20:21 26/10/2015

Tòa không được từ chối dân: “Cần suy xét rất thận trọng”

Nguyên Vũ

Băn khoăn quy định tòa án không được từ chối yêu cầu giải quyết việc dân sự, vì lý do chưa có điều luật để áp dụng

Đại biểu Trần Đình Nhã góp ý hoàn thiện dự thảo Bộ luật Tố tụng Dân sự.<br>
Đại biểu Trần Đình Nhã góp ý hoàn thiện dự thảo Bộ luật Tố tụng Dân sự.<br>
Dù phân tích thêm hay chỉ nhấn mạnh để thể hiện chính kiến, thì đa số ý kiến tại phiên thảo luận về dự thảo Bộ luật Tố tụng Dân sự (sửa đổi) ngày 26/10 tại Quốc hội cũng đều đồng tình với quy định: tòa án không được từ chối yêu cầu giải quyết việc dân sự vì lý do chưa có điều luật để áp dụng.

Và trong trường hợp chưa có điều luật áp dụng, thì cho phép tòa án áp dụng các nguyên tắc cơ bản của pháp luật dân sự, tập quán, tương tự pháp luật, án lệ và lẽ công bằng để thụ lý vụ án và giải quyết vụ việc.

“Tôi thấy chưa chắc chắn”


Nhưng, một trong số ít các vị còn nhiều băn khoăn là đại biểu Trần Đình Nhã (Thừa Thiên - Huế).

“Các đại biểu đồng tình thì cho rằng cái này phù hợp với yêu cầu thực tế, phù hợp với kinh nghiệm nước ngoài, phù hợp với Hiến pháp để bảo đảm xây dựng nhà nước pháp quyền. Tôi thấy những lý lẽ này chưa chắc chắn”, ông Nhã phản biện.

Bởi vì, nếu nói là theo yêu cầu thực tế, thì theo ông Nhã, là Việt Nam chưa có thực tế nào cả. Kinh nghiệm nước ngoài có nói, nhưng làm khác với quy định của Việt Nam.

Còn nói là phù hợp với Hiến pháp thì ông Nhã nhấn mạnh, Hiến pháp quy định tòa án xét xử theo pháp luật.

Nhà nước pháp quyền, tức là một nhà nước thượng tôn pháp luật, trong đó người dân được làm những điều mà pháp luật không cấm, còn cơ quan nhà nước, kể cả tòa án, cán bộ công chức Nhà nước chỉ được làm những điều pháp luật quy định.

“Nội dung này lâu nay được tuyên truyền đến người dân, nhưng để đáp ứng yêu cầu của công dân, chúng ta phải đưa ra quy định là chúng ta sẽ xử lý những việc chẳng pháp luật nào quy định, như phong tục tập quán, như nguyên tắc chung chung nào đó của các bộ luật, như lẽ công bằng...”, ông Nhã bình luận.

Ủng hộ quyền yêu cầu tòa án không được từ chối yêu cầu giải quyết việc dân sự vì lý do chưa có điều luật để áp dụng, song ông Nhã cho rằng cần phải suy xét rất thận trọng về mặt thủ tục.

Cụ thể là cần làm rõ việc áp dụng phong tục tập quán, pháp luật tương tự và lẽ công bằng, dù làm rõ được cũng khó.

“Sẽ không có việc nhỏ”

Trong bối cảnh Việt Nam chưa có tòa án Hiến pháp, đại biểu Nhã đề nghị phương án khi xuất hiện những việc chưa có điều luật quy định thì các tòa án không được quyền từ chối, mà chuyển lên Tòa án Nhân dân Tối cao, và Hội đồng Thẩm phán sẽ xem xét và phán quyết.

Ông Nhã cũng dự liệu, liên quan đến quy định nói trên, rồi đây sẽ không có việc nhỏ, mà toàn là những việc lớn.

Vị đại biểu Thừa Thiên - Huế cũng nêu ví dụ từ thực tế. Đó là cử tri của tỉnh này có đề nghị báo cáo ra Quốc hội về việc công nhận dân tộc Pa Cô là dân tộc thứ 55 hoặc 56 của đại gia đình các dân tộc Việt Nam? Nếu không được công nhận thì người ta có thể đưa việc này ra tòa theo bộ luật này.

Mà việc này, tòa án tỉnh thì không thể xử được, phải lên tòa án cấp cao để xem xét quyết định cho bà con có nên tách ra thành một dân tộc độc lập trong đại gia đình các dân tộc Việt Nam hay không.

Với lập luận làm luật là để chống lại sự tùy tiện, đại biểu Hồ Trọng Ngũ (Vĩnh Long) cũng cho rằng cần hết sức cân nhắc khi quy định áp dụng lẽ công bằng trong giải quyết việc dân sự tại tòa.

“Chúng ta có niềm tin vào thẩm phán, nhưng trước những vụ việc lợi ích các bên tham gia lên đến hàng trăm tỷ, thì các thẩm phán cũng bị áp lực trước lẽ công bằng, xét xử cho bên nào là cả một vấn đề”, ông Ngũ lo ngại.

Theo ông thì khi thụ lý vụ án nếu không xét xử được thì tòa án cấp dưới phải báo cáo lên tòa tối cao, tòa tối cao cần tiếp nhận và giúp cho hội đồng thẩm phán tòa tối cao giải quyết.

“Ủy ban Thường vụ Quốc hội có trách nhiệm giải thích pháp luật và thường vụ họp một tháng một kỳ, tôi nghĩ các vụ việc chưa có điều luật để áp dụng phát sinh trên thực tế rất ít, nên nếu cần thiết thì có thể dùng nghị quyết Ủy ban Thường vụ Quốc hội để giải quyết những trường hợp cá biệt đó”, đại biểu Chu Sơn Hà (Hà Nội) đề nghị.