Tiền vẫn cực khỏe, VN-Index sắp lên đỉnh 2 năm
Sau cả buổi sáng dập dình yếu ớt, cuối cùng thị trường vẫn phải nhờ cậy đến các cổ phiếu vốn hóa lớn để kích thích một nhịp tăng bốc hơn trong buổi chiều
Sau cả buổi sáng dập dình yếu ớt, cuối cùng thị trường vẫn phải nhờ cậy đến các cổ phiếu vốn hóa lớn để kích thích một nhịp tăng bốc hơn trong buổi chiều.
Sau phiên đảo chiều ấn tượng hôm qua, thị trường nhập cuộc lại thận trọng bất ngờ. Đỉnh cao nhất buổi sáng của VN-Index chỉ tăng được 3 điểm so với tham chiếu. Khoảng 30 phút cuối phiên sáng thậm chí thị trường có một đợt sụt giảm khá nhanh, VN-Index còn giảm nhẹ gần 1 điểm.
VHM rất cố gắng nâng đỡ chỉ số trong phiên sáng nhưng trụ này quá đơn độc. Nhóm VIC, VCB, SAB, GAS, VNM đều quá yếu và giảm giá. Phải đến phiên chiều các cổ phiếu lớn mới được kéo mạnh lên dứt khoát, bẻ ngược VN-Index tăng từ đáy 1.007,91 điểm lên 1.015,86 điểm, tức là có biên độ tăng gần 8 điểm.
Có khá nhiều cổ phiếu blue-chips tăng ở nhịp điều hướng chỉ số trong nửa đầu phiên chiều, nhưng nhóm trụ vẫn là các mã quyết định. VNM, BID, CTG là 3 cổ phiếu lớn duy nhất không chuyển biến một cách rõ rệt, còn lại VCB, VCB, VIC, SAB, GAS đều quay đầu tăng ấn tượng.
VCB từ đáy khoảng 91.800 đồng cuối phiên sáng được kéo vọt lên 93.500 đồng và đóng cửa cũng ở giá này. Biên độ đảo chiều của VCB trong gần 1 tiếng lên tới gần 1,9%. VHM đã tăng sẵn từ sáng, nhưng từ 1h đến 1h45 đã bay từ 84.100 đồng lên 85.800 đồng, tức là hơn 2%. VIC không quá mạnh, nhưng cũng từ đáy 104.200 đồng cuối phiên sáng tăng lên 105.500 đồng, khoảng 1,25%. GAS khủng nhất, từ 82.700 đồng được kéo vọt lên 84.500 đồng, tăng gần 2,2%...
Trụ nhỏ nhất trong Top 10 của VN-Index là MSN cũng rất ấn tượng dù lực kéo không quá nhiều. MSN tăng từ đáy 82.000 đồng lên 84.000 đồng tương đương tăng 2,44% trong thời gian rất ngắn. MSN trong Top 5 của VN30-Index nên ảnh hưởng rất mạnh tới chỉ số này.
Những trụ còn duy trì được mức tăng tốt đến hết phiên là SAB tăng 1,71%, VCB tăng 1,63%, VHM tăng 2,28%. GAS suy yếu, chỉ còn tăng 0,6%. VIC lại bị đánh xuống tham chiếu, VNM giảm 0,64%, BID giảm 0,48%, CTG giảm 0,44%, HPG giảm 0,84%, MSN tăng 0,24%.
Rổ VN30 đóng cửa cũng có 16 cổ phiếu tăng giá và 12 mã giảm. Vn30-Index tăng 0,37% so với tham chiếu. Trong rổ này có POW đột biến cả về giá lẫn thanh khoản. Mã này quá nhỏ đối với VN-Index nên ít ảnh hưởng lên thị trường chung, nhưng mức tăng kịch trần là điều chưa từng xảy ra trong năm nay của POW. Mặt khác, gần 24,8 triệu cổ được trao tay, tương đương 261 tỷ đồng, chưa kể 691.000 cổ thỏa thuận, là mức thanh khoản kỷ lục 17 tháng.
Nhóm cổ phiếu vừa và nhỏ phần lớn giao dịch đuối, nhưng các mã nóng thì rất khỏe. CTS, VIB, DIG, POM, EVE, TDG, ABS, HTI, VOS kịch trần với thanh khoản cao. Trong khi đó chỉ số Midcap chỉ tăng nhẹ 0,44%, Smallcap tăng không đáng kể 0,09%.
Độ rộng của VN-Index hôm nay cũng khá tích cực với 235 mã tăng/198 mã giảm. VN-Index tăng 0,54% so với tham chiếu. Đỉnh cao nhất chỉ số chạm tới là 1.015,86 điểm khi các trụ lớn đồng loạt đạt sức căng tối đa về giá. Nhiều mã sau đó yếu đi đưa chỉ số lùi xuống 1.014,32 điểm. Mặc dù không kết phiên ở đỉnh cao nhất nhưng VN-Index vẫn đang đạt đỉnh cao nhất 2020 và tiến sát tới đỉnh cao nhất 2019 ở khoảng 1.025 điểm.
Thị trường mặc dù chỉ tăng tốc về chiều, nhưng tổng thể vẫn là một phiên giao dịch mạnh mẽ khi dòng tiền vào duy trì rất cao. Thỏa thuận đột biến 3.441 tỷ đồng của DIG khiến tổng giá trị lên cao, nhưng mức khớp lệnh cũng đạt 10.640,8 tỷ đồng, giảm nhẹ 10% so với hôm qua.
Như vậy suốt 3 phiên đầu tuần này, ngày nào hai sàn cũng khớp lệnh vượt 10.000 tỷ đồng. Trong 13 phiên gần nhất, thị trường ghi nhận 3 phiên khớp lệnh vượt 9.000 tỷ đồng, 8 phiên khớp lệnh vượt 10.000 tỷ đồng. Đây là mật độ thanh khoản cực lớn có tuần suất dày đặc chưa từng thấy. Nêu như giai đoạn bùng nổ trước, ví dụ thời điểm đầu 2018, thị trường chỉ có một vài phiên đột biến trên 10.000 tỷ đồng, sau đó suy giảm thanh khoản ngay, thì lúc này duy trì liên tục.