08:28 13/06/2021

TP.HCM đặt mục tiêu tiêm vaccine cho 2/3 người dân của thành phố trong năm 2021

Minh Tú

Bên cạnh việc thực hiện tốt "mục tiêu kép", TP.HCM sẽ khẩn trương tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, giải quyết các vướng mắc còn tồn đọng, đồng thời đặt mục tiêu tiêm vaccine cho 2/3 người dân trong năm 2021...

TP.HCM họp bàn giải pháp thúc đẩy tăng trưởng kinh tế  sau đại dịch.
TP.HCM họp bàn giải pháp thúc đẩy tăng trưởng kinh tế sau đại dịch.

Tại phiên họp trực tuyến về tình hình kinh tế văn hóa - xã hội - quốc phòng - an ninh và thu chi ngân sách 5 tháng đầu năm 2021; triển khai nhiệm vụ tháng 6 năm 2021 vừa diễn ra cuối tuần này, Chủ tịch Ủy ban nhân dân TP.HCM Nguyễn Thành Phong cho biết TP.HCM đã thực hiện tốt “mục tiêu kép" vừa phòng chống dịch, bảo vệ sức khỏe toàn dân - vừa phục hồi và phát triển kinh tế.

THỰC HIỆN TỐT “MỤC TIÊU KÉP”

Chủ tịch Ủy ban nhân dân TP.HCM Nguyễn Thành Phong cho biết ngay từ đầu năm TP.HCM đã chủ động đẩy nhanh các giải pháp thực hiện chủ đề năm 2021: “Năm xây dựng chính quyền đô thị và cải thiện môi trường đầu tư”, với mục tiêu tổng quan là tiếp tục thực hiện “nhiệm vụ kép”, vừa phòng chống dịch, bảo vệ sức khỏe toàn dân - vừa phục hồi và phát triển kinh tế.

Từ đó, chính quyền thành phố đã đề ra nhiều kế hoạch và đề án để phát triển, nổi bật là: Đề án xây dựng đô thị thông minh, xây dựng Trung tâm tài chính, xây dựng và phát triển thành phố Thủ Đức. Những đề án này hướng đến mục tiêu cải thiện môi trường đầu tư, nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân và thúc đẩy phát triển kinh tế nhanh và bền vững. Do vậy, trong năm tháng đầu năm, thành phố ghi nhận được những tín hiệu khởi sắc về kinh tế.

Theo ông Phong, với sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị, sự chung lòng của người dân, đến nay thành phố cơ bản đã kiểm soát được đợt lây nhiễm thứ tư nhưng với tình hình dịch bệnh còn tiếp tục diễn biến phức tạp, kinh tế thành phố nói chung và cộng đồng doanh nghiệp nói riêng đã bị ảnh hưởng rất nặng nề. Vì vậy, ông yêu cầu lãnh đạo các sở, ngành, thành phố Thủ Đức và các quận, huyện cần lắng nghe ý kiến của các doanh nghiệp để tham mưu cho Ủy ban nhân dân TP.HCM những chính sách, giải pháp để tháo gỡ khó khăn cho họ.

 
Trong tháng 5 và 5 tháng đầu năm, TP.HCM có 6.461 doanh nghiệp hoạt động trở lại, tăng 89,69% so với cùng kỳ. Tổng thu ngân sách nhà nước ước đạt 174.608,470 tỷ đồng, đạt 47,85% dự toán, tăng 22,8% so với cùng kỳ.

Về kinh tế, ông Phong cho biết Thành phố thực hiện các giải pháp, nhằm bảo đảm hàng hóa, bình ổn thị trường các mặt hàng thiết yếu, theo dõi chặt chẽ tiến độ thu ngân sách; Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ trong việc gia hạn thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế thu nhập cá nhân, hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp vừa và nhỏ và kế hoạch phát triển kinh tế tập thể giai đoạn 2021-2025.

Theo Sở Kế hoạch và Đầu tư, trong tháng 5 và 5 tháng đầu năm, TP.HCM có 6.461 doanh nghiệp hoạt động trở lại, tăng 89,69% so với cùng kỳ. Tổng thu ngân sách nhà nước ước đạt 174.608,470 tỷ đồng, đạt 47,85% dự toán, tăng 22,8% so với cùng kỳ.

Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng ước đạt khoảng 456.000 tỷ đồng, tăng 8,9% so với cùng kỳ. Thương mại bán lẻ hàng hóa tăng 9,5%. Dịch vụ lưu trú và ăn uống có dấu hiệu phục hồi, tăng 30,8%.

KHẨN TRƯƠNG GIẢI QUYẾT CÁC VƯỚNG MẮC  

Chỉ đạo cụ thể một số nhiệm vụ trọng tâm tại phiên họp, Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong cho biết ngay trong tháng 6 này, TP.HCM sẽ thực hiện sơ kết đánh giá tình hình kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm 2021, đồng thời, UBND TP.HCM cũng tổng kết hoạt động nhiệm kỳ 2016-2021.

Nhiệm vụ trọng tâm thứ hai là TP.HCM khẩn trương triển khai gói hỗ trợ lần 2 đối với doanh nghiệp và người lao động bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. Riêng vấn đề giảm tiền thuê đất cho doanh nghiệp, hộ kinh doanh, đồng chí Nguyễn Thành Phong giao Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Võ Văn Hoan làm việc với các sở, ngành để đánh giá mức độ bị tác động của doanh nghiệp theo từng lĩnh vực và nêu căn cứ quy định cụ thể để TP.HCM có cơ sở quyết định.

Cũng tại phiên họp, Chủ tịch Nguyễn Thành Phong lưu ý là thành phố đã thành lập tổ công tác giải quyết những dự án gặp vướng mắc, khó khăn. Theo đó, trong các dự án đang vướng mắc, tồn đọng, cái nào thuộc thẩm quyền của các sở thì giải quyết khẩn trương, cái nào thuộc thẩm quyền trung ương thì báo cáo thành phố để có hướng xử lý.

Trước tình hình giải ngân đầu tư công hiện nay mới đạt tỷ lệ 21,5% kế hoạch giải ngân cả năm, Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thành Phong yêu cầu đẩy nhanh tốc độ giải ngân vốn đầu tư công, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế TP.HCM. Đồng thời, tập trung tháo gỡ vướng mắc tại các dự án còn nhiều tồn đọng, khó khăn. Ông đề nghị Sở Kế hoạch và Đầu tư phải theo dõi, giao nhiệm vụ cụ thể, làm sao để trong điều kiện dịch bệnh cần cố gắng xem đây là giải pháp quan trọng thúc đẩy tăng trưởng của thành phố.

Đối với các nội dung liên quan đến thành phố Thủ Đức, Chủ tịch Ủy ban nhân dân TP.HCM chỉ đạo chín vấn đề tồn tại để giải quyết cho thành phố Thủ Đức, trong đó đối với vấn đề liên quan đến Thủ Thiêm, ông yêu cầu cần cố gắng triển khai cơ bản từ đây đến cuối tháng 6, đầu tháng 7/2021. 

Cũng theo ông Phong, từ đây đến cuối tháng 6 và đầu tháng 7/2021, TP.HCM sẽ cố gắng triển khai kế hoạch hỗ trợ doanh nghiệp, người dân bị tác động bởi dịch.

Trước diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, người đứng đầu TP.HCM cho biết, thành phố đã thành lập tổ công tác mua và tiêm vaccine Covid-19 do Phó chủ tịch Ủy ban nhân dân TP.HCM Dương Anh Đức đứng đầu.

"Thành phố đặt mục tiêu 2/3 người dân được tiêm vaccine trong năm 2021. Tuy nhiên, cần có kế hoạch chu đáo cho mục tiêu này vì việc triển khai tiêm vaccine Covid-19 không đơn giản. Phải chuẩn bị từ nguồn cung đến kho trữ lạnh và đội ngũ tổ chức tiêm phòng”, ông Phong nói.

Về các giải pháp phòng chống dịch bệnh thời gian tới, ông Nguyễn Thành Phong đề nghị tiếp tục truy vết khoanh vùng dập dịch khẩn trương và triệt để. Tại các khu vực phát hiện ca dương tính khoanh vùng xử lý, xét nghiệm tầm soát các địa điểm có ca bệnh và khu vực lân cận, xét nghiệm mở rộng trong cộng đồng.

Riêng đối với các chung cư, tòa nhà văn phòng, căn hộ có ca bệnh, thành phố sẽ tổ chức xét nghiệm toàn bộ người cư trú, người làm việc tại các địa điểm này.

Chủ tịch Ủy ban nhân dân TP.HCM đề nghị, ngành y tế sẵn sàng năng lực điều trị cho người bệnh, chủ động xây dựng phương án để chống dịch 5.000 trường hợp nhiễm. Phân công 7 bệnh viện của thành phố chuyên điều trị bệnh nhân Covid-19 với 2.000 giường (trong đó, 1.000 giường hồi sức, 1.000 máy thở) và chuẩn bị triển khai thêm các bệnh viện dã chiến với tổng số 3.000 giường.

Liên quan đến việc giãn cách xã hội, Chủ tịch Ủy ban nhân dân TP.HCM Nguyễn Thành Phong cho biết, việc tiếp tục hay ngưng thực hiện giãn cách xã hội, hoặc tiếp tục cục bộ trên một số địa bàn cần thực hiện trên tinh thần đánh giá kỹ tình hình, từ đó áp dụng các hình thức cho phù hợp.