13:18 20/03/2022

TP.HCM sẵn sàng đón du khách quốc tế hậu Covid-19

Hoài Niệm

Sau gần hai năm “đóng cửa” vì dịch Covid-19, ngành du lịch TP.HCM sẽ bắt đầu mở cửa từ ngày 15/3 tới và hiện các đơn vị du lịch, lữ hành đang chuẩn bị sẵn sàng để chào đón du khách quốc tế quay trở lại…

TP.HCM đặt mục tiêu năm 2022 đón 3,5 triệu lượt du khách quốc tế và 25 triệu lượt du khách nội địa.
TP.HCM đặt mục tiêu năm 2022 đón 3,5 triệu lượt du khách quốc tế và 25 triệu lượt du khách nội địa.

Ngành du lịch TP.HCM cho đến thời điểm hiện nay đã và đang xây dựng, làm mới nhiều chương trình tham quan, bảo đảm an toàn đón khách quốc tế trở lại thành phố sau hai năm “đóng cửa” vì dịch Covid-19.

MỌI THỨ ĐÃ SẴN SÀNG!

Bà Nguyễn Thị Ánh Hoa, Giám đốc Sở Du lịch TP.HCM cho biết, hiện ngành du lịch Thành phố tập trung thu hút khách quốc tế bằng cách đẩy mạnh các chương trình truyền thông điểm đến thông qua các kênh truyền thông trong nước, quốc tế, cũng như kênh trực tuyến, mạng xã hội,… nhằm quảng bá sâu rộng du lịch của Thành phố qua điểm đến, vùng đất, con người, bản sắc văn hóa, sản phẩm và ẩm thực TP.HCM.

TP.HCM dự kiến sẽ đón khoảng 3 triệu rưỡi lượt khách quốc tế đến tham quan. “Việc Thành phố triển khai đón khách quốc tế hiệu quả sẽ giúp kích hoạt ngành du lịch cả nước thực sự hồi sinh. Thành phố đang kiến nghị Chính phủ, các bộ/ngành liên quan xem xét cơ chế riêng cho Thành phố”, bà Ánh Hoa thông tin.

Trong ngày 14/3, Sở Du lịch TP.HCM tiếp tục đàm phán với các đơn vị liên quan về việc khai thác tour du lịch tham quan TP.HCM bằng máy bay trực thăng dành cho du khách cao cấp. Nội dung cụ thể về giá cả, lộ trình tours… sẽ công bố khi các bên thống nhất bằng văn bản. Theo lãnh đạo một công ty lữ hành, ước tính chi phí 1 giờ bay khoảng 10.000 USD, tính ra giá tours khoảng 20 triệu đồng/khách cho 45 phút bay trực thăng.

TP.HCM với lợi thế về hệ thống sông và kênh rạch nội đô khá thuận lợi, ngành du lịch Thành phố đã cùng cùng các doanh nghiệp khai thác sản phẩm gắn với đường thủy, như tours tàu Bạch Đằng đi Củ Chi, Cần Giờ; chương trình du lịch trên tuyến kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè, hoạt động chèo SUP (Standup Paddle Board - lướt ván đứng) khu vực Thanh Đa (Q.Bình Thạnh), quận 7, huyện Cần Giờ; trực thăng ngắm thành phố từ trên cao; tàu cao tốc đi Côn Đảo... Vì vậy, bên cạnh tours truyền thống, Thành phố sẽ khai thác thêm và đa dạng hóa các tours đáp ứng nhu cầu và tâm lý của du khách có xu hướng tham quan, nghỉ dưỡng ở những khu vực gần với thiên nhiên, không gian xanh.

Trước đó, Thành phố đã ban hành kế hoạch phát triển du lịch với hai giai đoạn, trong đó giai đoạn 1 từ tháng 01/2022 đến hết 31/3/2022, TP.HCM sẽ đón khách quốc tế đến các địa phương được Thủ tướng Chính phủ cho phép. Giai đoạn 2 từ tháng 4 trở đi, sẽ mở rộng việc đón khách quốc tế dựa trên tình hình chung của cả nước và khu vực, đưa khách đến tham quan các điểm phù hợp.

Để chuẩn bị cho việc chào đón du khách quốc tế đến TP.HCM, ngành du lịch Thành phố đã chuẩn bị các điều kiện về cơ sở vật chất, lưu trú, bảo đảm chất lượng và an toàn cho du khách. Hiện với khoảng 34 khách sạn trên 6.800 phòng đủ các tiêu chuẩn từ bình dân đến cao cấp, an toàn phòng chống dịch bệnh Covid-19, như InterContinental Saigon, Windsor Plaza Hotel, Liberty Central Saigon Center, Ramana Saigon, Continental Hotel, Caravelle Hotel,… 

PHẢI BẢO ĐẢM AN TOÀN PHÒNG, CHỐNG DỊCH

Bà Nguyễn Thị Huỳnh Mai, Chánh văn phòng Sở Y tế TP.HCM cho biết đang chủ động phối hợp cùng Sở Du lịch để thẩm định các tiêu chí an toàn đối với các cơ sở cung cấp dịch vụ. Công tác giám sát dịch Covid-19 cũng sẽ được siết chặt nhằm kịp thời phát hiện những trường hợp nhiễm Covid-19 nhập cảnh và nguy cơ xâm nhập của biến chủng Omicron.

Theo hướng dẫn mới của Bộ Y tế đối với người nhập cảnh có kết quả xét nghiệm âm tính với SARS-CoV-2, người nhập cảnh theo đường hàng không, cần có kết quả xét nghiệm âm tính với SARS-CoV-2 bằng phương pháp RT-PCR trong vòng 72 giờ hoặc trong vòng 24 giờ nếu test nhanh (trừ trẻ em dưới 2 tuổi) trước khi vào Việt Nam và được cơ quan có thẩm quyền của nước thực hiện xét nghiệm cấp chứng nhận. Sau khi nhập cảnh Việt Nam, không cần xét nghiệm SARS-CoV-2 nhưng tiếp tục thực hiện các biện pháp phòng chống dịch Covid-19 như người đã và đang lưu trú tại Việt Nam. 

Đối với người nhập cảnh theo các đường khác (đường bộ, tàu thủy, đường sắt…), nếu đã có kết quả xét nghiệm âm tính với virus SARS-CoV-2 thì thực hiện các biện pháp phòng chống dịch như đối với người nhập cảnh theo đường hàng không. Nếu chưa có kết quả xét nghiệm âm tính với virus SARS-CoV-2 thì thực hiện xét nghiệm virus SARS-CoV-2 trong vòng 24 giờ đầu bằng phương pháp RT-PCR, hoặc test nhanh kể từ khi nhập cảnh. 

Theo ông Đoàn Văn Việt, Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, ngành du lịch TP.HCM với vai trò dẫn dắt cần tiếp tục đẩy mạnh xã hội hóa, huy động mọi nguồn lực cả trong và ngoài nước đầu tư phát triển du lịch. TP.HCM cần tham mưu các cấp có thẩm quyền ban hành chính sách ưu đãi, khuyến khích đầu tư trong lĩnh vực du lịch.

Năm 2022, ngành du lịch Việt Nam phấn đấu đón 65 lượt triệu khách du lịch. Trong đó, khoảng 5 triệu lượt khách quốc tế, khoảng 60 triệu lượt khách du lịch nội địa, bằng 150% so với năm 2021, tổng nguồn thu từ khách du lịch dự kiến đạt 400.000 tỷ đồng.

TP.HCM hiện là một trong tám tỉnh, thành phố được triển khai thí điểm đón du khách quốc tế trước khi mở cửa vào 15/3/2022. Kế hoạch, trong năm 2022, du lịch TP.HCM đặt mục tiêu đón 3,5 triệu lượt khách quốc tế, khách nội địa đạt 25 triệu lượt, tăng 66,66% so cùng kỳ.