Hai thương hiệu Việt lọt Top thương hiệu thời trang hàng đầu Đông Nam Á
Uniqlo đã vượt qua các thương hiệu toàn cầu khác như Nike và Adidas để trở thành thương hiệu thời trang được yêu thích hàng đầu Đông Nam Á vào năm 2024. Trong top 10 có hai thương hiệu Việt Nam được gọi tên…
Nổi tiếng với trang phục thường ngày giá cả phải chăng và dễ tiếp cận, sự kết hợp giữa những trang phục cơ bản hàng ngày và các thiết kế hợp thời trang của Uniqlo đã thúc đẩy doanh số bán hàng và giành được nhiều khách hàng mới. Công ty mẹ của Uniqlo, Fast Retailing, đã dự báo doanh thu kỷ lục là 3,1 nghìn tỷ Yên Nhật (20,18 tỷ đô la Mỹ), tăng 11% so với cùng kỳ năm trước trong năm tài chính 2024. Thương hiệu thời trang lớn này đã đạt được tổng điểm là 60,94%, dẫn trước đối thủ cạnh tranh gần nhất là Nike, đạt 58,87%.
Bảng xếp hạng này dựa trên danh sách của trang Campaign Asia về 50 thương hiệu hàng đầu Đông Nam Á, được tạo ra thông qua sự hợp tác với công ty nghiên cứu Milieu Insight. Nghiên cứu này đã công bố báo cáo về 10 thương hiệu hàng đầu từ các thị trường được khảo sát (Indonesia, Thái Lan, Philippines, Malaysia, Việt Nam, Singapore) trên 10 lĩnh vực.
Các thương hiệu được đánh giá bằng các thuộc tính như nhận thức, mua hàng, chất lượng, trải nghiệm mua hàng, dịch vụ khách hàng, độ tin cậy, tính đổi mới, điểm tiếp xúc thương hiệu (dễ tiếp cận trên tất cả các tương tác kỹ thuật số và ngoại tuyến) và sự ủng hộ (mức độ giới thiệu). Kết quả cho thấy, các thương hiệu thời trang được yêu thích hàng đầu ở Đông Nam Á có sự hiện diện đồng đều giữa các thương hiệu quốc tế như Levi's, Adidas và Dior, cùng với các thương hiệu địa phương như nhà mốt Philippines Penshoppe hay Padini của Malaysia…
Điều này cho thấy, trong khi các thương hiệu đa quốc gia vẫn thống trị, các nhà mốt địa phương đang giành được thị phần bằng cách liên tục cập nhật các thiết kế đáp ứng thị hiếu địa phương. Tuy nhiên, bất chấp sự cạnh tranh gay gắt này, các nhãn hiệu đa quốc gia như Nike cũng vẫn giữ vững vị trí. Gã khổng lồ giày thể thao đã giành được thứ hạng đầu tiên ở ba thị trường, nhiều hơn bất kỳ thương hiệu nào khác. Việt Nam, Philippines và Thái Lan đều trao cho Nike số điểm cao nhất. Uniqlo đứng đầu tại Malaysia và Singapore, trong khi Adidas giành vị trí hàng đầu tại Indonesia.
Hai thương hiệu nội địa Việt Nam lọt top 10 đường đua là Việt Tiến và Yody. Thậm chí hai thương hiệu này còn xếp trên một số các “ông lớn” toàn cầu, chứng tỏ thực tế ngày càng phát triển của ngành công nghiệp thời trang nước nhà.
Trang Campaign giới thiệu, Việt Tiến được thành lập vào năm 1975, là một trong những thương hiệu thời trang nam hàng đầu tại Việt Nam. Thương hiệu có hơn 1.300 cửa hàng trải dài khắp các tỉnh thành của Việt Nam và nổi tiếng với các dòng sản phẩm đa dạng: Việt Tiến, Việt Long, Smart Casual, Manhattan, San Sciaro… Vị trí thứ ba chung cuộc của thương hiệu này phần lớn là nhờ sự ủng hộ mạnh mẽ của người tiêu dùng trong nước, đạt điểm cao về tần suất mua hàng và trải nghiệm mua hàng tại Việt Nam.
Trong khi đó, được thành lập vào năm 2014, Yody là một thương hiệu thời trang công nghệ của Việt Nam và hiện có hơn 270 cửa hàng trên khắp Việt Nam, tập trung vào sản xuất thời trang hàng ngày. Yody ưu tiên các phương pháp tiếp cận bền vững hơn xu hướng thời trang nhanh. Thương hiệu này tuyên bố trên trang web của mình rằng họ sử dụng vải S’Cafe (có nguồn gốc từ hạt cà phê) cũng như vải pique Coolmax, Airycool và Birdseye. Yody là một trong 10 thương hiệu thời trang được yêu thích nhất tại Việt Nam và công ty gần đây đã mở rộng ra ngoài thị trường trong nước bằng cách mở cửa hàng vật lý đầu tiên tại Thái Lan với kế hoạch mở rộng sang các kế hoạch ra mắt tại Malaysia và Hoa Kỳ trong tương lai.
Trong danh sách mở rộng hơn, thương hiệu Coolmate của Việt Nam dừng chân khá nuối tiếc ở hạng 11. Là một công ty khởi nghiệp, thay vì “đốt tiền” cho các chiến dịch quảng cáo và marketing ồn ào, Coolmate đã quyết định lựa chọn mô hình kinh doanh bền vững. Ngày 30/10 vừa qua, startup thời trang này đã huy động thành công 6 triệu USD cho vòng gọi vốn Series B do Quỹ đầu tư Vertex Ventures SEA & India dẫn dắt, với sự tham gia của Kairous Capital. Khoản đầu tư này sẽ thúc đẩy Coolmate mở rộng ra thị trường quốc tế và tăng cường sự hiện diện bán lẻ đa kênh tại Đông Nam Á trong 2 năm tới.
Có thể thấy, thời gian gần đây, các mẫu thiết kế thời trang do doanh nghiệp Việt Nam sáng tạo không chỉ xuất hiện tại các sàn diễn mà đã hiện diện tại thị trường thế giới thông qua hoạt động xuất khẩu. Tổng Giám đốc Tổng công ty May 10 Thân Đức Việt cho biết, để chinh phục thị trường xuất khẩu, May 10 phát triển nhiều dòng sản phẩm như May 10 Expert, May 10 Series, May 10 Classic, May10 Classic Suit… Tương tự, nhiều nhãn hàng Việt Nam khác như Tổng Công ty CP May Việt Tiến, Tổng công ty May Nhà Bè, Tổng Công ty CP Dệt may Hòa Thọ… cũng đã liên tục đưa thời trang Việt ra thế giới và được người tiêu dùng bản địa chấp nhận tiêu thụ.
Tuy nhiên, nhiều thị trường nhập khẩu chủ lực của ngành thời trang Việt Nam ngày càng đưa những quy định ngày càng đưa ra nhiều quy định cao liên quan đến xanh hóa chuỗi sản xuất và cung ứng, các tiêu chí phát triển bền vững, sản xuất tuần hoàn đang đặt ra thách thức không nhỏ cho doanh nghiệp thời trang Việt Nam. Phó Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam Trương Văn Cẩm cho rằng, để cạnh tranh được với các tên tuổi lớn thế giới, các doanh nghiệp thời trang cần đổi mới phương thức quản lý, đầu tư vào máy móc thiết bị hiện đại, nguồn nhân lực chất lượng cao để hướng tới thời trang xanh, giảm phát thải.
Đứng ở góc độ chuyên gia, Viện trưởng Viện Nghiên cứu chiến lược thương hiệu và cạnh tranh Võ Trí Thành nêu rõ, hiện thương mại điện tử phát triển mạnh mẽ nên doanh nghiệp dệt may trong nước cần đầu tư vào thương mại điện tử, tạo ra những trải nghiệm mua sắm trực tuyến thân thiện và thuận tiện nhất cho người tiêu dùng.
“Thông tin từ sàn thương mại điện tử Shopee Việt Nam cho thấy hiện có khoảng hơn 350.000 nhà bán hàng Việt Nam tham gia SIP và mỗi tháng đều thu hút thêm hàng ngàn nhà bán hàng mới nhập cuộc, quảng bá hơn 15 triệu sản phẩm ra thị trường Đông Nam Á. Hàng tháng, doanh số trung bình của các nhà bán hàng Việt Nam trong chương trình cũng tăng đều đặn từ 20 - 30%”, ông Thành dẫn chứng.
Có thể thấy, sân chơi thế giới của những nhà kinh doanh thời trang Việt vẫn còn nhiều “đất diễn” và cơ hội mở rộng thị trường ngay trong thời điểm kinh tế biến động. Tuy vậy, các thương hiệu Việt cần tập trung tạo nên bản sắc riêng, tăng độ nhận diện để tránh ảnh hưởng khi bị đối thủ sao chép mẫu mã, đồng thời tìm lối đi riêng khi mở rộng thị trường xuất khẩu.