15:47 22/06/2023

Tiền đổ mạnh vào cổ phiếu bất động sản, bùng nổ vẫn chưa tới

Kim Phong

Bất chấp những nỗ lực leo dốc mạnh mẽ của VHM, HPG chiều nay, sự thiếu hỗ trợ của các cổ phiếu lớn còn lại là nguyên nhân khiến VN-Index rơi vào trạng thái trồi sụt ở vùng điểm cao, hơn là bùng nổ. Chỉ số đóng cửa tăng 6,84 điểm tương đương 0,61%, không cao hơn phiên sáng là bao nhiêu và vẫn loanh quanh sát đỉnh cao tuần trước...

VN-Index chiều nay không mạnh thêm được vì thiếu đồng thuận ở các trụ lớn nhất.
VN-Index chiều nay không mạnh thêm được vì thiếu đồng thuận ở các trụ lớn nhất.

Bất chấp những nỗ lực leo dốc mạnh mẽ của VHM, HPG chiều nay, sự thiếu hỗ trợ của các cổ phiếu lớn còn lại là nguyên nhân khiến VN-Index rơi vào trạng thái trồi sụt ở vùng điểm cao, hơn là bùng nổ. Chỉ số đóng cửa tăng 6,84 điểm tương đương 0,61%, không cao hơn phiên sáng là bao nhiêu và vẫn loanh quanh sát đỉnh cao tuần trước.

Khá bất ngờ là so với giá thời điểm cuối phiên sáng, nhóm VN30 lại đuối hơn. Thống kê có tới 15/30 cổ phiếu trong rổ này tụt giá, 11 mã tăng cao thêm. Nhóm tăng có hai trụ lớn là VHM và HPG rất khỏe, nhưng như vậy là chưa đủ.

VHM cả buổi chiều khá yếu, nhưng đến đợt ATC thì bật tăng mạnh mẽ 2,01% so với tham chiếu nhờ lực cầu dồn vào lớn. Chỉ riêng đợt này giá VHM tăng 1,64%. So với giá chốt phiên sáng, VHM cũng tăng 0,91%. HPG tích cực hơn tăng làm hai nhịp chiều nay và cao hơn giá chốt buổi sáng 1,43%, đóng cửa trên tham chiếu 1,02%, tức là đảo chiều từ đỏ sang xanh thành công.

Những nỗ lực tăng giá của VHM, HPG và 9 cổ phiếu khác trong rổ VN30 bị vô hiệu quá bởi nhóm tụt dốc. GVR, HDB, SAB, TCB, VIC, VPB yếu đi. Đặc biệt là sự thiếu hỗ trợ từ VCB tăng quá nhẹ 0,4%, VIC chỉ tham chiếu còn GAS giảm 0,21%, GVR giảm 0,77% khiến VN-Index bị co kéo về điểm số. Khả năng bùng nổ về chỉ số vẫn chưa xuất hiện khi VN-Index chưa thể vượt qua được đỉnh ngắn hạn một cách dứt khoát.

Dù vậy thị trường không hề yếu, phần còn lại tăng giá rất tích cực. Độ rộng sàn HoSE đóng cửa với 314 mã tăng/114 mã giảm, trong đó 120 mã tăng trên 1%. Đặc biệt sàn này có 42 cổ phiếu thanh khoản vượt 100 tỷ đồng thì 10 mã đóng cửa giá tăng trê 2% và 13 mã khác tăng trong biên độ 1%-2%. Số giảm chỉ có 6 mã là VND, KBC, VPB, ACB, VCI, LCG, trong đó duy nhất LCG giảm trên 1%. Như vậy dòng tiền vẫn đang giao dịch ở vùng giá cao là chủ yếu.

Nhóm cổ phiếu bất động sản nhiều mã thanh khoản rất cao phiên này.
Nhóm cổ phiếu bất động sản nhiều mã thanh khoản rất cao phiên này.

Thanh khoản đặc biệt lớn trong nhóm cổ phiếu bất động sản, tiêu biểu là DIG chuyển nhượng tới 1.087,7 tỷ đồng. Đây là mức thanh khoản kỷ lục của cổ phiếu này tính theo giá trị khớp lệnh và giá cũng lên mức cao nhất 8 tháng. DXG, NVL, CII, PDR, HHV, KHD, VHM… cũng giao dịch rất lớn và giá hầu hết tăng tốt. Do cổ phiếu bất động sản tập trung rất nhiều trong rổ Midcap nên không có gì bất ngờ khi thanh khoản nhóm này tăng lên mức gần 8.537 tỷ đồng, chiếm 52,6% tổng khớp sàn HoSE, là tỷ trọng cao nhất từ giữa tháng 5/2023.

Thanh khoản chung hai sàn niêm yết chiều nay cũng không quá đột biến, chỉ khớp thêm 9.371 tỷ đồng, tăng 7,4% so với phiên sáng. Dù vậy mặt bằng giá cổ phiếu cũng mạnh hơn: HoSE có 120 mã tăng trên 1% trong khi phiên sáng mới có 108 mã.

Khối ngoại phiên chiều bán ra đột biến do có giao dịch thỏa thuận 583,3 tỷ đồng giá trị cổ phiếu VHM. Ngoài cổ phiếu này, một số mã bị tăng bán là VNM -39,7 tỷ, GAS -30 tỷ, BIC -21,1 tỷ. TPB và NLG bị bán nhiều từ sáng, chiều nay cũng xả thêm, đạt -50,1 tỷ và 37 tỷ đồng ròng. Phía mua có HPG +120,5 tỷ, STB +106 tỷ. Tính riêng chiều nay khối ngoại bán ròng 466,8 tỷ đồng, tức là còn nhỏ hơn giao dịch ròng của VHM. Do đó thực chất các mã còn lại được mua ròng.

Với khả năng duy trì mức thanh khoản rất cao, phiên này tổng khớp 2 sàn đạt 18.097 tỷ đồng và tổng giao dịch ba sàn tới 21.816 tỷ đồng, thị trường vẫn đang được duy trì trạng thái tích cực. Chừng nào dòng tiền còn chảy mạnh thì cơ hội vẫn còn.