồn gốc xuất xứ. Tỷ lệ thuốc giả trong những năm gần đây đều dưới 0,1%.

Đại diện Cục Quản lý Dược cũng thông tin thêm rằng các đơn vị đã thống nhất tiếp tục đẩy mạnh công tác đấu tranh phòng chống thuốc giả, thuốc không rõ nguồn gốc và xử lý nghiêm các vi phạm theo quy định của pháp luật trong thời gian tới.