16:43 22/06/2021

Tín dụng bất động sản và chứng khoán không tăng mạnh nhưng vẫn tăng cường giám sát

Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đánh giá các lĩnh vực như bất động sản, chứng khoán, trái phiếu doanh nghiệp rất nhạy cảm và tiềm ẩn nhiều rủi ro...

Cập nhật số liệu mới nhất từ Ngân hàng Nhà nước tính đến 15/6, tín dụng toàn nền kinh tế tăng 5,1% so với cuối năm 2020 (cùng kỳ năm 2020 tăng 2,26%), dự kiến đến cuối tháng 6 tăng trưởng tín dụng có thể đạt khoảng từ 5,5% - 6%.

Báo cáo chi tiết, ông Nguyễn Tuấn Anh, Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế, cho biết cơ cấu tín dụng tiếp tục tập trung vào các lĩnh vực sản xuất kinh doanh, tín dụng cho các lĩnh vực ưu tiên. Có 3/5 lĩnh vực có tốc độ tăng trưởng cao hơn mức tăng tín dụng của toàn nền kinh tế bao gồm xuất khẩu, công nghiệp hỗ trợ và doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao.

Dự kiến đến cuối tháng 6, tín dụng nông nghiệp, nông thôn ước tăng 4,8%; tín dụng doanh nghiệp nhỏ và vừa tăng 3,9%; tín dụng xuất khẩu tăng 9%; tín dụng công nghiệp hỗ trợ tăng 6,94% và lĩnh vực doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao tăng 14,5%.

Theo Ngân hàng HSBC, dịch bệnh Covid-19 dai dẳng phủ bóng lên những rủi ro ảnh hưởng đến tăng trưởng, mà đối với Việt Nam, đó chính là ngành bất động sản. Bởi lẽ, bất động sản đóng góp 5 - 15% cho GDP của ASEAN, tỷ lệ này ở Việt Nam là khoảng 8%. Quan trọng hơn hết, những ký ức về hiện tượng “bong bóng” nhà đất năm 2007 - 2012 kéo theo khủng hoảng ngân hàng kéo dài vẫn còn là nỗi ám ảnh trong tiềm thức chung. Mặc dù ngành ngân hàng đã dần gượng dậy, dư nợ bất động sản vẫn chiếm tỷ trọng lớn.

 
HSBC khuyến nghị Ngân hàng Nhà nước phải thận trọng cân bằng giữa việc hạn chế tín dụng đổ vào bất động sản với nỗ lực giảm thiểu rủi ro trước mắt do Covid-19 đối với ngành này.

Riêng vấn đề liên quan đến tín dụng đối với lĩnh vực rủi ro, ông Tuấn Anh cho rằng, nhìn xu thế tăng trưởng của thị trường bất động sản và tăng trưởng tín dụng vào lĩnh vực bất động sản thì thấy tín dụng vào lĩnh vực này đã có xu hướng giảm. Đến hết tháng 4, tăng trưởng tín dụng vào lĩnh vực bất động sản đạt 4,83%, thấp hơn mức tăng trưởng tín dụng chung toàn nền kinh tế.

“Hết tháng 6, tín dụng bất động sản sẽ không tăng mạnh, vẫn nằm trong lĩnh vực được Ngân hàng Nhà nước kiểm soát rất chặt chẽ”, ông Nguyễn Tuấn Anh nói

Đối với lĩnh vực chứng khoán, hiện tại tăng trưởng tín dụng lĩnh vực này không thay đổi nhiều và chỉ tăng 4.000 tỷ đồng -5.000 tỷ đồng so với cuối tháng 4, lên 46.700 tỷ đồng. Tuy nhiên, chứng khoán là lĩnh vực đang được người dân rất quan tâm, giá chứng khoán biến động liên tục, nên Ngân hàng Nhà nước sẽ có các giải pháp tiếp tục chỉ đạo các tổ chức tín dụng giám sát chặt chẽ cho vay ở lĩnh vực này, tăng cường các biện pháp kiểm tra giám sát người vay sử dụng đúng mục đích.

Đối với trái phiếu doanh nghiệp, số dư nợ hiện nay là 257.700 tỷ đồng, chiếm 2,6% tổng dư nợ; đến hết tháng 6 sẽ chỉ tăng thêm khoảng 2.000 tỷ đồng. Ông Tuấn Anh đánh giá, đây không phải là tỷ lệ quá lớn nhưng hoạt động mua trái phiếu doanh nghiệp khá nhạy cảm và Ngân hàng Nhà nước coi đây là một trong những lĩnh vực cần giám sát kiểm tra chặt chẽ. 

Nêu quan điểm về vấn đề này, Phó Thống đốc Đào Minh Tú nhìn nhận, thị trường tiền tệ, chứng khoán và bất động sản đều có mối liên hệ theo nguyên lý thông nhau. "Quan trọng là phải đạt mục tiêu chung là thúc đẩy các thị trường phát triển lành mạnh, an toàn, không để tình trạng “bong bóng”. Để đạt được điều đó, cần có sự phối hợp đồng bộ giữa các cơ quan quản lý như Ngân hàng Nhà nước, Bộ Tài chính…", Phó Thống đốc đặc biệt nhấn mạnh.

Vì thế, Phó Thống đốc cho biết, trong điều hành tín dụng, Ngân hàng Nhà nước sẽ tiếp tục chỉ đạo các tổ chức tín dụng tăng trưởng tín dụng có hiệu quả, tập trung vào các lĩnh vực sản xuất, lĩnh vực ưu tiên; kiểm soát chặt chẽ tín dụng đối với lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro; thực hiện các giải pháp tháo gỡ khó khăn trong tiếp cận tín dụng ngân hàng, tạo điều kiện thuận lợi trong vay vốn tín dụng ngân hàng cho doanh nghiệp và người dân.