09:46 26/07/2023

Thương hiệu xa xỉ vẫn không thể “phớt lờ” thị trường Nhật Bản

Băng Hảo

Trên lý thuyết, trong bối cảnh kinh tế tăng trưởng không ổn định khiến người Nhật siết chặt chi tiêu cùng với việc dân số đang già đi nhanh chóng, nhiều người nghĩ rằng những cửa hàng lộng lẫy của Chanel, Dior, Prada… phải chăng không còn phù hợp với Nhật Bản...

Ảnh: The Japan Times
Ảnh: The Japan Times

Sau khi đã có kết quả tăng trưởng quý 2, các "ông lớn" ngân hàng như J.P.Morgan, Morgan Stanley và Citigroup đều hạ dự báo tăng trưởng Trung Quốc trong năm 2023. Sau khi trao đổi với các giám đốc điều hành của Richemont, các nhà phân tích tại Citi dự đoán, nhu cầu của thị trường Trung Quốc sẽ "không trải qua quá trình phục hồi hình chữ V mà là bắt kịp mức tiêu thụ trong và ngoài nước trong nhiều năm".

Trong tình hình đó, theo dữ liệu của McKinsey được báo cáo bởi tạp chí Vogue Business, thị trường xa xỉ của Nhật Bản đứng đầu danh sách các điểm đến quốc tế ưa thích của các nhà mốt. Các thương hiệu như Burberry, Prada và Richemont, đã đưa ra những báo cáo cho thấy sự tăng tốc mạnh mẽ tại đất nước mặt trời mọc trong quý trước và doanh số bán hàng đã tăng trong năm 2022. Ngoài ra, các thương hiệu như Marni và Chanel dường như đã xem xét nhu cầu về một cách tiếp cận khác, đặc biệt là về dịch vụ khách hàng.

Doanh số bán hàng xa xỉ dự kiến sẽ tăng khoảng 4% ở thị trường này vào năm 2025 nhờ người bản xứ. Trong đó, khi nói đến những cửa hàng offline cho phép khách hàng trải nghiệm – hơn 80% người tiêu dùng xa xỉ cho biết mua sắm tại cửa hàng là một phần quan trọng trong hành trình mua sắm tại đất nước mặt trời mọc, với 36% mua sắm độc quyền trên mạng. 

Theo McKinsey, thị trường xa xỉ của Nhật Bản đứng đầu danh sách các điểm đến quốc tế ưa thích của các nhà mốt.
Theo McKinsey, thị trường xa xỉ của Nhật Bản đứng đầu danh sách các điểm đến quốc tế ưa thích của các nhà mốt.

Dù hiện nay nhiều hoạt động tiếp thị đều diễn ra trên thế giới kỹ thuật số, song việc tạo ra điểm chạm với khách hàng trong trải nghiệm mua sắm offline vẫn là một trong những yếu tố quan trọng trong chiến lược marketing của các thương hiệu xa xỉ tại Nhật. Quận Ginza được xem là khu mua sắm xa xỉ, sầm uất nhất thành phố Tokyo (Nhật Bản).

Nằm trong 5 khu vực trọng điểm của thủ đô, nơi đây hội tụ những thương hiệu xa xỉ bậc nhất và có đóng góp không nhỏ cho sự phát triển của thành phố. Vào ngày cuối tuần và các ngày lễ, những con đường chính ở Ginza cấm xe ô tô ra vào, biến khu vực này thành nơi lý tưởng để tản bộ và mua sắm.

Giữa hàng loạt thương hiệu nổi tiếng chen chúc, năm 2021, tức sau 30 năm kinh doanh ở Ginza, Louis Vuitton đã tiến hành cải tạo cửa hàng cùng với studio Nhật Bản Jun Aoki & Associates. Nhằm tạo ấn tượng bắt mắt cho người dùng ngay từ cái nhìn đầu tiên, vẻ ngoài mới của LV được bao phủ bởi những lớp kính gợn sóng cùng hiệu ứng Hologram bắt mắt. Nhìn từ những góc độ khác nhau, cửa hàng cũng được phản chiếu một màu sắc khác. Đặc biệt, các kiến trúc sư cho biết ý tưởng cho thiết kế mới này đại diện cho một “cột nước” và ở cấp độ đường phố, toà nhà sẽ phản ánh sự năng động của Ginza.

Theo McKinsey, người tiêu dùng Nhật Bản cho rằng 3 yếu tố sau quyết định cách họ đánh giá trải nghiệm mua sắm: cách cư xử lịch sự, kiến thức tốt về sản phẩm và dễ dàng tìm kiếm mặt hàng này. Sự hiếu khách cũng có thể nâng cao trải nghiệm tại cửa hàng. Các thương hiệu đều nhận thức rõ điều này, nên nhiều cửa hàng thuộc các thương hiệu xa xỉ đã mọc lên trên khắp đất Nhật.

Việc tạo ra điểm chạm với khách hàng trong trải nghiệm mua sắm offline vẫn là một trong những yếu tố quan trọng tại thị trường Nhật Bản.
Việc tạo ra điểm chạm với khách hàng trong trải nghiệm mua sắm offline vẫn là một trong những yếu tố quan trọng tại thị trường Nhật Bản.

Điển hình như cửa hàng thời trang Ginza của Chanel cũng là nơi tọa lạc của Beige – nhà hàng hai sao Michelin của đầu bếp người Pháp gốc Monegasque – Alain Ducasse. Bên cạnh đó còn có Osteria da Massimo Bottura của Gucci – loạt nhà hàng đậm chất Ý – đến Ristorante Luca Fantin của Bvlgari, hoặc có thể kể đến Café Dior của Ladurée và Le Café V của Louis Vuitton.

Tính riêng về thương hiệu Chanel đã sở hữu 33 cửa hàng trên khắp Nhật Bản, đang gầy dựng và củng cố danh tiếng tại quốc gia nằm tại cực Đông của Châu Á. Nhật Bản cũng chiếm 23% tổng doanh số của Marni. Thương hiệu xa xỉ của Ý đã mở cửa hàng đầu tiên tại Nhật Bản vào năm 2000 và hiện có 25 cửa hàng tại quốc gia này (trên tổng số 96 cửa hàng trên toàn thế giới), bao gồm ba cửa hàng và một cửa hàng mới đang trong quá trình khai trương. Theo Giám đốc điều hành Barbara Calò, công ty có kế hoạch cải tiến một số cửa hàng hiện có trong nước, bao gồm cả việc tập trung vào pop-up store để thu hút khách hàng đến trực tiếp.

Theo Bloomberg, xét về tổng thể, sức chi tiêu của phụ nữ giàu có từ Nhật Bản không lớn bằng phụ nữ Trung Quốc nhưng họ vẫn đại diện cho một nhóm người tiêu dùng quan trọng mà nhiều thương hiệu xa xỉ cần phải hiểu rõ hơn, theo một cuộc khảo sát do Agility Research thực hiện.

Thống kê cho thấy, nếu phụ nữ Trung Quốc chịu ảnh hưởng nhiều hơn từ mạng xã hội, với 26% mua một món đồ xa xỉ vì nó được một người có ảnh hưởng trên mạng xã hội giới thiệu thì với phụ nữ Nhật Bản, con số này là 14%. Đồng thời, trong khi phụ nữ Nhật Bản có kế hoạch chi tiêu nhiều hơn cho đồng hồ cao cấp đắt tiền thì phụ nữ Trung Quốc có kế hoạch mua nhiều quần áo thời trang hơn.

Bên cạnh đó, các hoạt động mua hàng giá cao của du khách nước ngoài đang tăng lên từ đầu năm đến nay tại Nhật nhờ đồng yên yếu hơn. Theo Hiệp hội các cửa hàng bách hóa Nhật Bản, doanh số bán hàng miễn thuế trong tháng 5 tại Takashimaya và bốn cửa trung tâm mua sắm cao cấp khác đã tăng trở lại từ 50% đến 90% doanh số bán hàng so với cùng kỳ năm 2019. Doanh số bán hàng miễn thuế của Isetan Mitsukoshi Holdings đã tăng 4% doanh số bán hàng tại các cửa hàng ở khu vực thủ đô Tokyo trong 2 tuần đầu tháng 6 so với cùng kỳ năm 2019.

Các hoạt động mua hàng giá cao của du khách nước ngoài tại Nhật đang tăng lên từ đầu năm đến nay nhờ đồng yên yếu hơn.
Các hoạt động mua hàng giá cao của du khách nước ngoài tại Nhật đang tăng lên từ đầu năm đến nay nhờ đồng yên yếu hơn.

Hoạt động bán hàng miễn thuế đang tăng lên do nhu cầu mạnh mẽ đối với hàng hóa giá cao như đồng hồ hàng hiệu xa xỉ. Theo hiệp hội, du khách nước ngoài đã chi trung bình 192.000 yên (1.411 USD) mỗi người cho việc mua sắm trong tháng 5 - gần gấp ba lần so với mức 65.000 yên của cùng tháng năm 2019. Tại cửa hàng bách hóa Matsuya Ginza ở Tokyo, hàng hiệu cao cấp có giá khoảng 500.000 yên đã bán rất chạy kể từ đầu mùa hè đến nay. Người quản lý cho biết: "Từ nay đến tháng 9, doanh số bán hàng có khả năng vượt quá mức trước đại dịch".

Sự thay đổi trong tỷ lệ doanh số xa xỉ phẩm bán cho du khách nước ngoài và khách nội địa buộc các thương hiệu đình đám đang kinh doanh tại xứ sở hoa anh đào xoay chuyển chiến lược kinh doanh để vừa đảm bảo vừa thu hút được khách hàng nội địa, vốn được cho khá kỹ tính trong việc lựa chọn hàng hóa, vừa hấp dẫn du khách nước ngoài tới Nhật Bản.