23:41 15/06/2021

TP.HCM: Nhiều sai phạm về đất đai cần xử lý

Đức Minh

Những vi phạm này đã tồn tại trong thời gian dài, nhưng chưa được các cơ quan chức năng ở TP.HCM kiểm tra, xử lý kịp thời. Do đó, Thanh tra Chính phủ kiến nghị Ủy ban nhân dân TP.HCM có biện pháp giải quyết đối với đơn vị, cá nhân có vi phạm, truy thu tiền sử dụng đất, thu hồi các khoản thu không hợp pháp...

Không chỉ có các dự án khu dân cư, nhà ở mà còn nhiều khu công nghiệp cũng sai phạm theo kết luận của Thanh tra Chính phủ (Ảnh minh họa).
Không chỉ có các dự án khu dân cư, nhà ở mà còn nhiều khu công nghiệp cũng sai phạm theo kết luận của Thanh tra Chính phủ (Ảnh minh họa).

Thanh tra Chính phủ vừa ban hành kết luận Thanh tra số 757/KL-TTCP về công tác quản lý nhà nước và thực hiện pháp luật trong quy hoạch, quản lý xây dựng, đất đai, môi trường đối với khu công nghiệp, khu đô thị; việc chuyển đổi nhà, đất công có vị trí đắc địa sang mục đích khác tại TP.HCM

"ĐIỂM CHỈ" NHIỀU DỰ ÁN SAI PHẠM

Tại kết luận 757/KL-TTCP, Thanh tra Chính phủ đã “điểm chỉ” nhiều dự án sai phạm. Cụ thể, tại dự án Khu dân cư phường Phú Thuận (quận 7) có tổng diện tích 61.280m2 do Công ty Vạn Phát Hưng làm chủ đầu tư.

Qua kết quả thanh tra cho thấy, dự án này được Sở Xây dựng cấp giấy phép 253/GPXD ngày 30/12/2016 (giai đoạn 1) xây dựng khối nhà 3A-3B, 4A-4B, 6A-6B và tầng hầm khối thương mại, dịch vụ, văn phòng có lưu trú, nhà trẻ với 2 tầng hầm là không đúng với quy hoạch được duyệt. Tại quyết định 152/QĐ-UBND ngày 25/12/2015 của Ủy ban nhân dân quận 7, dự án chỉ có 1 tầng hầm.

 
Hàng loạt sai phạm về đất đai trên địa bàn TP.HCM đã được Thanh tra Chính phủ “điểm chỉ” và yêu cầu Ủy ban nhân TP.HCM có biện pháp xử lý trách nhiệm đối với các cá nhân, tổ chức có liên quan...

Với dự án Tầm Nhìn thuộc phường Tân Tạo A, quận Bình Tân do Công ty TNHH Đầu tư Địa ốc Khang An làm chủ đầu tư, Thanh tra Chính phủ kết luận dự án này được chuyển mục đích sử dụng toàn bộ 59.236m2 đất để đầu tư xây dựng khu dân cư khi dự án không có trong kế hoạch sử dụng đất, chuyển đất nông nghiệp để xây dựng khu dân cư, không có tên trong danh mục các dự án có nhu cầu sử dụng đất trong kế hoạch sử dụng đất 5 năm của thành phố giai đoạn 2001-2005 được Thủ tướng phê duyệt, cho phép khu dân cư sử dụng đất lâu dài, nhưng khi được giao đất chủ đầu tư không đăng ký nhu cầu sử dụng đất.

Không những thế, chiều cao của dự án này được xây dựng 25 tầng, vượt 10 tầng so với quy hoạch 1/200 đã ban hành trước đó của Ủy ban nhân dân quận Bình Tân. 

Tại chung cư thương mại số 38 đường Kim Biên và 88 đường Gò Công do Công ty Cổ phần Phát triển Địa ốc Sài Gòn 5 làm chủ đầu tư với diện tích 1.827m2 và hiện khu đất này được cho thuê làm bãi giữ xe.

Kết quả thanh tra cho thấy, Ủy ban nhân dân TP.HCM chấp thuận cho chuyển mục đích sử dụng đất và giao cho Công ty Cổ phần Phát triển địa ốc 5 làm chủ đầu tư xây dựng chung cư theo quy hoạch không thông qua đấu giá quyền sử dụng đất là không đúng quy định của pháp luật. Do chủ đầu tư chậm triển khai dự án, đề nghị  Ủy ban nhân dân TP.HCM xem xét thu hồi dự án theo quy định.

Một dự án khác cũng của Tổng công ty Địa ốc Sài Gòn làm chủ đầu tư là khách sạn cao cấp tại 458 Nguyễn Tất Thành, quận 4 có diện tích 5.950 m2. Đây là đất do Nhà nước quản lý và giao cho Sở Nhà đất TP.HCM (trước đây, nay được tách làm Sở Xây dựng và Sở Tài nguyên - Môi trường) quản lý.

Kết quả thanh tra cho thấy,  Ủy ban nhân dân TP.HCM chấp thuận chủ trương chuyển giao một số mặt bằng kho bãi cho Tổng công ty Địa ốc Sài Gòn - TNHH Một thành viên để hoàn vốn giai đoạn 1 Rạch Ụ Cây và giao Tổng công ty Địa ốc Sài Gòn tiếp tục chuyển mục đích sử dụng đất mặt bằng 458 Nguyễn Tất Thành không qua đấu giá là không đúng quy định…

Đến thời điểm thanh tra dự án chưa có quyết định giao đất, chưa xác định tiền sử dụng đất, chưa triển khai đầu tư xây dựng. Do đó Thanh tra Chính phủ kiến nghị  Ủy ban nhân dân TP.HCM rà soát, xem xét để xử lý thu hồi theo quy định của luật Đất đai.

Đối với dự án Khu nhà ở Phước Long B (quận 9), chủ đầu tư tự đền bù cho dân, với đơn vị sử dụng đất và giải phóng mặt bằng với tổng diện tích khu đất là hơn 9.000m2, dự án được tính tiền sử dụng đất theo phương pháp thặng dư. Qua thanh tra cho thấy, Uỷ ban nhân dân TP.HCM có các quyết định giao đất số 3852 (ngày 26/6/2011) với diện tích 2.180m2 và số 1400 (ngày 2/4/2004) với diện tích hơn 6.300m2 cho dự án khu nhà ở nhưng không có trong Kế hoạch sử dụng đất của thành phố giai đoạn 2001 - 2005 được Thủ tướng phê duyệt.

NHIỀU KHU CÔNG NGHIỆP TỰ THAY ĐỔI QUY HOẠCH

Ngoài ra, Thanh tra Chính phủ cũng chỉ ra nhiều sai phạm tại các khu công nghiệp trong thành phố. Theo đó, chủ đầu tư đã tự thay đổi quy hoạch, xây dựng không đúng quy hoạch, sử dụng đất sai mục đích, thu lợi bất hợp pháp, gây lãng phí, thất thoát tài sản nhà nước…

Cụ thể, các doanh nghiệp thuê đất trong các khu công nghiệp nhưng không khai thác, sử dụng, dẫn đến lãng phí hơn 53.000 m2 đất. Trong đó, khu công nghiệp Hiệp Phước của Công ty cổ phần Hùng Vương là gần 42.000 m2, khu công nghiệp Lê Minh Xuân của Công ty cổ phần đầu tư Việt Nam là hơn 7.200 m2, tại khu công nghiệp Tân Bình của Công ty trách nhiệm hữu hạn Nga Băng Cốc là 4.000 m2

 
Nhiều chủ đầu tư đã tự thay đổi quy hoạch, xây dựng không đúng quy hoạch, sử dụng đất sai mục đích, thu lợi bất hợp pháp, gây lãng phí, thất thoát tài sản nhà nước…

Tại khu công nghiệp Tây Bắc Củ Chi, Công ty thương mại Củ Chi và Công ty Cổ phần Bia rượu nước giải khát Sài Gòn (Sabeco) ký Hợp đồng số 04/HĐCT ngày 1/6/2004 thuê 50 ha để xây dựng và vận hành nhà máy sản xuất bia thời hạn 43 năm, Sabeco đã thanh toán toàn bộ số tiền thuê đất hơn 188 tỷ đồng. Tuy nhiên, đến thời điểm thanh tra, Sabeco mới đầu tư và sử dụng khoảng 26 ha, diện tích còn lại chưa đưa vào sử dụng trong suốt 9 năm nhưng không xin gia hạn thời gian sử dụng đất. Thanh tra Chính phủ xác định việc này đã vi phạm điều 15, Nghị định số 36/1997 của Chính phủ, gây lãng phí đất và tiền thuê đất đã thanh toán khoảng 18 tỷ đồng.

Tại khu công nghiệp Tân Tạo hiện hữu, chủ đầu tư là Công ty ITACO ký hợp đồng cho các doanh nghiệp, ngân hàng… thuê đất không đúng quy định được duyệt. Ban quản lý khu công nghiệp đồng ý điều chỉnh quy hoạch cho hơn 95.000 m2 đất không đúng thẩm quyền tại các khu đất được quy hoạch làm cây xanh, bến bãi…

Tại khu công nghiệp Tân Tạo mở rộng, chủ đầu tư cho 93 nhà đầu tư thuê đất lại đã thu về khoảng 1.041.953,2 triệu đồng và hơn 5,8 triệu USD trong giai đoạn trước ngày 1/7/2014 nhưng đến nay chưa thực hiện nghĩa vụ tài chính với nhà nước, gây thiệt hại cho ngân sách nhà nước...

Với khu công nghiệp Vĩnh Lộc, hơn 20 năm vẫn chưa xong giải phóng mặt bằng, chưa đầu tư xây dựng hoàn chỉnh hạ tầng Khu công nghiệp theo quy hoạch chi tiết được phê duyệt, mà chỉ đầu tư từng hạng mục công trình để cho thuê.

Chưa kể, chủ đầu tư đã và đang sử dụng một số khu đất không đúng mục đích so với quy hoạch được duyệt, dùng một phần đất kho tàng cho Công ty thuốc lá Bến Thành thuê xây dựng nhà máy sản xuất, sử dụng đất cây xanh xây dựng nhà máy xử lý nước thải... Cho Công ty Cổ phần Hoàng Quỳnh xây dựng nhà máy bia công suất 100 triệu lít/năm nhưng không có giấy phép xây dựng, xây dựng không đúng với các tiêu chí quy hoạch được duyệt... 

Những vi phạm này đã tồn tại trong thời gian dài, nhưng chưa được các cơ quan chức năng ở TP.HCM kiểm tra, xử lý kịp thời. Do đó, Thanh tra Chính phủ kiến nghị Ủy ban nhân dân TP.HCM có biện pháp giải quyết đối với đơn vị, cá nhân doanh nghiệp có vi phạm, truy thu tiền sử dụng đất, thu hồi các khoản thu không hợp pháp, yêu cầu chủ đầu tư triệt để khắc phục các sai phạm.

Thanh tra Chính phủ cũng kiến nghị Thủ tướng giao Ủy ban nhân dân TP.HCM chỉ đạo và tổ chức kiểm điểm trách nhiệm và xử lý theo thẩm quyền đối với tập thể, cá nhân có liên quan. Trường hợp vượt thẩm quyền hoặc có dấu hiệu hình sự thì báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét, xử lý theo quy định.