10:00 20/06/2024

Tìm mô hình thúc đẩy phát triển kinh tế báo chí Việt Nam

Thủy Diệu

Kinh tế báo chí ngày càng khó khăn do lượng lớn nguồn thu quảng cáo số chảy vào các nền tảng mạng xã hội xuyên biên giới, quảng cáo và nguồn thu từ báo in ngày càng giảm. Điều này đặt ra những thách thức lớn cho các tòa soạn báo Việt Nam trong việc tìm ra các mô hình, nguồn thu mới, đặc biệt là trong thời đại công nghệ số và trí tuệ nhân tạo (AI) để tiếp tục phát triển...

Kinh tế báo chí ngày càng khó khăn và trở thành vấn đề nóng bỏng trong những năm gần đây, và đang đặt các tòa soạn báo đang loay hoay đi tìm những mô hình nguồn thu mới.
Kinh tế báo chí ngày càng khó khăn và trở thành vấn đề nóng bỏng trong những năm gần đây, và đang đặt các tòa soạn báo đang loay hoay đi tìm những mô hình nguồn thu mới.

Tại hội thảo “Kinh tế báo chí truyền thông Việt Nam trong bối cảnh phát triển kinh tế số” do Bộ Thông tin và Truyền thông phối hợp với Trường đại học Khoa học xã hội và Nhân văn (Đại học Quốc gia Hà Nội) tổ chức mới đây, bức tranh về doanh thu của báo chí trên thế giới và Việt Nam với những thách thức và “điểm nghẽn” đã được nhiều chuyên gia, nhà báo và đại diện cơ quan quản lý phân tích và gợi mở các giải pháp để thúc đẩy phát triển kinh tế báo chí Việt Nam.

NGUY CƠ AI TẠO SINH SẼ LẤY ĐI QUẢNG CÁO CỦA BÁO CHÍ

Thông tin về bức tranh kinh tế báo chí truyền thông trên thế giới, ông Lê Quốc Minh, Tổng Biên tập Báo Nhân Dân, Phó Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam, cho biết báo chí toàn cầu đang đối mặt với nhiều thách thức, như: việc các ấn phẩm in giảm cả về số lượng lẫn doanh thu, trong khi đó các ấn phẩm số gia tăng nhưng không đáng kể và không bù đắp được phần mất đi của báo in...

Theo ông Minh, thị trường quảng cáo toàn cầu trong những năm gần đây tăng, nhưng với báo chí thì lại giảm đi. Cụ thể, trong giai đoạn 2019-2024, quảng cáo với báo in năm 2019 từ 35,1 tỷ USD thì đến 2024 dự kiến sẽ chỉ còn 21,4 tỷ USD, trong khi đó doanh thu ấn phẩm số tăng không đáng kể, từ 10,6 tỷ USD lên 11,9 tỷ USD. Doanh thu phát hành cũng tương tự: báo in sụt giảm từ 53 tỷ USD năm 2019 dự kiến xuống dưới 40 tỷ USD năm 2024.

“Nhiều cơ quan báo chí trên thế giới đã có nguồn thu phí và các hình thức khác trên báo điện tử, mức tăng từ 5,3 tỷ USD đến 8,4 tỷ USD tuy lớn nhưng vẫn không bù đắp được nguồn thu mất đi từ báo in”, ông Minh cho hay.

Theo Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Huy Dũng, doanh thu của các báo, tạp chí trong 9 tháng đầu năm 2023 đã giảm khoảng 10% so với cùng kỳ năm 2022. Còn tổng nguồn thu năm 2023 của các đài phát thanh truyền hình giảm hơn 20% so với năm 2022. Hầu hết các đài đều không khai thác được hết thời lượng quảng cáo/ngày trên kênh chương trình theo quy định cho phép của Luật Quảng cáo (tức 10% tổng thời lượng phát sóng/ngày; 5% tổng thời lượng phát sóng đối với kênh truyền hình trả tiền). Có đài thời lượng quảng cáo trên kênh chỉ đạt vài phút/ngày.

Theo ông Dũng, một thực tế là dù là báo in, báo điện tử hay phát thanh, truyền hình vẫn đều dựa khá nhiều vào nguồn thu quảng cáo. Có lúc, doanh thu từ quảng cáo luôn chiếm trên 60%, thậm chí với một số cơ quan báo chí là 90%. Tuy nhiên, hiện nay các cơ quan báo chí đang phải đối diện với nguy cơ sụt giảm doanh thu mạnh mẽ, trong bối cảnh các nền tảng mạng xã hội như Facebook hay Google đã lấy đi khoảng 70% doanh thu quảng cáo của báo chí chính thống.

 
Ông Nguyễn Thanh Lâm, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông.
Ông Nguyễn Thanh Lâm, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông.

Thời gian qua, Bộ Thông tin và Truyền thông đã có nhiều nỗ lực để hỗ trợ, phát triển báo chí, trong đó có vấn đề giải quyết câu chuyện kinh tế báo chí, bao gồm việc sửa đổi, cải cách thể chế. Năm nay Bộ Thông tin và Truyền thông sẽ trình Chính phủ sửa đổi Luật Báo chí, trong đó sẽ đưa vào một số thể chế về mô hình, quy mô, vị trí pháp lý của cơ quan pháp lý trong bối cảnh công nghệ biến động, các mô hình kinh doanh biến động.

Có lẽ phải đưa vào Luật Báo chí sửa đổi những khái niệm mới, tiền đề mới ở tầm luật để có thể giúp báo chí phát triển, trong đó có câu chuyện liên quan đến kinh tế báo chí. Những thể chế khác trong việc đặt hàng, tăng cường đặt hàng báo chí như một dịch vụ công, sản phẩm có ích cho xã hội cũng đang được sửa đổi, cho phép các cơ quan đặt hàng báo chí nhiều hơn và đa dạng hơn. Các cơ quan báo chí có thể cung cấp nhiều dịch vụ cho Nhà nước, cho các cơ quan đặt hàng trên đa nền tảng, không chỉ phụ thuộc vào nền tảng của bản thân cơ quan báo chí đó.

Theo Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam Lê Quốc Minh, các loại quảng cáo tự động (automation), quảng cáo trong video và các loại hình quảng cáo khác cũng đang gặp khó khăn bởi sự lớn mạnh của các ông lớn về công nghệ. Thực tế, nhiều người lâu nay vẫn cho rằng Google, Facebook chiếm tới 70% nguồn thu quảng cáo, nhưng lại có thông tin rằng với những chi phí quảng cáo digital mới, cứ 10 đồng thì các “ông lớn” công nghệ trên “xơi” tới 8 – 9 đồng chứ không phải 70% nữa.

Một thời gian dài dựa nhiều vào nền tảng công nghệ để tạo nguồn thu như Search Engine (Google Search) thì traffic mang đến cho các cơ quan báo chí là rất lớn, trung bình là khoảng 30%. Nhưng với AI tạo sinh đang phát triển như hiện nay như Google đang thử nghiệm là trả nội dung tìm kiếm bằng AI ở 120 quốc gia, ông Lê Quốc Minh cho rằng khi người dùng tìm kiếm điều gì đó, thay nhấp vào đường link trên các tờ báo để trả link cho chúng ta, thì hiện nay họ nhìn thấy nội dung rồi và nhiều người không cần đi vào các tờ báo nữa, đây chính là nguy cơ từ Search Engine mà báo chí đang phải đối mặt bởi mất traffic này thì đồng nghĩa với việc sẽ mất tiền.

NHANH CHÓNG THÁO GỠ NHỮNG "ĐIỂM NGHẼN"

Bên cạnh khó khăn nguồn thu ngày càng eo hẹp, theo Thứ trưởng Nguyễn Huy Dũng, hiện nay các cơ quan báo chí đang gặp một số khó khăn, vướng mắc trong các quy định về cơ chế tự chủ tài chính của đơn vị sự nghiệp công lập tại Nghị định 60/2021/NĐ-CP. Bên cạnh đó là cơ chế giao nhiệm vụ, đặt hàng hoặc đấu thầu sản xuất, cung cấp dịch vụ công sử dụng ngân sách nhà nước tại Nghị định 32/2019/NĐ-CP và chính sách về thuế đối với các cơ quan báo chí cần tiếp tục hoàn thiện để thúc đẩy phát triển kinh tế báo chí.

Hiện nay, hàng năm chi thường xuyên cho báo chí là dưới 0,5% tổng chi thường xuyên của ngân sách nhà nước. Chi cho đầu tư báo chí vẫn thấp, chỉ chiếm khoảng 0,25% tổng chi đầu tư của ngân sách nhà nước. Đặc biệt, một số cơ quan báo chí lớn lại không có hoặc có rất ít hỗ trợ hay đặt hàng từ ngân sách.

Theo Chiến lược chuyển đổi số báo chí đến năm 2025 được Thủ tướng Chính phủ ký ban hành 6/4/2023, mục tiêu đến năm 2025, các cơ quan báo chí tối ưu hóa nguồn thu, trong đó 30% cơ quan báo chí tăng doanh thu tối thiểu 20%. Đây là một thách thức lớn trong bối cảnh nền kinh tế gặp nhiều khó khăn, việc bố trí kinh phí, đặt hàng, giao nhiệm vụ cho các cơ quan báo chí thực hiện tuyên truyền nhiệm vụ chính trị, thông tin thiết yếu, truyền thông chính sách còn hạn chế.

Ông Ngô Việt Anh, Phó Trưởng ban Nhân Dân điện tử (Báo Nhân Dân), nêu quan điểm báo chí Việt Nam là nền báo chí đặc thù, do đó việc vận hành kinh tế, kinh doanh báo chí cũng sẽ có những yếu tố đặc thù. Do vậy, theo ông, báo chí Việt Nam cần thành lập tổ chức tiếp nhận các “đơn đặt hàng” truyền thông chính sách từ các tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp nhà nước để tăng nguồn thu.

Một đại diện đến từ VTV cho biết doanh thu của các đài truyền hình năm 2023 đã sụt giảm tới 40% và VTV cũng không nằm ngoài xu hướng chung này. VTV vẫn đứng vững như hiện nay là nhờ tiết kiệm chi phí, tuy nhiên nhà đài không thể tiết kiệm mãi được vì cần tiếp tục đầu tư phát triển.

Kinh tế báo chí là một động lực quan trọng để phát triển báo chí - truyền thông trong thời đại kinh tế số. Tuy nhiên, theo PGS. TS. Bùi Chí Trung, Phó Viện trưởng Viện Đào tạo báo chí và truyền thông, Trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn (Đại học Quốc gia Hà Nội), hiện nay đang có năm điểm nghẽn kìm hãm sự phát triển của kinh tế báo chí-truyền thông tại Việt Nam, đó là: (i) vấn đề nhận thức; (ii) mục tiêu; (iii) sức ép của sự bùng nổ công nghệ-kỹ thuật; (iv) việc điều hòa quan hệ lợi ích; (v) điểm nghẽn trong xây dựng cấu trúc hệ thống tổng thể của nền kinh tế báo chí - truyền thông và thể chế quản lý báo chí - truyền thông đáp ứng yêu cầu mới.

Theo ông Trung, ngay những khái niệm cơ bản như kinh tế báo chí - truyền thông là gì; phạm vi, chức năng hoạt động thế nào; phương thức và mô hình quản lý ra sao… trên thực tế vẫn chưa có cách hiểu đồng nhất. Khái niệm “kinh tế báo chí - truyền thông” chưa được thống nhất và chưa xuất hiện chính thức trong bất kỳ một văn bản quy định pháp luật nào mà chỉ được đề cập trong một số báo cáo tổng kết hoặc văn bản định hình chiến lược.

Ngoài ra, thị trường báo chí - truyền thông cũng chịu tác động của một số quy luật khác như: quy luật tỷ suất lợi nhuận có xu hướng giảm, quy luật khủng hoảng kinh tế, quy luật tâm lý... Đơn cử một ví dụ, để có được thị trường báo chí - truyền thông đúng nghĩa thì ai là người tham gia hoạt động ở đó, ai là người “bán”, ai là người “mua”. Nếu như “bán mà nửa vời” (vì chỉ có thứ mang bán là nội dung nhiệm vụ tuyên truyền), không có cái để bán, hoặc không thể, không được sản xuất ra thứ để người ta muốn mua thì hoạt động kinh tế đó mới chỉ là “trao nhận sản phẩm có yếu tố tiền tệ”...

Nội dung bài viết được đăng tải trên Tạp chí Kinh tế Việt Nam số 25-2024 phát hành ngày 17/6/2024. Kính mời Quý độc giả tìm đọc tại đây:

https://postenp.phaha.vn/chi-tiet-toa-soan/tap-chi-kinh-te-viet-nam

Tìm mô hình thúc đẩy phát triển kinh tế báo chí Việt Nam - Ảnh 1