“Thương mại hội thoại” tại Việt Nam tiếp tục tăng trưởng ấn tượng
Việt Nam là một trong những quốc gia dẫn đầu khu vực về tỷ lệ ứng dụng “Kinh doanh Hội thoại” với trung bình một trong ba người tiêu dùng Việt gửi tin nhắn cho doanh nghiệp hàng tuần. Ông Dan Neary, Phó Chủ tịch khu vực Châu Á - Thái Bình Dương, Meta chia sẻ với về động lực tăng trưởng ấn tượng của “Kinh doanh Hội thoại” tại Việt Nam và những lời khuyên dành cho doanh nghiệp...
Ông có nhận định gì về sự phát triển của Messenger tại Việt Nam? Ông có đánh giá như thế nào trong tương quan với các quốc gia khác ở Đông Nam Á?
Ở Việt Nam, nhắn tin đã trở thành một phần của cuộc sống hàng ngày. Messenger là trung tâm của hoạt động tương tác khách hàng, cho phép các doanh nghiệp phát triển thông qua những cuộc trò chuyện, đặc biệt là gen Z. Hiện nay, có hơn 600 triệu cuộc trò chuyện giữa mọi người và doanh nghiệp diễn ra hàng ngày trên nền tảng Messenger.
Việt Nam đang dẫn đầu khu vực về “Kinh doanh Hội thoại”, với gần một nửa số người tiêu dùng sử dụng mạng xã hội để khám phá các sản phẩm mới. Trung bình cứ ba người tiêu dùng Việt thì sẽ có một người gửi tin nhắn cho doanh nghiệp hàng tuần. Về phía các doanh nghiệp, 83% doanh nghiệp ở Việt Nam cho biết họ tiếp cận khách hàng tiềm năng từ quảng cáo Click đến Messenger.
Đâu là những thách thức và lợi thế đặc biệt của Việt Nam, ví dụ như quy định, dân số, cơ sở hạ tầng…?
Việt Nam là một trong những nền kinh tế dựa trên internet phát triển nhanh nhất trong khu vực. Mức độ truy cập Internet và sử dụng di động cao cũng như tinh thần chủ động kết nối và gắn kết của gen Z đã thúc đẩy sự phát triển nền kinh tế số sôi động.
Đồng thời, các doanh nghiệp vừa và nhỏ cũng là động lực tăng trưởng chính cho kinh tế Việt Nam khi 98% nền kinh tế quốc gia được thúc đẩy bởi các doanh nghiệp này. Thấu hiểu được mong muốn áp dụng công nghệ mới của họ, chúng tôi tin rằng Việt Nam hưởng lợi từ khoản đầu tư mới nhất từ Meta vào hạ tầng công nghệ, đặc biệt là công cụ khám phá kết hợp AI.
Chúng tôi đang chú trọng đầu tư vào AI để phát triển và tận dụng các công nghệ củng cố quyền riêng tư, đồng thời tiếp tục xây dựng các công cụ mới cho phép chúng tôi phân phối quảng cáo hiệu quả và bảo mật hơn.
Trong bối cảnh thị phần của Zalo đang tăng lên, kế hoạch phát triển “Kinh doanh Hội thoại” của Meta tại Việt Nam là gì?
Nền kinh tế số Việt Nam đang phát triển mạnh và đa dạng nhằm đáp ứng nhiều nền tảng xã hội và mô hình thương mại điện tử. Từ đó mang đến cơ hội cho Meta tiếp tục đầu tư vào các công nghệ hỗ trợ kết nối và tương tác giữa người dùng.
Chúng tôi đang thực hiện mục tiêu này thông qua chiến lược 4 trụ cột nhằm hỗ trợ doanh nghiệp. Các trụ cột này bao gồm 1) đổi mới, 2) thực thi, 3) giáo dục và 4) chia sẻ những phương pháp triển khai tốt nhất.
Đầu tiên là đổi mới. Tại sự kiện Business Messaging Summit năm nay, lần đầu tiên chúng tôi ra mắt 2 giải pháp tin nhắn mới cho các doanh nghiệp Việt Nam, gồm Công cụ hỗ trợ kinh doanh qua Facebook Live và Tính năng khám phá sản phẩm trên Messenger.
Trước đó, Phó Chủ tịch của Messenger cũng đã ghé thăm Việt Nam nhằm tìm hiểu về nhu cầu thị trường và phản hồi của cộng đồng để tiếp tục hoàn thiện hướng tiếp cận cũng như các sản phẩm cho người dùng và doanh nghiệp Việt Nam.
Thứ hai là thực thi. Chúng tôi hợp tác cùng những đối tác hàng đầu tại Việt Nam như Pancake và Haravan nhằm tư vấn cho các doanh nghiệp cách tận dụng tín hiệu ở phễu dưới để đạt được hiệu suất tin nhắn tốt nhất cho các doanh nghiệp.
Chúng tôi cũng tiếp tục mở rộng mạng lưới Meta Business Partner để ngày càng nhiều doanh nghiệp có thể tiếp cận các sản phẩm và giải pháp nhắn tin tăng cường một cách dễ dàng.
Thứ ba là giáo dục. Chúng tôi đã xây dựng các tài nguyên bằng tiếng Việt như Blueprint để giúp các doanh nghiệp hiểu rõ hơn và tận dụng các giải pháp nhắn tin nhằm tăng doanh thu. Chúng tôi cũng tổ chức các sự kiện Kinh doanh Hội thoại hàng năm để giới thiệu với cộng đồng doanh nghiệp toàn bộ hệ sinh thái của Meta và chia sẻ các phương pháp hay nhất cũng như các sản phẩm mới.
Thứ tư, chúng tôi đã và đang chia sẻ những phương pháp triển khai hiệu quả nhất. Bên cạnh việc đưa công nghệ mới nhất đến Việt Nam, Meta còn điều chỉnh các sáng kiến và chương trình để phù hợp với nhu cầu tại địa phương. Ví dụ: Chúng tôi đã tổ chức Giải thưởng thường niên Business Messaging Award để trao giải cho các nhà quảng cáo, agency và đối tác có nỗ lực nổi bật nhất.
Facebook đã trở thành một nền tảng phổ biến và dễ dàng sử dụng cho hoạt động mua sắm tại Việt Nam. Người bán có thể kinh doanh mọi mặt hàng, từ kem đánh răng đến thời trang cao cấp. Ông có thể chia sẻ chi tiết hơn về sự phát triển của lĩnh vực này cũng như các sản phẩm mới sắp ra mắt được không?
Để hỗ trợ các doanh nghiệp Việt Nam tận dụng tối đa cuộc trò chuyện với khách hàng, Meta vừa giới thiệu những sản phẩm nhắn tin mới cho Messenger tại sự kiện Business Messaging Summit Vietnam 2024.
Messenger là lựa chọn hỏi đáp hàng đầu của người tiêu dùng Việt Nam khi cần liên hệ với doanh nghiệp trong phiên livestream. Đó là lý do tại sao chúng tôi ra mắt công cụ hỗ trợ kinh doanh qua Facebook Live, giúp người xem dễ dàng lướt nhanh qua các sản phẩm được giới thiệu và tìm hiểu về sản phẩm qua Messenger.
Với tính năng khám phá sản phẩm trên Messenger, doanh nghiệp có thể đồng bộ hóa danh mục sản phẩm trên Facebook, giúp khách hàng khám phá và tìm hiểu chi tiết, lựa chọn sản phẩm yêu thích và hoàn thành trao đổi với doanh nghiệp, tất cả đều trong giao diện chat.
Được xây dựng dựa trên mô hình ngôn ngữ lớn mới nhất Llama 3, Meta đang phát triển công cụ AI, cho phép doanh nghiệp phản hồi khách hàng một cách liền mạch, từ đó củng cố mối quan hệ với khách hàng mà không làm ảnh hưởng đến thời gian vận hành doanh nghiệp.