Tiền cuống cuồng mua, cổ phiếu ngân hàng thi nhau vượt đỉnh
Đà tăng của cổ phiếu ngân hàng chưa có dấu hiệu hạ nhiệt, khi cuối cùng đa số nhà đầu tư nhận thấy cơ hội rõ ràng nhất tại nhóm này. Tiếp tục hàng chục ngàn tỷ đồng đổ vào mua, kéo giá nhiều mã vượt đỉnh lịch sử...
Dĩ nhiên mức tăng ở từng mã ngân hàng không giống nhau, nhưng điểm chung là hầu hết đều tăng cực mạnh. Thêm nữa là thanh khoản. Tuy hôm nay giao dịch kém hơn hôm qua một chút nhưng ngân hàng vẫn nằm trong số các cổ phiếu hút ngàn tỷ đồng trong mỗi giao dịch. 8 mã ngân hàng thanh khoản nhất đạt giá trị khớp lệnh tổng cộng gần 7.200 tỷ đồng.
Nếu như hôm qua Top 10 cổ phiếu thanh khoản nhất thị trường có 5 mã ngân hàng thì hôm nay Top 10 chiếm tới 8 mã. Ngoài HPG vốn vẫn là siêu sao về thanh khoản, VPB, TCB, STB, CTG, MBB, ACB, HDB, LPB là những cổ phiếu giao dịch rất lớn. Trong số này VPB, TCB và STB thanh khoản vượt mốc ngàn tỷ đồng.
Như vậy thực chất các mã ngân hàng có giảm thanh khoản một chút so với phiên trước. Chẳng hạn hôm nay VPB giao dịch lớn nhất nhóm với 1.319,4 tỷ đồng vẫn là giảm khoảng 8% so với hôm qua, dù giá đã tăng thêm 1,85% nữa. TCB giảm giao dịch khoảng 5% dù giá tăng 5,88% STB giảm gần 2% dù giá tăng 2,49%... MBB, ACB, HDB , LPB là các mã hút tiền mới.
Thanh khoản giảm đi là hiệu ứng bình thường khi giá tăng, vì cùng một lượng cổ phiếu như nhau thì sức mua giảm đi tương ứng đúng bằng mức tăng giá. Vì vậy giá càng tăng, sức mua càng yếu nếu không thu hút được dòng tiền bổ sung.
Sức mạnh của nhóm cổ phiếu ngân hàng hôm nay rất “đáng nể” khi nhiều mã bắt đầu vượt đỉnh lịch sử. VPB, TCB, STB vốn là các mã mạnh nhất, đã trong xu thế tăng vượt đỉnh từ trước. Hôm nay có thêm HDB bùng nổ với mức gần kịch trần, tăng 6,8%. Cổ phiếu này vượt qua đỉnh cao nhất 2021 và đứng ngay sát đỉnh lịch sử tháng 4/2018 thời điểm mới lên sàn. Một phiên tăng của HDB gần bằng cả tháng giảm trước đó. ACB tăng 2,47% cũng đóng cửa ở đỉnh lịch sử mới. CTG bị ép khá nhiều, nhưng cuối cùng vẫn tăng 0,81% và mức 43.350 đồng cũng là mức chốt phiên cao nhất lịch sử. MBB, VIB nếu giữ được đà tăng tốt đến hết phiên thì cũng có đỉnh lịch sử mới.
Nhóm cổ phiếu ngân hàng nắm giữ trọn các vị trí dẫn dắt VN-Index. GAS tăng 2,64% là cổ phiếu duy nhất ngoài ngoài nhóm ngân hàng lọt vào Top 7 mã hàng đầu. Còn lại là TCB, VCB, HDB, VPB, BID, ACB. 6 mã ngân hàng này cộng cho VN-Index 7,5 điểm trong tổng mức tăng 14,23 điểm của chỉ số này.
Điều bất ngờ là ngoài ngân hàng, không còn cổ phiếu lớn nào khác ngoài GAS tăng rõ rệt. VIC chỉ tăng không đáng kể 0,07%, VHM tăng 0,4%, VNM tăng 0,44%, MSN tăng 0,1%, HPG lại giảm 0,84%, SAB giảm 0,5%...
Dù vậy rổ VN30 vẫn có 25 mã tăng và chỉ 4 mã giảm, chỉ số tăng 1,42% trong khi VN-Index tăng 1,15%. Đó là vì VN30-Index được nhiều cổ phiếu lớn của rổ kéo lên như MWG tăng 1,08%, NVL tăng 1,14%, PLX tăng 2,52%, POW tăng 5,39%, SSI tăng 2,13%...
Phiên này độ rộng sàn HSX rất tốt khi số mã tăng giá gấp 3 lần số giảm. Đà tăng lan tỏa ra các nhóm cổ phiếu khác: Midcap tăng 1,42%, Smallcap tăng 1,38% và cả sàn có 29 mã kịch trần, tất cả nhóm trần là các cổ phiếu vừa và nhỏ.
Cũng giống phiên hôm qua, dòng tiền tập trung vào một nhóm cổ phiếu, còn tổng thể giá trị khớp lệnh sàn HSX chỉ tăng hơn 1%, con số tuyệt đối khoảng 226 tỷ đồng. Nhóm VN30 giảm giá trị khớp lệnh 3% so với hôm qua, Midcap cũng giảm 5%. Duy nhất Smallcap tăng gần 4%.
Nhà đầu tư nước ngoài tiếp tục đi ngược lại cơn hưng phấn cao độ của nhà đầu tư trong nước. Khối này xả ròng 779,6 tỷ đồng trên sàn HSX. Một số mã ngân hàng cũng bị xả rất mạnh như CTG (-172,8 tỷ đồng ròng), MBB (-41,5 tỷ), MSB (-110 tỷ ). Tuy nhiên các cổ phiếu này vẫn tăng giá phi mã.
Hiệu ứng giảm giá xuất hiện hiếm hoi ở HPG. Khối ngoại xả 190,8 tỷ đồng ròng ở cổ phiếu này, nhưng thực tế lượng bán từ tài khoản ngoại chiếm cỡ 16% tổng thanh khoản. Nhà đầu tư trong nước mới là đóng tượng chính ép HPG giảm 0,84%.