06:00 30/10/2021

TP.HCM phát huy thế mạnh để phục hồi du lịch

Xuân Nghi

Chương trình tham quan đường sông Bạch Đằng – Cần Giờ là sản phẩm mới của ngành du lịch TP.HCM sau thời gian dài tạm dừng hoạt động để phòng chống dịch bệnh...

Chương trình tham quan đường sông Bạch Đằng – Cần Giờ là sản phẩm mới của ngành du lịch TP.HCM.
Chương trình tham quan đường sông Bạch Đằng – Cần Giờ là sản phẩm mới của ngành du lịch TP.HCM.

Chương trình tham quan đường sông tuyến Bạch Đằng đi Cần Giờ là tour du lịch thí điểm nằm trong kế hoạch phục hồi du lịch TP.HCM trong điều kiện thích ứng an toàn Covid-19, vừa được tái khởi động. Cùng với đó, TP.HCM đã liên kết khôi phục hoạt động du lịch giữa TP.HCM với các tỉnh miền Trung gồm Khánh Hòa, Phú Yên và Bình Định, trong điều kiện tương tự.

TÁI KHỞI ĐỘNG TOUR DU LỊCH ĐƯỜNG SÔNG

Khởi hành từ bến Bạch Đằng – Trung tâm TP, từ trên tàu cao tốc, du khách thưởng thức cảnh quan hai bên bờ sông dọc theo quận 1, quận 4, quận 7 về hướng huyện Cần Giờ để trải nghiệm cảnh đẹp ở Thạnh An, Thiềng Liềng, Vàm Sát và các sản phẩm ẩm thực độc đáo riêng có của hệ sinh thái vùng ngập mặn.

Trong Kế hoạch 3404/KH-UBND về phục hồi ngành du lịch trong điều kiện thích ứng an toàn Covid-19 đến năm 2022, Ủy ban nhân dân TP.HCM đã xác định nguyên tắc “An toàn tới đâu thì mở cửa tới đó và mở cửa thì phải an toàn”. Theo đó, thị trường nội địa giữ vai trò chủ lực trong giai đoạn phục hồi ngành du lịch. Thành phố tập trung xây dựng nguồn nhân lực an toàn, điểm đến an toàn và dịch vụ du lịch an toàn trên địa bàn Thành phố. Chủ động kết nối với các tỉnh/thành để phát triển tuyển, điểm đến an toàn liên vùng.

Trong đó, giai đoạn 1 bắt đầu từ nay cho đến hết ngày 31/10/2021, Thành phố sẽ mở lại hoạt động du lịch nội vùng theo tiến trình kiểm soát dịch của các địa phương và chỉ mở trên địa bàn “vùng xanh”. Các địa điểm và sản phẩm du lịch nội vùng chủ yếu ở các huyện Củ Chi, Cần Giờ, một số điểm ở các quận nội thành như quận 5, quận 7…

Với du lịch nội vùng, Thành phố xác định du lịch đường sông là một thế mạnh, cũng là tiềm năng để phát triển sản phẩm du lịch đặc trưng riêng của Thành phố.

Du lịch đường sông là một trong những sản phẩm du lịch có tính an toàn và hấp dẫn cao không chỉ ở đích đến mà còn trên cả hành trình.
Du lịch đường sông là một trong những sản phẩm du lịch có tính an toàn và hấp dẫn cao không chỉ ở đích đến mà còn trên cả hành trình.

Bà Phan Thị Thắng, Phó chủ tịch Ủy ban nhân dân TP.HCM nhấn mạnh: Trong bối cảnh tất cả các hoạt động xã hội sẽ dần điều chỉnh theo hướng thích ứng để an toàn với Covid-19, du lịch đường sông là một trong những sản phẩm du lịch có tính an toàn và hấp dẫn cao khi du khách được hòa mình trong thiên nhiên, không chỉ ở đích đến mà còn trên cả hành trình với không khí trong lành, tươi mát của thời tiết sông, biển.

“Trong thời gian tới, khi Thành phố quay trở lại nhịp sống kinh tế xã hội nhộn nhịp bình thường, du lịch đường sông càng có ý nghĩa đặc biệt khi góp phần giảm tải cho giao thông đường bộ của Thành phố mà vẫn bảo đảm nhu cầu vui chơi, giải trí của người dân và du khách”, bà Thắng cho biết.

Sở Du lịch TP.HCM sẽ tiếp tục phối hợp với các quận, huyện và doanh nghiệp khai thác, xây dựng các chương trình tham quan bằng đường sông đi Cần Giờ 02 ngày 01 đêm, các chương trình tham quan theo hướng Bạch Đằng - Củ Chi kết nối với tỉnh Bình Dương, tuyến Bạch Đằng - Quận 7 - Cần Giờ… nhằm đa dạng hóa sản phẩm phục vụ cho du khách theo điều kiện thích ứng an toàn với Covid-19, và theo lộ trình khôi phục hoạt động du lịch theo kế hoạch 3404/KH-UBND.

KẾT NỐI TOUR NGOẠI TỈNH VỚI CÁC TỈNH MIỀN TRUNG

Mới đây, nhằm tiếp tục hỗ trợ các doanh nghiệp tái khởi động lại các hoạt động du lịch, Ủy ban dân dân TP.HCM đã có chuyến công tác và làm việc với Uỷ ban nhân dân các tỉnh miền Trung là Khánh Hòa, Phú Yên, Bình Định về liên kết khôi phục hoạt động du lịch giữa TP.HCM với ba địa phương nói trên trong điều kiện thích ứng an toàn với dịch Covid-19.

 
Việc tái khai thác 19 đường bay chở khách, trong đó các chặng 2 chiều giữa TP.HCM với ba miền Trung này đã tạo điều kiện đặc biệt quan trọng cho việc liên kết, kết nối du lịch giữa TP.HCM với các địa phương.

Tại các buổi làm việc này, Phó chủ tịch Ủy ban nhân dân TP.HCM Phan Thị Thắng đã nhấn mạnh: Trong bối cảnh mới của ngành du lịch, trong điều kiện thích ứng an toàn với dịch bệnh Covid-19, Uỷ ban nhân dân TP.HCM đề nghị các địa phương tiếp tục phát huy các nội dung của liên kết; trong đó tập trung cho công tác phối hợp tổ chức các hoạt động quảng bá, xúc tiến du lịch nhằm giới thiệu đến du khách các sản phẩm du lịch đặc sắc và an toàn của các địa phương, nhất là khi ngành du lịch Thành phố vừa công bố 366 tài nguyên du lịch và vận hành phiên bản nâng cấp hiện đại của website du lịch TP.HCM.

Bà Thắng cũng cho biết, công tác phối hợp tổ chức đào tạo và đào tạo lại nguồn nhân lực du lịch phù hợp và thích ứng với điều kiện hoạt động mới cũng cần được chú trọng đẩy mạnh để đảm bảo cho việc khôi phục và phát triển hoạt động du lịch bền vững, an toàn.

TP.HCM và ba tỉnh Khánh Hòa, Phú Yên, Bình Định đã thống nhất chính thức mở lại chương trình du lịch kết nối từ ngày 01/11/2021.
TP.HCM và ba tỉnh Khánh Hòa, Phú Yên, Bình Định đã thống nhất chính thức mở lại chương trình du lịch kết nối từ ngày 01/11/2021.

Lãnh đạo các tỉnh miền Trung cũng khẳng định, việc liên kết với TP.HCM là hết sức quan trọng, đặc biệt đây là thị trường khách nội địa lớn, cũng là thị trường đưa khách quốc tế lớn nhất nước trước đây và sau này, khi dịch bệnh được hoàn toàn kiểm soát và mở cửa quốc tế. Trên cơ sở đó, lãnh đạo TP.HCM và ba tỉnh Khánh Hòa, Phú Yên, Bình Định đã thống nhất chính thức mở lại chương trình du lịch kết nối giữa TP.HCM và từng địa phương từ ngày 01/11/2021.

Các bên sẽ nghiên cứu xây dựng, tổ chức các chương trình du lịch kết nối từ TP.HCM và 3 tỉnh Khánh Hòa, Phú Yên, Bình Định và sẽ tiếp tục trao đổi với các địa phương khác trong khu vực để kết nối đa phương, tạo sản phẩm liên vùng thật sự đa dạng, hấp dẫn cho khách du lịch.

Lãnh đạo bốn địa phương nói trên đã thống nhất khung chương trình liên kết hợp tác trong thời gian tới. Cụ thể: Chú trọng đẩy mạnh công tác hợp tác trao đổi kinh nghiệm trong công tác quản lý nhà nước về du lịch; xây dựng và phát triển sản phẩm, dịch vụ du lịch phù hợp các thị trường (khách quốc tế đến và khách du lịch nội địa); phát huy thế mạnh và kết nối thuận lợi phương tiện hàng không và đường sắt phục vụ du lịch đến các địa phương; tăng cường công tác quảng bá điểm đến du lịch của các địa phương để thu hút khách du lịch; phát huy vai trò của hiệp hội du lịch các địa phương và hệ sinh thái doanh nghiệp du lịch của các địa phương để liên kết hiệu quả, chất lượng…