06:00 05/08/2022

Tiffany ra mắt mặt dây chuyền lấy cảm hứng từ NFT trị giá hơn 50.000 USD

Nguyên Nguyên

Thương hiệu trang sức 184 năm tuổi đã tạo nên một “cánh cửa” hữu hình vào thế giới của NFT bằng cách cho phép những người sở hữu các ký tự NFT được pixel hóa sẽ có thể mua một NFTiff với giá khoảng 50.000 đô la...

Trong một bài đăng trên trang web của mình, Tiffany & Co. cho biết họ đã lên kế hoạch tạo ra dòng sản phẩm được gọi là các NFTiff, nằm trong bộ sưu tập 250 sản phẩm kỹ thuật số có thể được đúc khi mua, tạo ra mặt dây chuyền và một tác phẩm nghệ thuật kỹ thuật số NFT có thể tùy chỉnh được thiết kế giống với thiết kế trang sức thành phẩm.

“Chúng tôi đang đưa NFT lên cấp độ tiếp theo. NFTiff sẽ biến NFT của bạn thành một mặt dây chuyền được làm thủ công bởi các nghệ nhân của Tiffany & Co. Bạn cũng sẽ nhận được một phiên bản NFT bổ sung của mặt dây chuyền này,” Alexandre Arnault, Giám đốc Điều hành Sản phẩm và Truyền thông tại Tiffany & Co cho biết.

Đối với NFT và Tiffany & Co., tính độc nhất dường như là đặc điểm bán hàng quan trọng. Công ty giải thích rằng “chỉ có 250 sản phẩm NFTiff sẽ được cung cấp dành riêng cho những người nắm giữ CryptoPunks. Không khách hàng nào được phép mua nhiều hơn 3 NFTiff. Người mua sẽ cần mua NFT của họ trên blockchain Ethereum, những token này sau đó sẽ có thể đổi được thành mặt dây chuyền vật lý.

Mỗi thiết kế tùy chỉnh, được làm thủ công bởi các nghệ nhân của Tiffany & Co., từ nền vàng hồng hoặc vàng 18k sang trọng và bao gồm ít nhất 30 viên đá quý và kim cương. Với mục tiêu phản ánh độ trung thực cao nhất từ tác phẩm nghệ thuật NFT ban đầu của nhà sưu tập, mặt dây chuyền độc đáo sẽ lấy cảm hứng từ định dạng pixel đặc trưng của màu sắc kỹ thuật số CryptoPunks. Mỗi mặt dây chuyền cũng sẽ được khắc số phiên bản CryptoPunks riêng và biểu tượng Tiffany đặc biệt ở mặt sau.

Mặt dây chuyền NFTiff bao gồm ít nhất 30 viên đá quý và kim cương. 
Mặt dây chuyền NFTiff bao gồm ít nhất 30 viên đá quý và kim cương. 

Công ty này báo giá 30 ETH (50.700 USD) cho mỗi mặt dây chuyền và dự kiến bắt đầu bán lẻ vào ngày 5/8. Thời hạn để người mua sở hữu NFT là đến ngày 12/8, sau đó “thành phẩm” trong thế giới thực sẽ sẵn sàng đến tay họ trước tháng 10. Tiffany & Co. có thể kiếm được khoảng 12 triệu USD nếu bán hết 250 NFT này. Ngoài ra, công ty cũng có thể kiếm được lợi nhuận vào một ngày sau đó trên thị trường bán lại, vì việc bán hàng ở thị trường thứ cấp cũng sẽ mang lại tiền bản quyền cho công ty.

Tiffany & Co. đã hợp tác với nhà cung cấp cơ sở hạ tầng đám mây Web3 – Chain để thực hiện chiến lược kinh doanh này. Nhà sáng lập Moonbirds, Kevin Rose gọi động thái này là “táo bạo”. Ông Rose cho biết trên Twitter: “Đây là một trong những thương hiệu trang sức cao cấp hàng đầu trên thế giới. Quả là một cơ hội lớn và mang lại sự chú ý cho cả hai bên trong thế giới thực và thế giới kỹ thuật số”.

Tuy nhiên, không phải tất cả mọi người đều chia sẻ sự lạc quan của mình. Một tài khoản Twitter cho rằng người dùng tiền điện tử không cần Tiffany & Co. để giúp CryptoPunks NFT của họ bất tử, bởi đó là nhiệm vụ của Ethereum. “Tôi không thấy bất kỳ giá trị bổ sung nào trong đồ trang sức vật lý mà họ tạo ra. Thà tôi để hình đại diện là các NFT trên đồng hồ thông minh của mình còn an toàn hơn nhiều,” một tài khoản bình luận.

Tiffany ra mắt mặt dây chuyền lấy cảm hứng từ NFT trị giá hơn 50.000 USD - Ảnh 1
Tiffany ra mắt mặt dây chuyền lấy cảm hứng từ NFT trị giá hơn 50.000 USD - Ảnh 2
 
NFTiff được làm thủ công bởi các nghệ nhân của Tiffany & Co., từ nền vàng hồng hoặc vàng 18k sang trọng.
NFTiff được làm thủ công bởi các nghệ nhân của Tiffany & Co., từ nền vàng hồng hoặc vàng 18k sang trọng.

Trước đó, hồi tháng 4, Tiffany & Co. đã biến CryptoPunks NFT (#3167) thành một mặt dây chuyền tráng men bằng vàng hồng dành riêng cho chủ nhân và cũng chính là Phó chủ tịch Alexandre Arnault của thương hiệu. Phần kính 3D được làm bằng sapphire và ruby ​​Mozambique với kiểu cắt baguette, cùng viên kim cương màu vàng thay thế cho bông tai trên mặt dây chuyền. Alexandre Arnault đã gây chú ý cho giới thời trang khi thay hình đại diện trên các nền tảng xã hội bằng ảnh NFT mang tên Punk 3167 trong khi chỉ vài ngày trước đó, cha anh, giám đốc điều hành LVMH, Bernard Arnault, bày tỏ lo ngại về việc mạo hiểm tham gia vào “bong bóng” metaverse.

Được mệnh danh là “con sói khoác cashmere”, tỷ phú Bernard Arnault tất nhiên hiểu rõ những việc cần làm khi đầu tư vào một nền tảng hay thị trường mới. “Tham gia vào metaverse có thể đem lại tác động tích cực – nếu được thực hiện tốt – đối với hoạt động mua bán của các thương hiệu, nhưng mục tiêu của chúng tôi không phải là bán giày thể thao ảo với giá 10 Euro,” ông Bernard chia sẻ với Vogue Business. “Chúng tôi không quan tâm đến khái niệm này”.