10:39 18/11/2024

Thương hiệu thời trang Việt cần làm gì để tạo ra đột phá?

Minh Nguyệt

Sự thay đổi không ngừng của thị trường yêu cầu mỗi thương hiệu phải linh hoạt, sáng tạo trong sản phẩm và chiến lược kinh doanh. Những thương hiệu không đáp ứng nhu cầu của khách hàng hoặc không đủ sức cạnh tranh sẽ dễ dàng bị loại bỏ khỏi cuộc chơi… 

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Mới đây, Founder & CEO của thương hiệu thời trang Lep' đã đăng tải tâm thư về quyết định chính thức rút khỏi thị trường sau 8 năm hoạt động. Trong tâm thư, nữ CEO tâm sự "đã sức cùng lực kiệt, không còn theo kịp thị trường thay đổi chóng mặt với vô vàn phong cách và sản phẩm mới, rẻ và đẹp".

Tháng bảy vừa qua, chuỗi cửa hàng thời trang Catsa với hơn 13 năm tuổi bất ngờ tuyên bố đóng cửa. Tương tự, chuỗi thời trang nam Giian cũng đóng 9 cửa hàng. Tháng 8/2024, Mieu, một thương hiệu thời trang thiết kế “made in Vietnam” được thành lập từ năm 2010 cũng đưa ra thông báo trên Fanpage về đóng cửa hàng và thanh lý sản phẩm...

Thị trường thời trang trong nước đang đối mặt với sự xuất hiện ngày càng nhiều của các thương hiệu quốc tế, khi có tới hơn 200 thương hiệu thời trang quốc tế nổi tiếng có mặt và không ngừng mở rộng hệ thống phân phối tại Việt Nam. Đồng thời, Euromonitor dự báo trong vòng 4 năm tới, tốc độ tăng trưởng doanh thu của ngành may mặc tại Việt Nam sẽ chậm hơn so với thập kỷ trước khoảng 3%, cho thấy nhu cầu của người tiêu dùng không còn tăng mạnh như trước.

Thị trường thời trang trong nước đang đối mặt với sự xuất hiện ngày càng nhiều của các thương hiệu quốc tế.
Thị trường thời trang trong nước đang đối mặt với sự xuất hiện ngày càng nhiều của các thương hiệu quốc tế.

Tuy nhiên, điểm sáng là người tiêu dùng Việt đã thay đổi phong cách mua sắm, không còn tâm lý sính hàng ngoại khi hàng Việt ngày càng có chất lượng, giá cả ổn định, mẫu mã phong phú, đa dạng. Phân tích của nhiều chuyên gia trong ngành thời trang cũng cho thấy, các nhà kinh doanh thời trang Việt vẫn còn nhiều cơ hội mở rộng thị trường ngay trong thời điểm kinh tế biến động. Tuy nhiên, các thương hiệu thời trang nội địa cần chú trọng tạo nên bản sắc riêng, tăng độ nhận diện thương hiệu để tránh ảnh hưởng khi bị sao chép mẫu mã, đồng thời tìm lối đi riêng trong và ngoài nước.

Trong khuôn khổ chuỗi hoạt động của Tuần lễ thời trang quốc tế Việt Nam Thu Đông 2024, mới đây hội thảo “Xu hướng người tiêu dùng năm 2026” đã diễn ra tại Hà Nội. Đây là lần đầu tiên, Ban tổ chức Tuần lễ thời trang quốc tế Việt Nam phối hợp cùng Tổ chức dự đoán xu hướng toàn cầu (WGSN) tổ chức hội thảo chuyên ngành dành riêng cho các thương hiệu thời trang tại Việt Nam. Sự kiện cung cấp cho các nhà hoạch định chiến lược những hiểu biết sâu sắc về các xu hướng tiêu dùng của năm 2026, giúp họ xây dựng các chiến lược đón đầu nhu cầu thị trường và tạo ra sự đột phá cho thương hiệu của mình.

Với hơn 25 năm kinh nghiệm, WGSN là tổ chức đi đầu trong việc dự đoán xu hướng và định hướng tương lai, giúp các thương hiệu kịp thời đón đầu các xu hướng và xây dựng kế hoạch kinh doanh phù hợp, mang tới thành công và sự hiện diện của thương hiệu trên thị trường. 70% trong số tốp 100 hãng thời trang hàng đầu thế giới đều đang là khách hàng trực tiếp của WGSN.

Bà Carla Buzasi, Giám đốc điều hành tổ chức WGSN nhận định, đứng trước xu hướng thay đổi với tốc độ chóng mặt về hành vi của người tiêu dùng, các thương hiệu cần kịp thời nắm bắt các thông tin dự đoán thị trường, giúp giảm thiểu rủi ro và lên kế hoạch chiến lược hiệu quả nhất cho thương hiệu.

Sự kiện cung cấp cho các nhà hoạch định chiến lược những hiểu biết sâu sắc về các xu hướng tiêu dùng của năm 2026.
Sự kiện cung cấp cho các nhà hoạch định chiến lược những hiểu biết sâu sắc về các xu hướng tiêu dùng của năm 2026.

Trong hội thảo lần này, WGSN đã đặt ra một vấn đề, đó là làm thế nào để thương hiệu có thể xác định khách hàng mục tiêu của mình cần nhắm tới và tương tác lâu dài với họ trong tương lai. Bà Carla Buzasi đã đưa ra cách phân chia các tệp khách hàng theo nhóm tâm lý - một hướng đi vẫn còn mới tại thị trường Việt Nam. Mỗi một nhóm khách hàng có những nhu cầu đặc trưng riêng và thương hiệu có thể làm gì để tập trung đáp ứng được điều đó, kết nối thương hiệu với người tiêu dùng.

Từ những phân tích chặt chẽ cùng những dẫn chứng thực tế về các thương hiệu và doanh nghiệp lớn trên toàn thế giới với các nhóm khách hàng được đưa ra, WGSN đặt ra các yếu tố quan trọng cũng là “kim chỉ nam” mà các nhà hoạch định chiến lược quan tâm để xây dựng kế hoạch cho thương hiệu trong năm 2026.

Đó là: Sử dụng công nghệ AI để tạo ra những sự thay đổi tích cực; Xây dựng sự hạnh phúc cho người tiêu dùng với sản phẩm của thương hiệu; Mở rộng sự xuất hiện của thương hiệu không chỉ trên màn hình truyền thống mà tối đa trong điểm chạm với người tiêu dùng; Tăng cường trải nghiệm cho người tiêu dùng trong nhiều giai đoạn trong cuộc đời; Cung cấp nhiều cơ hội tương tác xã hội và kế hoạch xây dựng chỉ số cho thương hiệu.

Theo bà Carla Buzasi, Gen Z tại châu Á sẽ là những người tạo ra xu hướng. “Tôi nghĩ rằng, từ nhiều thập kỷ trước, đã có rất nhiều xu hướng lớn xuất phát từ Mỹ và châu Âu. Tuy nhiên, điều đó thực sự đã thay đổi trong 10 - 15 năm qua. Những thế hệ trẻ, chẳng hạn như Gen Z ở châu Âu và Mỹ, hiện nay đang nhìn về châu Á, nhìn vào những quốc gia như Việt Nam để tìm kiếm cảm hứng, vì có một điều gì đó rất độc đáo về nền văn hóa giới trẻ này.

Và cũng nhờ có mạng xã hội, những xu hướng này đã được mọi người dễ dàng tiếp cận, điều mà trước đây họ không thể làm được. Vì vậy, tôi nghĩ đây là một thời điểm rất tốt cho các thương hiệu trẻ ở châu Á vì tiềm năng tiếp cận người tiêu dùng toàn cầu có thể lớn hơn bao giờ hết”.

Đây là một thời điểm rất tốt cho các thương hiệu trẻ ở châu Á vì tiềm năng tiếp cận người tiêu dùng toàn cầu có thể lớn hơn bao giờ hết
Đây là một thời điểm rất tốt cho các thương hiệu trẻ ở châu Á vì tiềm năng tiếp cận người tiêu dùng toàn cầu có thể lớn hơn bao giờ hết

Bên cạnh đó, bà Carla Buzasi cũng đưa ra một số lời khuyên dành cho các nhà thiết kế trẻ tại Việt Nam đang muốn xây dựng sự nghiệp và tiếp cận khán giả toàn cầu. Theo bà, tính “authentic” là điều quan trọng nhất. “Thương hiệu của bạn đại diện cho điều gì? Hãy trung thực với điều đó. Bạn sẽ cần thể hiện điều này qua nhiều bộ sưu tập khác nhau, chứ đừng nên hôm nay một kiểu và sáu tháng sau lại một kiểu khác. Tôi nghĩ đó là điểm bắt đầu.

Không có thương hiệu nào trên thế giới hiện nay chỉ muốn tập trung vào thị trường nội địa. Mọi người đều muốn có một cái nhìn quốc tế, một tầm nhìn toàn cầu. Vì vậy, cơ hội hợp tác vô cùng cởi mở. Trước hết, bạn cần biết mình đại diện cho điều gì. Và thứ hai, hãy sử dụng những gì bạn có trong tay để xây dựng các mối quan hệ ở nơi khác”.

Tiếp nối những chia sẻ của bà Carla Buzasi, hội thảo còn mang tới những câu chuyện thành công từ các thương hiệu Việt như Canifa, Ivy Moda, Eva De Eva, Harper’s Bazaar. Đây đều là những thương hiệu quan tâm tới WGSN và là đối tác của tổ chức WGSN trong nhiều năm. Thành công của các thương hiệu này là bảo chứng không thể chối cãi cho tầm quan trọng của WGSN và những dự báo về xu hướng trong tương lai để tìm ra điểm chạm với khách hàng của mình.