17:33 23/03/2016

Tổng kết nhiệm kỳ: "Nỗ lực rất lớn, nhưng..."

Nguyên Vũ

Quốc hội thảo luận về báo cáo tổng kết nhiệm kỳ của Thủ tướng, Chủ tịch nước, Quốc hội

Đại biểu Võ Thị Dung phát biểu tại phiên thảo luận tổ sáng 23/3 - Ảnh: Mỹ An.
Đại biểu Võ Thị Dung phát biểu tại phiên thảo luận tổ sáng 23/3 - Ảnh: Mỹ An.
Vấn đề tham nhũng là ở bộ máy chứ không phải ở nhân dân. Báo cáo tổng kết nhiệm kỳ của Thủ tướng, Chính phủ chỉ nói cái chung là phòng chống tham nhũng chưa đạt yêu cầu, nhưng trong bộ máy Chính phủ thì vấn đề này như thế nào, chưa thấy đề cập?

Đây là nhận xét của đại biểu Võ Thị Dung (Tp.HCM) tại buổi thảo luận tổ về các báo cáo tổng kết nhiệm kỳ của Quốc hội, Chủ tịch nước, Thủ tướng.

Các báo cáo này đều đã được trình bày trước Quốc hội trong ngày 22/3.

Đánh giá chung, nhiều ý kiến ở nhiều tổ thảo luận cho rằng các báo cáo đã được chuẩn bị nghiêm túc, thể hiện được cả kết quả và hạn chế yếu kém, cũng như rút ra các bài học kinh nghiệm sâu sắc.

“Báo cáo của Chính phủ cũng nhận được nhiều nhận xét tích cực. Chính phủ thực sự đã làm được rất nhiều việc, nhất là ứng phó với những diễn biến trên biển Đông. Thái độ của Chính phủ, của Thủ tướng Chính phủ rất rõ ràng, quyết liệt đã tạo được sự đồng thuận và giải toả đối với dư luận, lòng dân mà thậm chí sau đó người dân, cử tri đã đặt vế so sánh giữa sự thể hiện này với thể hiện của Quốc hội chúng ta”, đại biểu Võ Hồng Thoại (Bạc Liêu) nói.

Tuy nhiên, vẫn còn không ít tâm tư với nhiệm kỳ qua.

“Các đồng chí lãnh đạo cấp cao nỗ lực rất lớn rồi, nhưng mà suy nghĩ lại, vẫn thấy chưa hài lòng”, đại biểu Trương Trọng Nghĩa (Tp.HCM) bày tỏ quan điểm.

Nói hoành tráng, làm chưa nhiều

Liên quan đến nhận xét về tham nhũng của đại biểu Võ Thị Dung, như VnEconomy đã thông tin, nhìn nhận những yếu kém trong nhiệm kỳ, người đứng đầu Chính phủ đã khái quát: phòng chống tham nhũng chưa đạt yêu cầu đề ra là ngăn chặn, từng bước đẩy lùi.

Thẩm tra báo cáo của Chính phủ, Uỷ ban Pháp luật của Quốc hội nhận định, báo cáo của Chính phủ chưa phản ánh đầy đủ tình hình, tính chất, mức độ của thực trạng tham nhũng, lãng phí trong thời gian qua.

Cơ quan thẩm tra nhấn mạnh, trong nhiệm kỳ này việc đấu tranh phòng, chống tham nhũng vẫn chưa đạt được kết quả như mong muốn. Tham nhũng không những chưa được ngăn chặn, đẩy lùi, không những chỉ là nguy cơ tiềm ẩn mà ngày càng hiện hữu. Và đánh giá này nhận được sự đồng tình của không ít đại biểu.

Báo cáo của Chính phủ nói nhiều về giải pháp chống tham nhũng nhưng thu hồi tài sản sau khi phát hiện tham nhũng và xử lý thế nào thì cần rõ hơn, vì đây là vấn đề cử tri rất quan tâm, đại biểu Nguyễn Phước Lộc (Tp.HCM) góp ý.

Bên cạnh vấn đề đánh giá về tham nhũng, một số ý kiến cho rằng, báo cáo của Chính phủ nói về kết quả cải cách rất hoành tráng nhưng trên thực tế thì mục tiêu giảm phiền hà cho nhân dân và doanh nghiệp vẫn chưa đạt được. Còn bộ máy thì giảm chỗ này lại phình chỗ kia

Bộ máy hành chính còn cồng kềnh, kỷ cương kỷ luật chư nghiêm, chạy theo bằng cấp quá nhiều mà thiếu đánh giá đạo đưc công vụ, đại biểu Trần Hoàng Ngân nhìn nhận.

Đánh giá đúng vai trò của dân

Đại biểu Trương Trọng Nghĩa đề nghị, các báo cáo tổng kết nhiệm kỳ phải đánh giá tương xứng nỗ lực của nhân dân, sự chịu đựng của nhân dân ở rất nhiều tình huống khác nhau.

Phải cảm ơn nhân dân ở những thời điểm đầy thách thức đã ủng hộ Nhà nước, Quốc hội, Chính phủ, gương mẫu chịu đựng gian khó và giữ vững biên giới, hải đảo, ông Nghĩa bày tỏ quan điểm.

Đồng quan điểm với đại biểu Nghĩa, nguyên Bí thư Thành uỷ Tp.HCM Lê Thanh Hải nhận xét, các báo cáo đề cập đến vai trò của nhân dân chưa đúng mức trong khi bài học kinh nghiệm luôn được nêu là gần dân, trọng dân, vì dân.

Đất nước ta những năm qua thành tựu có được quyết định nhất là vai trò của nhân dân, ông Hải nhấn mạnh.

Theo đại biểu Trần Hoàng Ngân (Tp.HCM), qua nhiệm kỳ qua thì Chính phủ khoá mới cần hết sức lưu ý vấn đề tự chủ kinh tế, giải quyết khó khăn của doanh nghiệp. Nợ công tăng nhanh, nợ chính phủ vượt trần, theo ông Ngân, cũng là vấn đề cần được đặc biệt quan tâm ở nhiệm kỳ mới.