23:43 12/06/2013

“Tôi thấy Bộ trưởng còn hiền quá”

Hoài Ngân

Đại biểu mong Bộ trưởng Cao Đức Phát “mạnh mẽ hơn” trong các kiến nghị, giải pháp

<font face="Arial, Verdana" size="2">Bộ trưởng&nbsp;Cao Đức Phát&nbsp;nói hiện nay khó khăn lớn nhất mà ngành nông nghiệp đang gặp phải đó là thị trường.</font>
<font face="Arial, Verdana" size="2">Bộ trưởng&nbsp;Cao Đức Phát&nbsp;nói hiện nay khó khăn lớn nhất mà ngành nông nghiệp đang gặp phải đó là thị trường.</font>
“Trong giải pháp của mình, tôi thấy Bộ trưởng còn hiền quá”. Nhận xét này được đại biểu Quốc hội Trần Hoàng Ngân (Tp.HCM) đưa ra sau khi Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn Cao Đức Phát trả lời câu hỏi chất vấn của đại biểu Ngân và một số đại biểu khác liên quan đến một số vấn đề của ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn hiện nay.

Mặc dù theo đại biểu Ngân, ông “chia sẻ với những khó khăn của ngành nông nghiệp” và ông cũng “thấy Bộ trưởng đã lắng nghe các câu hỏi một cách nghiêm túc”.

Tuy nhiên, “các vị bộ trưởng, thứ trưởng các ngành đang có khó khăn khác như xây dựng chẳng hạn, họ có rất nhiều hội thảo, hội nghị và đưa ra nhiều yêu cầu kiến nghị. Ngành nông nghiệp, nông dân vô cùng khó khăn nhưng tiếng nói của ngành còn quá nhẹ”. 

“Tôi rất mong Bộ trưởng mạnh mẽ hơn trong những kiến nghị, giải pháp của mình. Phải gấp rút hỗ trợ cho nông nghiệp và nông dân hiện nay đang gặp rất nhiều khó khăn bằng những gói hỗ trợ hết sức cụ thể”, ông Ngân nói.

Trước đó, đại biểu Ngân đã hỏi Bộ trưởng Cao Đức Phát về việc liệu Bộ trưởng có giải pháp đột phá và mới nào để gì giúp cho ngành nông nghiệp phát triển bền vững và giúp cho người nông dân thoát nghèo, đồng thời muốn biết quan điểm của Bộ trưởng về việc có nên có một gói giải pháp cụ thể, trực tiếp hơn đối với người sản xuất nông nghiệp thông qua hỗ trợ tài chính.

Trả lời đại biểu Ngân, Bộ trưởng Cao Đức Phát nói trước tình hình khó khăn hiện nay của nông nghiệp thì càng thấy rõ hơn những vấn đề và những nguyên nhân đặt ra đối với ngành. Do đó, giải pháp quan trọng có tính chất đột phá đối với ngành, đó là triển khai thực hiện nghiêm túc và có hiệu quả chủ trương của Chính phủ về tái cơ cấu nền kinh tế trong lĩnh vực nông nghiệp và nông thôn.

“Chúng tôi đã xây dựng đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng phát triển bền vững gắn với xây dựng nông thôn mới. Chúng tôi được biết là Thủ tướng đã phê duyệt đề án này và chúng tôi đã có bàn bạc, phân công trong Bộ và sắp tới sẽ triển khai trong toàn ngành thực hiện. Chỉ có như vậy mới có thể giải quyết một cách căn cơ những tồn tại của ngành và phát triển có hiệu quả hơn”, ông nói.

Về gói giải pháp hỗ trợ trực tiếp cho nông dân để nông dân vượt qua khó khăn, Bộ trưởng Phát nói hiện nay khó khăn lớn nhất mà ngành nông nghiệp đang gặp phải đó là thị trường.

“Lúa đang chín đầy đồng khắp từ Nam tới Bắc, trái cây cũng rất nhiều, lợn gà cũng rất nhiều, cá tra cũng rất nhiều nhưng chính vì thị trường gặp khó khăn nên giá xuống, thu nhập của nông dân bị ảnh hưởng nghiêm trọng”, ông dẫn chứng.

Để hỗ trợ người dân cải thiện tình hình, Bộ trưởng Phát nói một mặt Chính phủ đã có chủ trương như đối với lúa gạo, hỗ trợ cho các doanh nghiệp cấp tốc mua 1 triệu tấn gạo để tạm trữ, để hỗ trợ giữ giá cho nông dân và khi Chính phủ vừa mới ban hành chủ trương thì mấy hôm nay giá lúa của đồng bằng sông Cửu long cũng đã nhích lên có nơi 100 - 200 đồng/kg.

Mặt khác, Chính phủ cũng chủ trương chỉ đạo ngành ngân hàng tăng cường cung cấp tín dụng cho nông dân để nông dân không phải bán vội lúa để trả nợ cho ngân hàng cũng như mua các loại vật tư cho vụ tiếp theo, duy trì đàn gia súc của mình.

Chính phủ cũng đã chỉ đạo các bộ phối hợp hỗ trợ các doanh nghiệp thúc đẩy mạnh xuất khẩu để tiêu thụ các loại nông sản cho bà con nông dân, như vậy giữ giá cho nông dân.

Tuy nhiên, ông Phát cũng nói rằng đấy chỉ là “giải pháp trước mắt”, cần có những giải pháp lâu dài đã được đưa vào đề án tái cơ cấu.

“Chúng tôi thấy, một mặt chúng ta hỗ trợ cho nông dân trực tiếp, nhưng mặt khác cũng cần phải có những đầu tư vào những nhiệm vụ có tính chất lâu dài và căn cơ của ngành như nghiên cứu và chuyển giao khoa học, kỹ thuật, trong đó đặc biệt là nâng cấp và cải tiến các loại giống cây trồng, vật nuôi, hỗ trợ nông dân để áp dụng tiến bộ khoa học, kỹ thuật để tăng năng suất giảm giá thành và nâng cao chất lượng của sản phẩm và tiếp tục đầu tư nâng cấp cơ sở hạ tầng để giúp cho nông dân sản xuất ổn định và có hiệu quả

Ý tôi muốn nói rằng, rất cần sự hỗ trợ của Nhà nước mạnh mẽ hơn cho khu vực nông nghiệp, nông thôn”, ông nhấn mạnh.