07:24 07/11/2012

Tính toán lại hiệu quả nhà máy alumin Nhân Cơ

Nguyên Vũ

Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng kiểm điểm việc thực hiện lời hứa trước Quốc hội

Lễ khởi công nhà máy alumin Nhân Cơ. Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam (TKV) đã tính toán lại 
tổng mức đầu tư, hiệu quả kinh tế của dự án nhà máy alumin Nhân Cơ và đã
 báo cáo Bộ Công Thương.
Lễ khởi công nhà máy alumin Nhân Cơ. Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam (TKV) đã tính toán lại tổng mức đầu tư, hiệu quả kinh tế của dự án nhà máy alumin Nhân Cơ và đã báo cáo Bộ Công Thương.
Liên quan tới các dự án bauxite và lộ trình bán lẻ điện cạnh tranh, tại báo cáo kết quả thực hiện các nội dung đã trả lời chất vấn tại kỳ họp thứ 2, thứ 3 vừa gửi Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng cho biết một số thông tin đáng chú ý.

Theo đó, Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam (TKV) đã tính toán lại tổng mức đầu tư, hiệu quả kinh tế của dự án nhà máy alumin Nhân Cơ và đã báo cáo Bộ Công Thương. Tuy nhiên, do có một số cơ chế chính sách về thuế, phí chưa phù hợp nên kết quả tính toán không phản ánh khách quan hiệu quả kinh tế của dự án. Bộ Công Thương đang chỉ đạo TKV kiểm tra, tính toán lại hiệu quả dự án để báo cáo Thủ tướng Chính phủ trong thời gian tới.

Bộ trưởng cũng cho hay trong tháng 11/2012 sẽ chạy thử có tải toàn bộ dây chuyền nhà máy alumin Tân Rai với thời gian chạy thử và hiệu chỉnh dây chuyền khoảng ba tháng. Nếu thuận lợi thì tháng 3/2013 đưa vào sản xuất chính thức.

Lộ trình xóa bỏ độc quyền đối với lĩnh vực điện năng là vấn đề nóng không chỉ trong các phiên chất vấn ở Quốc hội khóa 13. Bộ trưởng Hoàng cho biết, thị trường phát điện cạnh đã chính thức vận hành từ ngày 1/7/ 2012. Song song với việc này, Bộ Công Thương đã và đang chuẩn bị xây dựng và vận hành thị trường bán buôn cạnh tranh, và nghiên cứu các giải pháp để đẩy nhanh việc xây dựng thị trường bán lẻ điện cạnh tranh.

Cụ thể, việc xây dựng hệ thống văn bản quy phạm pháp luật, cơ sở hạ tầng, đào tạo nhân lực sẽ cơ bản hoàn thiện trong năm 2013, để đảm bảo vận hành thí điểm thị trường bán buôn điện vào năm 2015.

Mô hình thị trường bán buôn điện cạnh tranh một cách linh hoạt cũng được xây dựng, nhằm chuyển đổi từ mô hình thị trường bán buôn điện cạnh tranh đến thực hiện thị trường bán lẻ điện cạnh tranh ổn định, vững chắc.

Theo đó, ngay trong giai đoạn thị trường bán buôn cạnh tranh, các khách hàng tiêu thụ điện lớn được phép mua điện trực tiếp từ các nhà máy điện thông qua các cơ chế thị trường và hợp đồng dài hạn. Phạm vi, quy mô của các khách hàng lớn này sẽ dần dần được mở rộng để tăng số lượng khách hàng được quyền mua điện trực tiếp từ các nhà máy điện.

Giải pháp tiếp theo là tái cấu trúc ngành điện, kiện toàn cơ cấu tổ chức của các đơn vị tham gia thị trường để phù hợp và đủ khả năng thực hiện các chức năng mới trong thị trường bán buôn.

Theo Bộ trưởng Hoàng, nếu hoàn thành tốt các công tác chuẩn bị, có thể giảm được thời gian vận hành thí điểm thị trường bán buôn điện từ 2 năm (theo lộ trình) xuống còn 1 năm để đến năm 2016 bắt đầu triển khai thị trường bán buôn chính thức.

Tư vấn quốc tế cũng có thể được xem xét thuê để tham gia hỗ trợ thực hiện mô hình bán lẻ cạnh tranh, báo cáo cho biết.

Bộ Công Thương cũng tin tưởng vào kế hoạch sẽ trình Chính phủ xem xét, đưa thị trường bán buôn điện cạnh tranh vào vận hành từ năm 2015, và vận hành thị trường bán lẻ điện cạnh tranh từ năm 2020.

“Như vậy, có thể sớm hai năm so với kế hoạch đã đề ra trong lộ trình đã được duyệt”, báo cáo nêu rõ.

Theo dự kiến đã gửi xin ý kiến đại biểu Quốc hội sáng 6/11, Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng không có trong danh sách các thành viên Chính phủ sẽ đăng đàn trả lời chất vấn trực tiếp tại kỳ họp này. Tuy nhiên, có thể ông vẫn xuất hiện trong vai trò “chia lửa” với các vị được chọn.