09:59 13/04/2025

Dấu ấn kinh tế thế giới tuần 7-13/4/2023: Thương chiến khó lường, sóng gió tài chính toàn cầu

An Huy

Tuần qua chứng kiến những bước leo thang và diễn biến khó lường mới của cuộc chiến thương mại mà Tổng thống Mỹ Donald Trump khởi xướng...

Ảnh minh họa - Ảnh: Bloomberg.
Ảnh minh họa - Ảnh: Bloomberg.

Sự bất định này đã gây ra những pha biến động lịch sử trên thị trường tài chính toàn cầu và khiến nhà đầu tư lo ngại về triển vọng tăng trưởng kinh tế và lạm phát.

Dưới đây là một số dấu ấn kinh tế thế giới tuần từ ngày 7-13/4/2023 do VnEconomy điểm lại:

1. Ông Trump bất ngờ “quay xe” sau khi thuế đối ứng có hiệu lực

Ngày 9/4, thuế suất cao hơn của thuế đối ứng chính thức có hiệu lực, sau khi thuế suất cơ sở 10% của thuế quan này đã có hiệu lực từ trước đó 4 ngày. Tuy nhiên, ngay trong ngày 9/4, ông Trump bất ngờ tuyên bố hạ thuế suất cao hơn, dao động từ 11-50%, về 10% áp dụng trong 90 ngày cho tất cả các quốc gia và vùng lãnh thổ bị đánh thuế đối ứng, ngoại trừ Trung Quốc.

Riêng đối với Trung Quốc, ông Trump tuyên bố tăng thuế quan lên 125%, sau đó Nhà Trắng xác nhận rằng mức thuế mới với Trung Quốc là 145% sau khi cộng cả hai đợt áp thuế quan 10% mỗi đợt mà ông Trump đưa ra vào đầu nhiệm kỳ thứ hai này.

Hôm 11/4, Hải quan Mỹ đưa ra hướng dẫn mới cho thấy ông Trump miễn trừ thuế đối ứng cho các sản phẩm điện thoại thông minh, máy tính và thiết bị công nghệ khác và linh kiện.

2. Trung Quốc cứng rắn với Mỹ, liên tục leo thang thuế quan

Theo thông tin từ giới chức Nhà Trắng trong tuần này, đã có ít nhất hơn 70 quốc gia và vùng lãnh thổ đề nghị đàm phán với Mỹ về thuế đối ứng. Tuy nhiên, Trung Quốc đã có những động thái mạnh tay để đáp trả các bước leo thang thuế quan của ông Trump.

Khi ông Trump liên tục tăng thuế quan đối với hàng Trung Quốc, Bắc Kinh cũng không ngừng nâng thuế quan áp lên hàng Mỹ, từ 34% lên 85% rồi 125%. Nhưng cùng với đó, phía Trung Quốc vẫn khẳng định sẵn sàng đàm phán thương mại với Mỹ trên cơ sở bình đẳng, tôn trọng lẫn nhau

3. Mối lo ngại về sức khỏe kinh tế toàn cầu tiếp tục tăng cao

Sự khó lường trong chính sách thuế quan của Mỹ và các động thái leo thang của Trung Quốc đã dẫn tới những cảnh báo về tác động tăng trưởng và lạm phát đối với hai nền kinh tế lớn nhất thế giới cũng như kinh tế toàn cầu.

Đối với Mỹ, áp lực lạm phát có thể gia tăng trong những tháng tới do thuế quan khiến hàng hóa nhập khẩu trở nên đắt đỏ hơn. Cùng với đó, niềm tin của người tiêu dùng và doanh nghiệp suy giảm có thể dẫn tới sự suy yếu của tiêu dùng và đầu tư, gây suy giảm tăng trưởng kinh tế. Đình lạm kinh tế Mỹ là kịch bản mà nhiều chuyên gia đang nghĩ tới. Một loạt ngân hàng như Goldman Sachs và JPMorgan Chase đã nâng khả năng suy thoái kinh tế Mỹ, nhưng đa phần cho rằng nếu có suy thoái, đó sẽ là một cuộc suy thoái nông.

Đối với Trung Quốc, cuộc chiến thuế quan xảy ra vào đúng thời điểm nền kinh tế đang yếu. Sự phục hồi của kinh tế Trung Quốc vẫn đang diễn ra chậm chạp vì khủng hoảng bất động sản kéo dài, áp lực giảm phát và tiêu dùng trong nước yếu. Xuất khẩu vốn dĩ là động lực tăng trưởng lớn nhất của Trung Quốc trong năm 2024. Một số tổ chức dự báo cũng đã hạ triển vọng tăng trưởng kinh tế Trung Quốc sau khi Mỹ áp thuế đối ứng.

Nếu hai nền kinh tế đầu tàu có thể giảm tốc, kinh tế thế giới khó tránh được việc giảm tốc theo. Chưa kể, thuế quan đối ứng phủ khắp có thể gây suy giảm hoạt động thương mại của thế giới, làm mất đi sức mạnh tăng trưởng của hàng loạt nền kinh tế mới nổi và phát triển khác.

4. Tuần biến động lịch sử của chứng khoán Mỹ và thế giới

Những phiên bán tháo đan xen với những phiên phục hồi mạnh là nét nổi bật của chứng khoán Mỹ và toàn cầu tuần qua. Ngày thứ Tư, S&P 500 tăng hơn 9,5%, đánh dấu phiên tăng mạnh thứ ba kể từ Chiến tranh Thế giới thứ hai, trong khi Dow Jones nhảy hơn 2.900 điểm. Đến phiên ngày thứ Năm, S&P 500 lại giảm gần 3,5% và Dow Jones sụt hơn 1.000 điểm.

Chỉ số Nikkei 225 của chứng khoán Nhật Bản giảm gần 8% trong phiên ngày thứ Hai, nhưng tăng hơn 9% trong phiên ngày thứ Năm.

Ngoài mối lo về tác động của thuế quan đối với nền kinh tế, tâm lý nhà đầu tư còn bị chi phối bởi những diễn biến khó đoán định trong kế hoạch thuế quan của Mỹ. Trong bối cảnh như vậy, chỉ số VIX đo lường nỗi sợ hãi của nhà đầu tư ở Phố Wall liên tục đạt những mức cao lịch sử.

5. Giới đầu tư ưa chuộng những tài sản an toàn như vàng, yên Nhật, franc Thụy Sỹ

Vàng - một “hầm trú ẩn” truyền thống - đã phát huy mạnh vai trò này trong tuần qua. Không chỉ lần đầu tiên trong lịch sử vượt qua ngưỡng 3.200 USD/oz, giá vàng còn tăng 6% trong tuần này, đánh dấu tuần tăng mạnh nhất trong vòng 5 năm trở lại đây.

Ngoài vàng, nhà đầu tư còn mua các đồng tiền như yên Nhật và franc Thụy Sỹ. Hôm thứ Sáu, tỷ giá đồng USD so với yên giảm còn khoảng 144 yên đổi 1 USD, mức thấp nhất kể từ tháng 9/2024. Tỷ giá USD so với franc giảm về mức khoảng 0,82 franc đổi 1 USD, mức thấp nhất của đồng bạc xanh so với đồng tiền này kể từ tháng 1/2015.

Hai đồng tiền lớn giảm giá mạnh trong tuần này là đồng USD và nhân dân tệ của Trung Quốc.

Chỉ số Dollar Index giảm hơn 3,1% trong tuần này, còn dưới 100 điểm, thấp nhất 3 năm. Tỷ giá nhân dân tệ so với USD tại thị trường ngoài Trung Quốc đại lục có lúc chạm mức thấp chưa từng thấy.

Trái phiếu kho bạc Mỹ vốn là một tài sản an toàn nhưng đã không phát huy được vai trò này trong tuần qua. Do trái phiếu bị bán mạnh, lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ tăng nhanh, kết thúc tuần ở mức 4,5%, so với mức khoảng 4% khi kết thúc tuần trước.

6. Lạm phát Mỹ bất ngờ giảm, củng cố khả năng Fed hạ lãi suất trong năm 2025

Số liệu do Bộ Lao động Mỹ công bố trong tuần này cho thấy cả chỉ số tiêu dùng (CPI) và chỉ số giá nhà sản xuất (PPI) của Mỹ đều giảm trong tháng 3 so với tháng trước - một diễn biến nằm ngoài dự báo của giới phân tích. Việc lạm phát giảm củng cố khả năng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) hạ lãi suất trong năm nay. Thị trường đang kỳ vọng Fed có ít nhất 4 lần giảm lãi suất trong năm 2025, với mức giảm 0,25 điểm phần trăm mỗi lần, và đợt giảm đầu tiên sẽ diễn ra vào tháng 6.

Tuy nhiên, cũng có những ý kiến thận trọng cho rằng thuế quan sẽ đẩy lạm phát ở Mỹ tăng lên trong thời gian tới, đặt Fed vào một vị thế khó khi phải cân bằng giữa hai mục tiêu hỗ trợ tăng trưởng kinh tế và chống lạm phát.

7. Tài sản của các tỷ phú giàu nhất thế giới giảm mạnh rồi tăng kỷ lục

Nhóm 500 tỷ phú giàu nhất thế giới chứng kiến tổng giá trị tài sản ròng tăng 304 tỷ USD trong ngày 9/4, mức tăng mạnh nhất kể từ khi xếp hạng Bloomberg Billionaires Index ra đời, nhờ thị trường chứng khoán phục hồi mãnh liệt sau khi hoãn thuế đối ứng. Hôm 7/4, các tỷ phú trong danh sách này mất tổng cộng 271 tỷ USD, khi cổ phiếu bị bán tháo khắp các thị trường từ châu Á tới châu Âu và Mỹ. Trước đó, nhóm này mất 536 tỷ USD trong hai phiên ngày 3/4 và 4/4.