15:57 06/07/2024

TP.HCM đơn phương chấm dứt hợp đồng dự án đường nối Võ Văn Kiệt với cao tốc Sài Gòn - Trung Lương

Anh Khuê

Do hàng loạt các vi phạm của chủ đầu tư trong thời gian dài mà không có giải pháp khắc phục hiệu quả, Ủy ban nhân dân TP.HCM đã đồng ý đơn phương chấm dứt hợp đồng đối với dự án đường nối đại lộ Võ Văn Kiệt với cao tốc TP.HCM – Trung Lương...

Dự án làm dang dở sau 3 năm khởi công và "trùm mền" đến nay đã 6 năm. Ảnh: Quang Phương.
Dự án làm dang dở sau 3 năm khởi công và "trùm mền" đến nay đã 6 năm. Ảnh: Quang Phương.

Văn phòng Ủy ban nhân dân TP.HCM vừa có Công văn số 3626/UBND-DA truyền đạt ý kiến của Chủ tịch Ủy ban nhân dân TP.HCM thống nhất đề nghị của Nhóm công tác liên ngành và các sở ngành liên quan về chủ trương thực hiện quyền đơn phương chấm dứt trước thời hạn hợp đồng BOT dự án xây dựng đoạn tuyến nối từ đường Võ Văn Kiệt đến cao tốc TP.HCM - Trung Lương.

GẦN 10 NĂM CHO 2,7 KM VẪN KHÔNG THỂ HOÀN THÀNH

Dự án xây dựng đoạn nối từ đại lộ Võ Văn Kiệt (xã Tân Kiên, huyện Bình Chánh) đến đường cao tốc TP.HCM – Trung Lương dài 2,7 km, có điểm đầu từ nút giao cầu vượt Võ Văn Kiệt - quốc lộ 1 và điểm cuối giao với đường dẫn vào cao tốc TP.HCM - Trung Lương.

Dự án có tổng mức đầu tư 1.557 tỷ đồng (không bao gồm chi phí bồi thường giải phóng mặt bằng vì đã tách thành dự án riêng), được khởi công năm 2015. Sau 3 năm thi công, sản lượng công trình thực hiện chỉ đạt 140 tỷ đồng, tương đương với 12% giá trị hợp đồng, và đã ngừng thi công từ năm 2018 đến nay.

Chủ đầu tư dự án là Công ty cổ phần Tập đoàn Yên Khánh và doanh nghiệp dự án là Công ty TNHH MTV BOT TP.HCM - Trung Lương thực hiện. Dự án được triển khai trong giai đoạn 2025 – 2017. Tuy nhiện, đến nay hiện trường công trình là những trụ bê tông cốt thép trơ trụi ngoài nắng mưa, rỉ sét từ 6 năm nay.

Chủ tịch Uỷ ban nhân dân TP.HCM giao Ban quản lý Dự án Đầu tư xây dựng các công trình giao thông TP.HCM (TCIP), cơ quan thực hiện giám sát nhà nước đối với dự án, khẩn trương phối hợp với nhà đầu tư, doanh nghiệp dự án và các đơn vị liên quan rà soát hợp đồng BOT đã ký kết, nghiên cứu quy định pháp luật liên quan đề xuất việc thanh toán các chi phí cho nhà đầu tư.

Sở Kế hoạch và Đầu tư TP.HCM chịu trách nhiệm khẩn trương chủ trì, phối hợp với các sở, ngành liên quan tham mưu, đề xuất và dự thảo công văn của Ủy ban nhân dân Thành phố gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư để được hướng dẫn thủ tục thực hiện đơn phương chấm dứt trước thời hạn hợp đồng BOT dự án đã ký kết, hoàn thành trước ngày 10/7/2024.

Trong báo cáo trước đó của Nhóm công tác liên ngành do Sở Giao thông vận tải Thành phố làm chủ trì, đã đề xuất hai phương án đối với hợp đồng BOT này. Phương án 1 là đơn phương chấm dứt hợp đồng vì nhà đầu tư vi phạm các điều khoản đã ký kết; phương án 2 là khởi kiện nhà đầu tư ra tòa án để có kết luận bản án làm căn cứ pháp lý thực hiện.

Sau khi phân tích các cơ sở pháp lý, Ủy ban nhân dân TP.HCM chọn phương án đơn phương chấm dứt hợp đồng vì nhà đầu tư vi phạm các điều khoản đã ký kết. Thành phố cũng đã cho nhà đầu tư thời gian để khắc phục và tiếp tục thực hiện dự án nhưng nhà đầu tư không thực hiện được.

HÀNG LOẠT CÁC VI PHẠM CỦA CHỦ ĐẦU TƯ

Chủ đầu tư dự án là Công ty TNHH Sản xuất - thương - mại dịch vụ Yên Khánh (sau đổi tên là Công ty cổ phần Tập đoàn Yên Khánh). Đơn vị này thành lập doanh nghiệp dự án là Công ty TNHH đầu tư BOT TP.HCM - Trung Lương.

Sau gần 10 năm kể từ ngày khởi công, dự án thực hiện được 12% với 3 trụ cầu. Trong ảnh: Trụ cầu vượt ở đầu tuyến tại nút giao Võ Văn Kiệt - quốc lộ 1.
Sau gần 10 năm kể từ ngày khởi công, dự án thực hiện được 12% với 3 trụ cầu. Trong ảnh: Trụ cầu vượt ở đầu tuyến tại nút giao Võ Văn Kiệt - quốc lộ 1.

Ngày 21/6/2024, Nhóm công tác liên ngành đã có Báo cáo số 7956 về chủ trương thực hiện quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng BOT dự án xây dựng đoạn tuyến nối từ đường Võ Văn Kiệt đến cao tốc TP.HCM - Trung Lương, đã chỉ ra hàng loạt sai phạm nghiêm trọng của nhà đầu tư và doanh nghiệp dự án.

Cụ thể, nhà đầu tư đã ngưng thực hiện dự án từ tháng 6/2018; không thể cung cấp được hồ sơ tài liệu làm rõ, chứng minh về khả năng thu xếp vốn để thực hiện tiếp hợp đồng BOT đã ký kết và bảo lãnh thực hiện hợp đồng, hồ sơ tài liệu liên quan đến công tác thanh toán và các nội dung liên quan khác.

Cùng với đó, tổ chức tín dụng duy nhất cho vay để thực hiện dự án là Ngân hàng thương mại cổ phần Bưu Điện Liên Việt (LienViet PostBank) đã có văn bản nêu ý kiến không tiếp tục tài trợ vốn vay theo hợp đồng tín dụng đã ký kết do doanh nghiệp dự án và nhà đầu tư vi phạm hợp đồng tín dụng; doanh nghiệp dự án và nhà đầu tư chưa thể cung cấp hồ sơ và tài liệu pháp lý liên quan đến phần khối lượng đã thực hiện.

Tháng 6/2021, Ủy ban nhân dân TP.HCM đã có Công văn số 2055/UBND-DA chấp thuận việc chấm dứt thực hiện hợp đồng BOT đối với chủ đầu tư và doanh nghiệp dự án này trước thời hạn. TCIP cũng đã nhiều lần làm việc và có nhiều văn bản đề nghị nhà đầu tư và doanh nghiệp dự án báo cáo tình hình thực hiện, pháp lý, hồ sơ đối với các khối lượng đã thực hiện.

Tuy nhiên, báo cáo của Nhóm công tác liên ngành nêu rõ là chủ đầu tư và doanh nghiệp dự án đã không thể khắc phục được trong thời hạn 90 ngày và khoảng thời gian trước thời điểm ban hành thông báo chấm dứt trước thời hạn Hợp đồng BOT đã ký kết.

Báo cáo số 7956 cũng cho biết: Nhà đầu tư và doanh nghiệp dự án nhiều lần xin gia hạn, kéo dài thời gian thực hiện với cùng lý do mà chủ yếu là hồ sơ tài liệu bị thất lạc, các nhà thầu không đáp ứng đầy đủ thông tin để lập hồ sơ quyết toán theo quy định; đồng thời không thể hiện khả năng phối hợp thực hiện nhằm đạt được thỏa thuận về chấm dứt trước thời hạn hợp đồng BOT đã ký kết, làm kéo dài thời gian thực hiện và ảnh hưởng đến việc triển khai thực hiện tiếp dự án.