Tinh thần khởi nghiệp và triết lý "lãnh đạo nào, phong trào đấy"
Triết lý tâm đắc nhất đối với khởi nghiệp tại Hà Nội là như thế nào?, Phó thủ tướng hỏi
Khi nhận được câu hỏi của Phó thủ tướng Vương Đình Huệ rằng, “một triết lý mà các anh tâm đắc nhất đối với khởi nghiệp tại Hà Nội là như thế nào?” - Phó Chủ tịch UBND Tp. Hà Nội, ông Ngô Văn Quý đáp lời: “đó là, lãnh đạo nào, phong trào đấy, thưa Phó thủ tướng”.
Câu trả lời của ông Quý đã nhận được tràng vỗ tay lớn của tất cả các diễn giả và khách tham dự hội thảo quốc tế Tạo dựng hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo Việt Nam, ngày 21/9, tại Hà Nội.
Vị Phó chủ tịch Hà Nội nói đó điều quan trọng nhất và tâm đắc nhất, bởi Bí thư, Chủ tịch Hà Nội rất quan tâm tới vấn đề khởi nghiệp, với start-up, chính vì thế, các sở ngành, các quận huyện cũng nhiệt huyết, hứng khởi với vấn đề khởi nghiệp.
Theo lãnh đạo Tp. Hà Nội, Hà Nội đang muốn tạo dựng một tinh thần khởi nghiệp mạnh mẽ, đồng thời hướng xây dựng thành phố thành trung tâm khởi nghiệp đổi mới sáng tạo của cả nước, với mục tiêu từ nay đến năm 2020 sẽ có thêm 200.000 doanh nghiệp mới thành lập. Cùng đó, Hà Nội sẽ hình thành trung tâm hỗ trợ khởi nghiệp chung, sẽ nghiên cứu hình thành quỹ đầu tư mạo hiểm mà một phần trong đó có đóng góp từ ngân sách thành phố.
Khát khao trên của Hà Nội đang có những tín hiệu ban đầu. ông Nguyễn Văn Tứ, Giám đốc Sở kế hoạch và Đầu tư Hà Nội, cho biết, hiện Hà Nội đang có trên 200.000 doanh nghiệp, đứng thứ hai cả nước. Các doanh nghiệp đang đóng góp 40% vào thu ngân sách, 67% việc làm và 38% sản phẩm cho Tp. Hà Nội.
Tính đến hết tháng 8/2016, số doanh nghiệp đăng ký thành lập mới trên địa bàn Hà Nội đạt hơn 15.000 doanh nghiệp, nâng tổng số doanh nghiệp tại thành phố này lên mức 200.550 doanh nghiệp. Tỷ lệ doanh nghiệp/người dân của Hà Nội là 1/38, gấp 3,7 lần mức bình quân chung của cả nước.
“Chưa ở thời kỳ nào Hà Nội lại có tốc độ tăng trưởng doanh nghiệp cao như vậy. Niềm tin kinh doanh nói chung và niềm tin kinh doanh của Hà Nội đã trở lại”, ông Tứ phát biểu trong tâm thế đầy hứng khởi.
Là vị lãnh đạo dành nhiều tâm huyết về khởi nghiệp quốc gia, Phó thủ tướng Vương Đình Huệ nói, Chính phủ sẽ hết sức tán thành với đề xuất là cho Hà Nội thí điểm các cơ chế chính sách để xây dựng Hà Nội thành trung tâm khởi nghiệp của cả nước. Ông chỉ đạo, đề án Hà Nội định hướng thành lập trung tâm hỗ trợ khởi nghiệp cần được nghiên cứu xây dựng một cách bài bản, cụ thể, làm thí điểm để xây dựng các trung tâm tương tự tại các tỉnh thành khác.
Tuy nhiên, để Hà Nội trở thành trung tâm khởi nghiệp và thúc đẩy khởi nghiệp phát triển mạnh mẽ, thì sẽ có những giải pháp như thế nào, Phó thủ tướng Huệ “không quên” đặt câu hỏi.
Trả lời câu hỏi của Phó thủ tướng Huệ, Phó chủ tịch Ngô Văn Quý cho biết, Hà Nội sẽ áp dụng 4 biện pháp. Thứ nhất là sẽ có chính sách để cụ thể hóa các chính sách của Trung ương về vấn đề khởi nghiệp. Theo đó, sẽ có một chính sách cụ thể nhằm khuyến khích khởi nghiệp như cụ thể hóa đề án hỗ trợ khởi nghiệp và khởi nghiệp sáng tạo, quy chế hỗ trợ doanh nghiệp sau đăng ký kinh doanh, xây dựng đề án chính quyền thân thiện.
Thứ hai là hình thành các trung tâm khởi nghiệp, hỗ trợ khởi nghiệp, theo đó, trước mắt hỗ trợ 2 nhân tố chính trong khởi nghiệp là công nghệ thông tin và khoa học công nghệ, ngoài ra sẽ khuyến khích các doanh nghiệp, các thành phần kinh tế khác cùng tham gia vào công cuộc hỗ trợ này.
Thứ ba là hình thành một số quỹ. Hiện Hà Nội đã có Quỹ hỗ trợ Khoa học công nghệ, sắp tới có thể nghiên cứu hình thành quỹ giới khởi nghiệp rất quan tâm là quỹ đầu tư mạo hiểm, đồng thời. Quỹ này sẽ do một phần đóng góp của ngân sách thành phố, phần còn lại do doanh nghiệp, cá nhân và cộng đồng xã hội đóng góp.
Và thứ tư là tiếp tục thực hiện tốt cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư, tạo điều kiện tốt nhất cho vấn đề khởi nghiệp. Đồng thời phấn đấu là đơn vị tiên phong về cải thiện môi trường kinh doanh, năng lực cạnh tranh, xây dựng môi trường kinh doanh công bằng, thân thiện, thông thoáng.