19:21 28/07/2021

TP.HCM: Có thể giãn cách xã hội thêm 1 - 2 tuần kể từ đầu tháng 8

Minh Tâm

TP.HCM sẽ đánh giá lại tình hình dịch bệnh sau ngày 1/8 và có thể tiếp tục thực hiện giãn cách thêm 1-2 tuần nữa…

TP.HCM rất vắng vẻ sau khi thành phố siết chặt việc đi lại
TP.HCM rất vắng vẻ sau khi thành phố siết chặt việc đi lại

Đó là thông tin trên được Phó Bí thư Thường trực Thành ủy TP.HCM Phan Văn Mãi thông báo tại cuộc họp với Ban chỉ đạo Phòng chống dịch Covid-19 TP.HCM về các biện pháp ứng phó với dịch bệnh Covid-19 trên địa bàn thành phố vào chiều ngày 28/7.

Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Phan Văn Mãi
Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Phan Văn Mãi

TP.HCM đã bước sang ngày thứ 20 thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 (từ ngày 9/7) nhưng dịch bệnh vẫn chưa có dấu hiệu giảm xuống, các ca bệnh vẫn tiếp tục tăng lên.

 

Thành phố cần thêm thời gian để đánh giá các kịch bản dịch Covid-19 sau ngày 1/8. Có thể cần thêm 1-2 tuần nữa để thực hiện các biện pháp theo các Chỉ thị 16, Chỉ thị 12 và các chỉ đạo của UBND TP.HCM.

Trước thực trạng trên, Phó Bí thư Phan Văn Mãi cho biết thành phố cần thêm thời gian để đánh giá các kịch bản dịch Covid-19 sau ngày 1/8. Trong những ngày tới, thành phố sẽ thực hiện đồng bộ, hiệu quả các biện pháp theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ, Chỉ thị 12 của Thành ủy và các chỉ đạo của UBND TP.HCM.

“Sau ngày 1/8, TP.HCM sẽ đánh giá lại tình hình và có thể cần thêm thời gian để thực hiện các biện pháp, có thể là 1 - 2 tuần nữa”, ông Mãi nói.

TRIỆT ĐỂ THỰC HIỆN NGHIÊM VIỆC GIÃN CÁCH

Theo ông Phan Văn Mãi, thành phố hiện đã áp dụng các biện pháp hạn chế người dân ra đường sau 18h. Qua vài ngày tổ chức, người dân TP.HCM có sự chấp thuận và đồng tình. "Thành phố rất hoan nghênh tinh thần chấp hành của người dân và mong mọi người tiếp tục chịu khó áp dụng các biện pháp giãn cách để sớm kiểm soát được dịch bệnh", ông Mãi nói.

Tuy nhiên, lượng người di chuyển ban ngày (6h -18h) vẫn còn đông, người dân vẫn tiếp xúc nhiều. Ông Mãi cho rằng để kiểm soát được dịch bệnh thì chính người dân phải có nhận thức, đồng lòng, nghiêm túc thực hiện các biện pháp. Đồng thời, ông Mãi đề nghị ban chỉ đạo phòng chống dịch các cấp cần tăng cường kiểm tra, nhắc nhở, hướng dẫn và xử lý các vi phạm. TP.HCM sẽ kiểm tra xuống tận cơ sở để chấn chỉnh, uốn nắn những nơi làm chưa nghiêm.

 

Thành phố cũng sẽ xử lý thật nghiêm cấp, ngành, địa phương lơi lỏng, thiếu trách nhiệm trong việc đảm bảo giãn cách xã hội.

"Ý thức của người dân chính là phòng tuyến đầu tiên, quan trọng nhất và không thể thay thế. Chính ý thức của người dân là yếu tố quyết định sự thành công của công tác phòng, chống dịch", ông Phan Văn Mãi nói.

ĐẨY NHANH VIỆC TIÊM VACCINE

Trong bối cảnh dịch bệnh kéo dài tác động trực tiếp đến đời sống người dân, đặc biệt là những người có hoàn cảnh khó khăn, người lao động mất việc; do đó, công tác an sinh xã hội được lãnh đạo TP.HCM đặc biệt quan tâm.

TP.HCM sẽ đẩy nhanh việc tiêm vaccine trong những ngày tới, mổ rộng thời gian tiêm sau 18h.
TP.HCM sẽ đẩy nhanh việc tiêm vaccine trong những ngày tới, mổ rộng thời gian tiêm sau 18h.

Theo đó, TP.HCM sẽ rà soát nhu cầu người dân ở từng phường, xã, thị trấn, khu phố về lương thực, thực phẩm, nhu yếu phẩm cần thiết. Trên cơ sở đó, các địa phương sẽ bổ sung thêm nguồn hàng, cách thức cung ứng cho người dân, nhất là người trong khu phong tỏa như đi chợ mua một lần cho nhiều ngày, đi chợ thay... Đồng thời, rà soát số lượng hộ nghèo, hộ khó khăn, không đăng ký tạm trú để có hình thức hỗ trợ phù hợp.

 

Để đẩy nhanh tiến độ tiêm chủng, TP.HCM đã thống nhất mở rộng thời gian tiêm chủng sau 18h trong những ngày tới.

Liên quan đến vấn đề tiêm vaccine, ông Mãi cho biết, thành phố đang đẩy nhanh việc này, đồng thời kiến nghị Bộ Y tế để đơn giản hóa quy trình tổ chức tiêm chủng và tăng cường lượng vaccine Covid-19 phân bổ cho địa phương.

Bên cạnh đó, để đẩy nhanh tiến độ tiêm chủng, TP.HCM đã thống nhất mở rộng thời gian tiêm chủng sau 18h trong những ngày tới. Với mỗi phường có ít nhất hai điểm tiêm điểm, còn người trên 65 tuổi, bệnh nền được tiêm ở bệnh viện.

"Các quận, phường cần xác định với số lượng và con người cụ thể, với bộ quy định nhận diện cụ thể để người tiêm vaccine được ra đường sau 18h", ông Mãi cho biết.

MỞ THÊM BỆNH VIỆN DÃ CHIẾN, SẮP XẾP LẠI CÁC TẦNG ĐIỀU TRỊ

Trước số ca nhiễm tăng hàng ngàn ca mỗi ngày, áp lực cho ngành y rất lớn. Các bệnh viện dã chiến thu dung gần như đã lấp đầy công suất, nhiều thời điểm bệnh viện gặp tình trạng quá tải. Để khắc phục những khó khăn trên, TP.HCM đã rà soát, sắp xếp lại các tầng điều trị cho khoa học hơn để giảm áp lực cho ngành y; trong đó tiếp tục tăng năng lực các bệnh viện dã chiến để điều trị F0 nặng.

 

Để khắc phục những khó khăn trên, TP.HCM đã rà soát, sắp xếp lại các tầng điều trị cho khoa học hơn để giảm áp lực cho ngành y; trong đó tiếp tục tăng năng lực các bệnh viện dã chiến để điều trị F0 nặng.

Phó Bí thư Thành ủy TP.HCM cũng cho biết nhiệm vụ hàng đầu của ngành y tế thành phố hiện nay là nâng cao công tác thu dung, điều trị người mắc Covid-19 bao gồm cả áp dụng phương án cách ly F1, F0 không triệu chứng tại nhà

Các số liệu thống kê và ý kiến chuyên gia chỉ rõ khoảng 70 - 80% F0 không có triệu chứng hoặc triệu chứng nhẹ và sẽ tự khỏi sau một khoảng thời gian. Đợt dịch vừa qua, số F0 tăng cao khiến công tác cách ly, điều trị của thành phố dần quá sức.

Hiện thành phố có trên 70.000 ca F0. Do đó, việc chuyển chiến lược sang tập trung điều trị, chăm sóc bệnh nhân có triệu chứng nặng và bệnh lý nền là cần thiết. Việc cách ly F0 không triệu chứng, hạn chế tiếp xúc, tư vấn y tế tại nhà, và có cơ chế phản ứng nhanh khi cần cấp cứu là việc thành phố cần tập trung thực hiện để giảm tải áp lực lên cơ sở y tế.

 

Thành phố cũng lập thêm nhiều bệnh viện dã chiến để tham gia các tầng điều trị và dự kiến sẽ thiết lập thêm 1 - 2 bệnh viện như thế trong tuần tới.

Về công tác điều trị, các bệnh viện tuyến quận đã có chủ trương áp dụng mô hình chia đôi bệnh viện, chuyển đổi một phần sang điều trị bệnh nhân Covid-19 nhằm “chia lửa” cho các cơ sở điều trị. Thành phố cũng lập thêm nhiều bệnh viện dã chiến để tham gia các tầng điều trị; chuyển bệnh viện số 6 thành bệnh viện điều trị tầng 3 với chức năng nâng cao hơn. Thành phố dự kiến sẽ thiết lập thêm 1 - 2 bệnh viện như thế trong tuần tới.

Sáng mai (ngày 29/7), bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long sẽ vào TP.HCM để đánh giá số lượng, nhu cầu cơ sở vật chất sẽ tăng trong thời gian tới để có sự chuẩn bị và tăng cường nguồn lực cho tầng điều trị 3, 4. Đồng thời, sẽ tổ chức lại việc liên thông giữa tầng 3, 4, 5 để có sự trao đổi, tiếp nhận bệnh nhân kịp thời, hạn chế tử vong.

Tại tầng 5, bệnh viện hồi sức Covid-19 với 1.000 giường đang được hoàn thiện. Ngoài ra, TP.HCM cũng đang huy động thêm các bệnh viện lớn và các cơ sở y tế tư nhân có uy tín tham gia vào tầng điều trị này.