Thương chiến dập tắt hy vọng khởi sắc của ngành đồ hiệu
Sau một giai đoạn tăng trưởng lịch sử sau đại dịch Covid-19, ngành đồ hiệu đã rơi vào một thời kỳ suy thoái...

Cuộc chiến thương mại của Tổng thống Donald Trump dã dập tắt những kỳ vọng về một cuộc phục hồi của thị trường hàng hiệu toàn cầu với sự dẫn đầu của Mỹ trong năm nay, bởi hàng rào thuế quan cao ngất ngưởng đe dọa kéo dài sự suy giảm nhu cầu đối với những mặt hàng như túi xách và đồng hồ xa xỉ.
Mỹ và Trung Quốc vốn là hai đầu tàu của thị trường hàng hiệu toàn cầu. Nhưng hai nước này hiện đang trong một cuộc chiến leo thang thuế quan đánh vào hàng hóa của nhau, khiến niềm tin người tiêu dùng ở mỗi nước đều suy giảm. Trong bối cảnh như vậy, giới phân tích đã mạnh tay cắt giảm dự báo tăng trưởng ngành đồ hiệu năm 2025.
Tuần vừa rồi, công ty nghiên cứu thị trường Bernstein dự báo ngành hàng xa xỉ sẽ chứng kiến mức giảm doanh thu 2% trong năm 2025, thay cho dự báo trước đó là tăng trưởng 5%. Cơ sở của việc điều chỉnh dự báo này là sự bất định kinh tế và rủi ro suy thoái kinh tế toàn cầu tăng lên do thuế quan.
“Kịch bản chính của chúng tôi bây giờ là bất kỳ sự khởi sắc nào của ngành đồ hiệu cũng phải đợi tới năm 2026”, một nhà ngân hàng trong lĩnh vực đồ xa xỉ nhận xét khi trao đổi với tờ báo Financial Times.
Hồi cuối tháng 3, Chủ tịch Bernard Arnault của “đế chế” hàng hiệu Pháp LVMH đã bay tới Washington để thảo luận vấn đề thuế quan với ông Trump - một người quen lâu năm. Hồi tháng 1, ông Arnault dự lễ nhậm chức của ông Trump và sau đó đã ca ngợi “một làn gió lạc quan” thổi khắp nước Mỹ. Tại thời điểm đó, ông Arnault cho biết đang cân nhắc tăng sản lượng của LVMH tại Mỹ.
Ngân hàng Barclays dự báo doanh thu mảng thời trang và đồ da của LVMH - một thước đo sức khỏe toàn ngành - giảm 1% trong quý 1 vừa qua. Doanh thu toàn công ty được dự báo đi ngang so với cùng kỳ năm ngoái.
Sau một giai đoạn tăng trưởng lịch sử sau đại dịch Covid-19, khi người tiêu dùng ồ ạt mua những mặt hàng như túi xách hàng hiệu và rượu cao cấp, ngành đồ hiệu đã rơi vào một thời kỳ suy thoái do tầng lớp trung lưu hạn chế chi tiêu và nền kinh tế Trung Quốc phục hồi yếu ớt. Tình trạng sa sút của ngành này giờ đây càng trở nên nghiêm trọng hơn vì chiến tranh thương mại.
Trung Quốc, một thị trường hàng hiệu chủ lực toàn cầu, là đối tượng bị ông Trump áp thuế quan mạnh nhất. Thuế quan mà ông đã áp lên hàng Trung Quốc kể từ khi nhậm chức nhiệm kỳ thứ hai đến nay là 145%. Về phần mình, Trung Quốc trả đũa bằng cách áp thuế quan 125% lên hàng Mỹ.
Phần lớn hàng hiệu được sản xuất ở Pháp và Italy, còn đồng hồ xa xỉ chủ yếu được làm ở Thụy Sỹ. Mỹ đang thuế quan 10% đối với cả ba nước này, sau khi hoãn thuế suất cao hơn trong 90 ngày.
Mức thuế quan như hiện nay vẫn được xem là có thể chấp nhận được đối với các công ty hàng hiệu, nếu so với các ngành hàng khác, bởi sức mạnh thương hiệu trong ngành hàng xa xỉ cho phép các công ty hấp thụ ảnh hưởng của thuế quan bằng cách tăng giá. Tuy nhiên, ngành hàng hiệu là một lĩnh vực có sự phụ thuộc lớn vào niềm tin của người tiêu dùng, nên tác động đối với ngành này chủ yếu nằm ở ảnh hưởng của thuế quan tới tâm lý người tiêu dùng.
Đợt bán tháo dữ dội trên thị trường chứng khoán toàn cầu năm nay được cho là sẽ khiến nhiều có thói quen mua sắm hàng hiệu phải thắt chặt chi tiêu vì giá trị tài sản của họ sụt giảm theo giá cổ phiếu. “Nhìn vào những gì diễn ra trên thị trường chứng khoán, có thể đoán được tình hình kinh doanh tại các cửa hàng của chúng tôi”, Chủ tịch phụ trách mảng thời trang của thương hiệu Chanel, ông Bruno Pavlosky, nói với Financial Times.
Trong một báo cáo, Giám đốc điều hành Erwan Rambourg của ngân hàng HSBC, nhận định rủi ro đối với thị trường đồ hiệu nằm ở sự kết hợp giữa tình trạng suy giảm tài sản của các nhà đầu tư, sức chi tiêu bị hạn chế của người tiêu dùng ở Mỹ, và đà trượt dốc của niềm tin người tiêu dùng nói chung.
“Chúng tôi dự báo sẽ có ít tin tốt hơn từ ngành hàng xa xỉ trong năm nay”, ông Rambourg viết.
HSBC hiện dự báo doanh thu thị trường hàng hiệu toàn cầu giảm 5% trong năm nay, thay cho dự báo đi ngang so với năm 2024 trước đó.
Tuy nhiên, Hermes - nhà sản xuất túi xách Birkin - được dự báo sẽ là một cái tên vượt trội về tăng trưởng trong ngành hàng xa xỉ toàn cầu năm nay. Barclays dự báo doanh thu của Hermes tăng 8% trong quý 1/2025 so với cùng kỳ năm ngoái.
Trong khi đó, những vấn đề ở Gucci - thương hiệu lớn nhất của Kering - đã khiến cho tập đoàn này trở thành hãng đồ xa xỉ dễ bị ảnh hưởng nhất trong bất kỳ sự đi xuống nào của toàn ngành. Barclays dự báo doanh thu của Gucci giảm 25% trong quý 1. Bernstein nhận định Kering khó có thể đạt mục tiêu doanh thu vào lợi nhuận hoạt động đi ngang trong năm nay.