Tiếp tục vi phạm công bố thông tin, CTC bị đình chỉ giao dịch
HNX cho biết cổ phiếu CTC bị đình chỉ giao dịch do Tổ chức niêm yết tiếp tục vi phạm các quy định về công bố thông tin sau khi đã bị đưa vàọ diện hạn chế giao dịch.
Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX) thông báo về tình trạng chứng khoán của cổ phiếu CTC của Công ty Cổ phần Tập đoàn Hoàng Kim Tây Nguyên.
Theo đó, HNX cho biết cổ phiếu CTC bị đình chỉ giao dịch do Tổ chức niêm yết tiếp tục vi phạm các quy định về công bố thông tin sau khi đã bị đưa vàọ diện hạn chế giao dịch.
Cụ thể: Công ty chậm công bố thông tin báo cáo tài chính quý 3/2023 theo quy định điểm c khoản 1 Điều 41 Quy chế Niêm yết;
Đồng thời, cổ phiếu CTC bị cảnh báo do Tổ chức niêm yết chưa họp Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2023 quá 06 tháng kể từ ngày kết thúc năm tài chính; Lợi nhuận sau thuế chưa phân phối tại ngày 31/12/2022 là số âm; Tổ chức kiểm toán có ý kiến ngoại trừ đối vợi báo cáọ tài chính năm 2022 theo quy định tại điểm b, c và d khoản 1 Điều 37 Quy chế Niêm yết.
Như vậy, 15.799.926 cổ phiếu đang lưu hành sẽ bị đình chỉ giao dịch. Cổ phiếu kết phiên 30/11 tại 1.400 đồng/cp, tương đương với vốn hóa thị trường 22,1 tỷ đồng.
Được biết, Công ty Cổ phần Tập đoàn Hoàng Kim Tây Nguyên, tiền thân là Công ty phát hành phim và chiếu bóng Gia Lai được thành lập vào năm 1978. Sau nhiều giai đoạn phát triển, đến năm 2004, công ty cổ phần hoá, đổi tên thành CTCP Văn hoá du lịch Gia Lai - Gia Lai CTC.
Các lĩnh vực hoạt động của Hoàng Kim Tây Nguyên bao gồm: Du lịch, lữ hành, nhà hàng, khách sạn, thương mại, nhà sách,...Công ty niêm yết trên sàn HNX vào 2008.
Kết thúc quý 3/2023, CTC ghi nhận doanh thu đạt 1,2 tỷ đồng - cùng kỳ đạt hơn 6,7 tỷ. Luỹ kế 9 tháng năm 2023, CTC lỗ 3,8 tỷ (cùng kỳ lỗ hơn 364 triệu đồng), luỹ kế lỗ 4,3 tỷ (cùng kỳ lỗ 19,4 tỷ đồng).
Theo giải trình, nguyên nhân thua lỗ là do thời gian chờ đấu giá tài sản đã ảnh hưởng lớn đến hoạt động kinh doanh, các thiết bị cũng đã xuống cấp nên doanh thu giảm; kinh doanh bán buôn hàng thương mại không phát sinh trong kỳ. Qua đó, nâng lỗ lũy kế chưa phân phối tính đến 30/9/2023 trên 42 tỷ đồng.
Trước đó, Tập đoàn Hoàng Kim Tây Nguyên còn bị cưỡng chế thi hành quyết định hành chính về thuế bằng biện pháp ngừng sử dụng hóa đơn. Nguyên nhân do Hoàng Kim Tây Nguyên nợ thuế hơn 8,5 tỷ đồng quá 90 ngày theo quy định.
Theo báo cáo tài chính năm 2022 đã kiểm toán, bên kiểm toán đưa ra cơ sở của ý kiến kiếm toán ngoại trừ như sau: tại ngày 31/12/2022, Công ty chưa trích lập dự phòng các khoản công nợ phải thu khách hàng, trả trước cho người bán, phải thu khác khó đòi với tổng số tiền 9.003.071.101 đồng. Nếu Công ty trích lập đầy đủ các khoản dự phòng nêu trên sẽ làm cho chi tiêu “Chi phí quản lý doanh nghiệp” (mã 26) sẽ tăng thêm 9.003.071.101 VND và chỉ tiêu “Lợi nhuận trước thuế thu nhập doanh nghiệp” (mã số 50) sẽ giảm đi 9.003.071.101 đồng.
Ngoài ra, bên kiểm toán cũng chưa thu thập được đầy đủ các bằng chứng kiểm toán thích hợp liên quan đến một số khoản công nợ phải thu và phải trả cuối năm với số tiền theo sổ sách như sau:
Phải thu ngắn hạn khách hàng là 2.430.085.359 đồng; trả trước cho người bán ngắn hạn là 28.222.858.724 đồng; Phải thu ngắn hạn khác: 1.901.907.055 đồng; Phải trả người bán ngắn hạn: 14.735.762.328 đồng; Người mua trả tiền trước ngắn hạn: 4.967.953.806; Phải trả ngắn hạn khác: 853.753.665 đồng Vay cá nhân và doanh nghiệp: 24.159.142.821 đồng.
Với những tài liệu hiện có tại Công ty, bên kiểm toán cũng không thể kiểm tra được tính đầy đủ, quyền và nghĩa vụ đối với các khoản công nợ này bằng các thủ tục kiểm toán thav thế khác.
Đáng chú ý, bên kiểm toán có các vấn đề cần nhấn mạnh như: kết thúc ngày 31/12/2022, Công ty kinh doanh bị lỗ 9.163.707.891 đồng và khoản lỗ luỹ kế đến ngày 31/12/2022 là 38.151.038.335 VND. Đồng thời, tại ngày 31/12/2022 nợ ngẳn hạn lớn hơn tai sản ngắn hạn 50.750.545.231 đồng. Các sự kiện trên cho thấy có yếu tố không chắc chắn trọng yếu có thể gây ra sự nghi ngờ đáng kể về khả năng hoạt động liên tục của Công ty.
Mới đây, ngày 15/11/2023 Tòa án nhân dân thành phố Pleiku đã thụ lý vụ án dân sự về việc “Tranh chấp họp đồng vay tài sản”. Theo đó, Công ty cổ phần Dịch vụ Pleiku Touris yêu cầu Công ty cổ phần Tập đoàn Hoàng Kim Tây Nguyên trả số tiền gốc và lãi phát sinh tạm tính là hơn 4 tỷ đồng.
Ngày 14/7/2022, Chi cục thi hành án dân sự thành phố Pleiku buộc CTC phải thanh toán cho Công ty Cổ phần Du lịch Gai Lai số tiền hơn 12 tỷ đồng
Đến Ngày 10/11/2022 Tập đoàn Hoàng Kim Tây Nguyên công bố quyết định về việc bị cưỡng chế kê biên, xử lý tài sản đảm bảo.
Tài sản kê biên lúc đó có:
1. Toàn bộ công trình xây dựng gồm Khách sạn Tre Xanh, Tre Xanh Plaza, hầm đậu xe, cổng tường rào và thiết bị đi kèm công trình tại 18 Lê Lai… như số tài sản Agribank vừa thông báo bán đấu giá.
2. Ngoài ra, bản kê biên còn viết rõ bao gồm cả “tài sản hình thành trong tương lai” là toàn bộ tài sản được nâng cấp cho nhà hàng Tre Xanh Plaza từ tầng 1 đến tầng 3.
3. Đồng thời còn kê biên các tài sản khá có giá trị không thuộc danh mục các tài sản thế chấp nêu trên nhưng thuộc quyền sở hữu, sử dụng của Tập đoàn Hoàng Kim Tây Nguyên nếu có.