10:36 12/06/2021

Tiến trình hòa giải Nga-Mỹ còn nhiều trở ngại

Trung Việt

Điện Kremlin vừa cho biết, Nga và Mỹ đã đạt được đồng thuận về việc tổ chức cuộc gặp thượng đỉnh trực tiếp đầu tiên giữa Tổng thống Nga Vladimir Putin và Tổng thống Mỹ Joe Biden ngày 16/6 tới. Tuy nhiên, những động thái diễn ra trước thềm cuộc gặp nói trên cho thấy, hai bên không dễ thu hẹp bất đồng...

Đầu tháng 5 vừa qua, Tổng thống Joe Biden đã điện đàm với Tổng thống Putin để giảm căng thẳng và ông đã đề xuất tổ chức cuộc gặp giữa hai bên. Những ngày gần đây, Washington và Moscow đã tích cực chuẩn bị cho cuộc gặp cấp cao Putin-Biden. Hôm 19/5, Bộ trưởng Ngoại giao Nga Sergei Lavrov và người đồng cấp Mỹ Antony Blinken đã có cuộc gặp tại Reykjavik, thủ đô Iceland, bên lề hội nghị Hội đồng Bắc cực, với tinh thần được báo giới mô tả là “thẳng thắn” song “lịch sự”.

Tiếp đó, Điện Kremlin và Nhà Trắng tuần trước cũng xác nhận, cố vấn An ninh quốc gia Mỹ Jake Sullivan và thư ký Hội đồng An ninh Nga Nikolai Patrushev hôm 24/5 đã gặp nhau ở Geneva để tiền trạm cho hội nghị cấp cao Nga-Mỹ.

Về mục tiêu và nội dung của cuộc gặp Putin – Biden lần này, phát ngôn viên Nhà Trắng Jen Psaki tiết lộ rằng Tổng thống Mỹ Biden muốn cùng ông Putin "thiết lập lại" quan hệ Mỹ - Nga, vốn đã rơi vào tình trạng "mất cân bằng" từ thời cựu Tổng thống Donald Trump. Nhà Trắng hy vọng hai lãnh đạo sẽ “dành thời gian hợp lý” để bàn về sự ổn định chiến lược, bao gồm chương trình nghị sự xung quanh vấn đề kiểm soát vũ khí hay vấn đề khí hậu...

 

Dù kết quả cuộc gặp Putin-Biden ở Geneva tới đây được dự báo là rất hạn chế, giới phân tích cho rằng việc hai cường quốc Nga – Mỹ nỗ lực “cài đặt lại” mối quan hệ song phương đang xấu đi nghiêm trọng cũng là một thành công.

Trong khi đó, về phía Nga, Tổng thống Putin hôm 4/6, tại Diễn đàn Kinh tế thế giới St.Petersburg, đã nhấn mạnh hai bên cần tìm các biện pháp "để bình thường hóa các mối quan hệ". Ông cũng đồng thời nhấn mạnh hiện quan hệ giữa Nga và Mỹ đang ở "mức thấp". Theo người đứng đầu nước Nga, hội nghị dự kiến sẽ bàn về ổn định chiến lược, giải quyết các xung đột quốc tế, giải trừ quân bị, đại dịch Covid-19 cũng như các vấn đề môi trường. Ông Putin cũng nhấn mạnh Nga luôn quan tâm tới những sự kiện chính trị nội bộ của nước Mỹ, nhưng không bao giờ can thiệp vào các vấn đề đó.

Tuy nhiên, giới phân tích không quá lạc quan về kết quả cuộc gặp giữa hai nhà lãnh đạo Putin-Biden lần này trong bối cảnh giữa hai bên hiện vẫn còn quá nhiều mâu thuẫn, bất đồng. Ngay trước cuộc gặp cấp cao lần này, Nga đã công bố kế hoạch giảm dự trữ bằng đồng USD của Mỹ xuống 0% trong một động thái nhằm giảm mối liên quan đến kinh tế Mỹ.

Bộ trưởng Tài chính Nga, ông Anton Siluanov ngày 3/6 cho biết cơ cấu tiền tệ của Quỹ Tài sản quốc gia (NWF) trong vòng một tháng sẽ thay đổi. Tỷ trọng của đồng USD trong quỹ sẽ giảm từ 35% xuống 0%, tỷ trọng đồng Euro và đồng Nhân dân tệ sẽ lần lượt tăng lên 40% và 30%.

Về phía Mỹ, Tổng thống Mỹ Joe Biden tháng trước cũng thông báo về các biện pháp trừng phạt mới chống Nga liên quan đến dự án đường ống dẫn khí đốt “Dòng chảy phương Bắc 2” đưa khí đốt Nga sang tiêu thụ tại Đức và châu Âu. Theo đó, chính quyền Biden quyết định trừng phạt 8 doanh nghiệp và tàu của Nga vì tham gia vào dự án trên. Ngoài ra, các động thái như Nga gần đây tăng cường binh lực gần Ukraine, NATO tăng cường hoạt động quân sự tới phía Tây của Nga... cũng làm gia tăng mâu thuẫn giữa hai bên.

Tuy nhiên, dù kết quả cuộc gặp Putin-Biden ở Geneva tới đây được dự báo là rất hạn chế, giới phân tích cho rằng việc hai cường quốc Nga – Mỹ nỗ lực “cài đặt lại” mối quan hệ song phương đang xấu đi nghiêm trọng cũng là một thành công. Sự hòa giải của hai cường quốc này sẽ mở ra triển vọng giải quyết một số vấn đề chung của quốc tế như việc chống biến đổi khí hậu, cung ứng và phân phối vaccine ngừa Covid-19 trên toàn cầu, nối lại thỏa thuận hạt nhân với Iran, giải quyết vấn đề hạt nhân của Triều Tiên...