Tịch thu hàng chục siêu du thuyền của giới tỷ phú Nga, phương Tây “đau đầu” vì chi phí
Việc tịch thu một loạt du thuyền của giới tỷ phú Nga được phương Tây xem như một thắng lợi trong cuộc đối đầu với Moscow, nhưng việc này cũng dẫn tới những khoản chi phí không hề nhỏ...
Nhà chức trách Đức cho biết đã tịch thu siêu du thuyền lớn nhất thế giới sau khi có xác nhận chính thức rằng con tàu này có mối liên hệ với tỷ phú Nga Alisher Usmanov. Việc tịch thu những du thuyền như vậy kéo theo chi phí không hề nhỏ.
Một quan chức chính phủ Đức ngày 14/4 xác nhận với hãng tin CNBC rằng siêu du thuyền mang tên Dilbar có mối liên hệ với ông Usmanov, và do đó là đối tượng của việc tịch thu tài sản trong khuôn khổ các biện pháp trừng phạt mà Liên minh châu Âu (EU) áp lên Nga.
Trước khi chính thức bị tịch thu, Dilbar đã bị nhà chức trách Đức tạm giữ, không được phép rời khỏi nơi neo đậu ở thành phố cảng Hamburg của Đức từ hôm 3/3. Được đặt tên theo tên mẹ thân sinh của ông Usmanov, siêu du thuyền này có chiều dài hơn 150 mét, được trang bị 2 bãi đỗ trực thăng, và có bể bơi trên tàu lớn nhất của bất kỳ một du thuyền tư nhân nào.
Bộ Tài chính Mỹ ước tính siêu du thuyền Dilbar hiện có trị giá xấp xỉ 735 triệu USD.
Ông Usmanov và siêu du thuyền của ông lọt vào tầm ngắm của Mỹ và EU từ tháng 3, khi phương Tây bắt đầu triển khai các biện pháp trừng phạt cứng rắn nhằm đáp trả cuộc chiến tranh Nga-Ukraine.
Một quan chức Bộ Tài chính Mỹ nói rằng siêu du thuyền Dilbar sẽ không được đưa về Mỹ. Chính phủ Mỹ liệt kê du thuyền này vào danh sách tài sản bị đóng băng, đồng nghĩa rằng bất kỳ giao dịch nào liên quan đến Dilbar – bao gồm bảo trì, thuê thuỷ thủ, và trả phí neo tàu – bằng nhân sự hoặc tiền của Mỹ đều bị cấm.
Dilbar là duy thuyền mới nhất của giới tỷ phú Nga bị phương Tây tịch thu kể từ khi xảy ra chiến tranh Nga-Ukraine. Hôm 4/4, siêu du thuyền Tango trị giá 95 triệu USD của tỷ phú Nga Viktor Vekselberg đã bị thu giữ ở Tây Ban Nha theo đề nghị của phía Mỹ.
Hôm 2/3, nhà chức trách Pháp thu giữ một du thuyền khổng lồ khác được cho là có mối liên hệ với tỷ phú Nga Igor Sechin, CEO của hãng dầu lửa quốc doanh Nga Rosneft. Trước đó, du thuyền Lady M của tỷ phú Alexei Mordashov đã bị tịch thu ở Italy.
Trong vòng 6 tuần qua, hơn một chục du thuyền có chủ sở hữu là người Nga, với trị giá tổng cộng lên tới hơn 3 tỷ USD, đã bị tịch thu ở châu Âu theo các biện pháp trừng phạt.
Theo hãng tin Bloomberg, việc tịch thu một loạt du thuyền của giới tỷ phú Nga được phương Tây xem như một thắng lợi trong cuộc đối đầu với Moscow, nhưng việc này cũng dẫn tới những khoản chi phí không hề nhỏ để bảo dưỡng các du thuyền đó.
Theo ông Andrew Adams, một quan chức của KleptoCapture – đơn vị mới thành lập của Bộ Tư pháp Mỹ nhằm truy vết và thu giữ tài sản của giới tinh hoa Nga - trong quá trình quản lý các tài sản bị tịch thu, cơ quan chức năng phải có trách nhiệm duy trì các tài sản đó trong tình trạng tốt. Trong trường hợp các du thuyền bị tịch thu, điều này có nghĩa là các du thuyền đó phải được bảo hiểm và có nhân sự duy trì bảo trì, bảo dưỡng để du thuyền không bị mất giá.
“Nếu tịch thu du thuyền, Bộ Tư pháp Mỹ có nhân sự làm việc với các công ty bảo hiểm, với các công ty quản lý du thuyền và quản lý hàng hải để đảm bảo rằng tất cả các công tác bảo trì, bảo dưỡng, bảo hiểm được thực hiện đầy đủ. Chúng tôi phải chịu trách nhiệm như vậy”, ông Adams cho biết.
Và chi phí cho các công việc này là rất lớn. Theo Bloomberg, chi phí vận hành một siêu du thuyền mỗi năm thường tương đương khoảng 10% giá trị con tàu. Như vậy, trong trường hợp của Dilbar, chi phí hàng năm là gần 74 triệu USD, còn trong trường hợp của Tango, chi phí là 9,5 triệu USD.
Nhà chức trách cũng phải tìm nhân sự có kinh nghiệm để trực tiếp làm việc trên các du thuyền này. Việc duy trì thuỷ thủ đoàn hiện tại là rất khó, vì họ nằm trong danh sách trả lương của các ông chủ là cá nhân đang bị trừng phạt. Hầu hết thuỷ thủ và nhân viên phục vụ trên các du thuyền để tịch thu cũng thường nghỉ việc luôn.