TP.HCM đầu tư 10.000 tỷ đồng làm đường trên cao trục Bắc Nam dài hơn 7 km
Trong tổng số khoảng 60.000 tỷ đồng làm 4 tuyến đường cửa ngõ kết nối TP.HCM với các địa phương, khu vực lân cận, tuyến đường trục Bắc - Nam dự kiến sẽ xây dựng trên cao với chiều dài hơn 7 km, kinh phí đầu tư gần 10.000 tỷ đồng.

Dự án cửa ngõ phía nam này sẽ nâng cấp, mở rộng tuyến đường song song với đường Nguyễn Hữu Thọ từ đại lộ Nguyễn Văn Linh đến cao tốc Bến Lức - Long Thành có tổng chiều dài 8,6 km; trong đó dự kiến sẽ xây đường trên cao dài 7,2 km.
Về quy mô đầu tư, công trình trên cao có chiều rộng với 4 làn xe, vận tốc thiết kế 80 km/h; tuyến dưới mặt đất và tuyến đường song hành hai bên sẽ rộng 3 làn xe mỗi bên, tốc độ tối đa 60 km/h. Tim của tuyến trên cao (cầu cạn) theo tính toán sẽ lệch so với tim quy hoạch về bên trái, tức hướng quận 7 đi Nhà Bè, nhằm tránh đường ống cấp nước D1200 hiện hữu, cũng như tạo thuận lợi cho công trình tuyến metro số 4 (ga Võ Chí Công đường Vành đai 2 – ngã tư Bảy Hiền - depot Đa Phước) sẽ xây dựng trong tương lai.
Trên tuyến sẽ xây dựng hai nút giao quan trọng tại đại lộ Nguyễn Văn Linh và cao tốc Bến Lức - Long Thành. Các nhánh lên xuống đường trên cao sẽ được bố trí tại nhiều vị trí như cầu Rạch Đỉa, đường Kho B, đường Phạm Hữu Lầu và đường Nguyễn Văn Tạo (huyện Nhà Bè); đồng thời, 14 cây cầu hiện hữu trên trục Nguyễn Hữu Thọ cũng sẽ được mở rộng để bảo đảm lưu thông đồng bộ.
Sơ bộ tổng mức đầu tư dự án khoảng 9.894 tỷ đồng (bao gồm lãi vay 530,75 tỷ đồng); chia ra như sau: ngân sách thành phố 4.679 tỷ đồng (chiếm 47%), nguồn vốn huy động 5.214 tỷ đồng (chiếm 53%). Giai đoạn thực hiện: 2025 - 2028.
Tổng diện tích đất chiếm dụng dự kiến khoảng 66,5 ha (quận 7 khoảng 13,28 ha, huyện Nhà Bè 53,22 ha). Trong đó diện tích đất phải thực hiện giải phóng mặt bằng khoảng 2,2711 ha, diện tích đất công cộng (đường giao thông, mặt nước...) khoảng 56,29 ha. Khoảng 98 hộ dân bị ảnh hưởng, trong đó 19 hộ sẽ phải giải tỏa hoàn toàn.
Trình tự các bước triển khai cụ thể như sau: Trong quý 1-2025: trình cấp thẩm quyền phê duyệt chủ trương đầu tư. Từ quý 2 đến quý 3-2025: lập báo cáo nghiên cứu khả thi. Quý 4-2025: hoàn tất lựa chọn nhà đầu tư và ký kết hợp đồng. Từ quý 4-2025 đến quý 3-2026: giải phóng mặt bằng. Các hạng mục sử dụng vốn ngân sách sẽ khởi công vào quý 4-2025, phần dự án BOT dự kiến triển khai vào quý 1-2026 và hoàn thành vào năm 2028.
Thời gian khai thác và thu phí của nhà đầu tư dự kiến kéo dài 22 năm 1 tháng. Đặc biệt, phần dự án thực hiện theo hình thức BOT trên đường hiện hữu, sau khi hoàn thành đưa vào khai thác sẽ chỉ thu phí phần đường chính, không thu phí đường song hành nhằm tạo thêm lựa chọn cho người dân khi lưu thông, đồng thời hạn chế được sự ảnh hưởng của người dân khu vực dự án.
Dự án đường trục Bắc Nam cùng với 3 dự án cửa ngõ khác còn lại gồm nâng cấp và mở rộng quốc lộ 13, cải tạo và nâng cấp quốc lộ 22 và mở rộng quốc lộ 1 từ đường Kinh Dương Vương đến Long An, là bốn dự án trọng điểm được triển khai, thực hiện theo tinh thần Nghị quyết 98 về cơ chế đặc thù phát triển TP.HCM.
Trong năm 2025, TP.HCM sẽ xúc tiến triển khai hàng loạt dự án hạ tầng trọng điểm; trong đó đẩy nhanh tiến độ chuẩn bị đầu tư các dự án trọng điểm, kết nối vùng. Ngài các dự án PPP-BOT kể trên, còn có các công trình khác như cao tốc TP.HCM - Mộc Bài, đường Vành đai 4, cầu Cần Giờ, cầu Thủ Thiêm 4, đường nối cao tốc TP.HCM - Chơn Thành,...