08:42 07/09/2021

TP.HCM sẽ nới lỏng giãn cách dựa trên nguyên tắc an toàn dịch bệnh

Minh Tâm

Trong chương trình livestream “Dân hỏi - Thành phố trả lời”, Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi đã chia sẻ trong thời gian sắp tới, tùy theo tình hình dịch bệnh mà thành phố sẽ nới lỏng hoặc thắt chặt; phải chuẩn bị, mở từng bước phù hợp với tình hình dịch bệnh, đảm bảo an toàn cho người dân…

Livestream “Dân hỏi – Thành phố trả lời” số đặc biệt tối ngày 6/9/2021
Livestream “Dân hỏi – Thành phố trả lời” số đặc biệt tối ngày 6/9/2021

Tối 6/9, chương trình livestream “Dân hỏi - Thành phố trả lời” số đặc biệt với sự tham dự của Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi trực tiếp đối thoại, đã thông tin tới người dân về những định hướng, kế hoạch của thành phố trong công tác phòng, chống dịch Covid-19 sau ngày 15/9.

 

Sau 15/9, TP.HCM sẽ nới lỏng giãn cách trên nguyên tắc an toàn dịch bệnh; phải chuẩn bị, mở từng bước phù hợp với tình hình dịch bệnh, đảm bảo an toàn cho người dân.

Tại Chương trình, người đứng chính quyền đầu thành phố đã chia sẻ nhiều thông tin liên quan đến các câu hỏi của người dân về công tác an sinh, lộ trình nới lỏng giãn cách xã hội, vaccine và công tác tiêm vaccine, giải pháp của thành phố hỗ trợ người dân, doanh nghiệp phục hồi sau đại dịch…

Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi, nhấn mạnh: "TP.HCM nới lỏng giãn cách dựa trên nguyên tắc an toàn dịch bệnh, an toàn tới đâu mở tới đó. Thời gian sắp tới, tùy theo tình hình dịch bệnh mà nới lỏng hoặc thắt chặt; phải chuẩn bị, mở từng bước phù hợp với tình hình dịch bệnh, đảm bảo an toàn cho người dân."

Rất nhiều người dân thành phố quan tâm khi nào TP.HCM nới lỏng giãn cách? Vì sao TP.HCM giãn cách nhiều mà dịch bệnh vẫn chưa được kiểm soát?...

Người đứng đầu chính quyền thành phố, chia sẻ: Khi nào TP.HCM nới nỏng giãn cách là mối quan tâm nhất hiện nay của không chỉ người dân thành phố mà còn của nhân dân cả nước, lãnh đạo Trung ương và bạn bè quốc tế. Tuy nhiên, việc thành phố nới lỏng hay thắt chặt giãn cách sau ngày 15/9 tùy thuộc vào diễn biến của dịch bệnh. TP.HCM đặt mục tiêu kiểm soát dịch trước 15/9 và vẫn đang tập trung quyết liệt để đạt được mục tiêu này thông qua việc đẩy nhanh tiến độ xét nghiệm để bóc tách F0 ra khỏi cộng đồng; phát hiện F0 để kịp thời chăm sóc, điều trị; nâng mức bao phủ vaccine cho người dân; nâng cao năng lực điều trị để giảm các ca diễn tiến nặng và tỷ lệ ca tử vong.

 

TP.HCM đang xây dựng gói hỗ trợ theo định mức từng người tùy theo diễn biến dịch bệnh và khả năng ngân sách thành phố sau 15/9.

Liên quan đến vấn đề an sinh, chăm lo đời sống người dân, nhất là người nghèo, người yếu thế…, vấn đề được nhiều người dân quan tâm và đặt câu hỏi trực tiếp, Chủ tịch UBND TP.HCM khẳng định: “Quan điểm của thành phố là những ai thất nghiệp, khó khăn, không có thu nhập do ảnh hưởng của dịch Covid-19 đều được hỗ trợ. Cùng với gói hỗ trợ số 1 và số 2, thành phố cũng triển khai hỗ trợ gạo, túi an sinh để phần nào giúp người dân vượt qua khó khăn trước mắt. Đến nay, thành phố đã chi hỗ trợ khoảng 6.000 tỷ đồng (bao gồm gần 4.800 tỷ đồng từ ngân sách thành phố và 1.200 tỷ đồng từ nguồn xã hội hóa); trao hơn 1,6 triệu túi an sinh đến người dân; hỗ trợ gạo theo mức phân bổ của Trung ương…”.

Tuy nhiên thực tế, các gói hỗ trợ này là không thể đủ cho người dân. Bên cạnh đó, đối với địa phương hơn 10 triệu dân như TP.HCM, sự bao quát đôi lúc còn thiếu sót, nên việc triển khai đến tận từng người dân cần được hỗ trợ đôi lúc, đôi chỗ còn chậm trễ, chưa hợp lý. Thay mặt lãnh đạo TP.HCM, Chủ tịch Phan Văn Mãi nghiêm túc nhìn nhận thiếu sót này với người dân và bày tỏ mong muốn người dân chia sẻ, cảm thông. Những ai chưa được nhận, đủ điều kiện nhưng chưa có trong danh sách để nhận lập tức liên hệ với chính quyền phường, xã, thị trấn để được cập nhật, bổ sung.

Ngoài ra, trong thời gian tới (sau 15/9), thành phố đang xây dựng gói hỗ trợ theo định mức từng người tùy theo diễn biến dịch bệnh và khả năng ngân sách thành phố; đồng thời, hỗ trợ gạo với mức khoảng 15kg/tháng/người; túi an sinh; vận động giảm/miễn tiền nhà trọ; hỗ trợ tiền điện, tiền nước…

Đối với các doanh nghiệp vừa và nhỏ, TP.HCM đã đề nghị Ngân hàng Nhà nước xem xét có các gói hỗ trợ như giảm lãi suất, khoanh nợ, giảm lãi gói vay mới…; đồng thời phối hợp với Hiệp hội Doanh nghiệp TP.HCM để đối thoại với các doanh nghiệp cùng tìm giải pháp phù hợp. Thành phố cũng sẽ triển khai Chương trình hỗ trợ tín dụng đặc biệt như vay kích cầu, hỗ trợ về mặt bằng, điện nước… để hỗ trợ một phần khó khăn cho các doanh nghiệp trên địa bàn.

Dịp này, Chủ tịch UBND TP.HCM trân trọng và gửi lời cảm ơn sâu sắc đến Trung ương, chính quyền và người dân các tỉnh, thành trong cả nước, các tổ chức và cá nhân trong và ngoài nước luôn hướng về và kịp thời hỗ trợ vật chất, tinh thần cho TP.HCM; cảm ơn những hy sinh, nỗ lực và quyết tâm của lực lượng tuyến đầu đang ngày đêm chiến đấu với dịch bệnh, vì sự an toàn và tính mạng của người dân thành phố; cảm ơn sự chung sức, đồng lòng và ủng hộ của người dân để cùng với thành phố quyết tâm khống chế dịch bệnh, sớm đưa TP.HCM trở lại trạng thái bình thường mới.

 

TP.HCM KÊU GỌI NGƯỜI F0 KHỎI BỆNH THAM GIA CHỐNG DỊCH COVID-19

UBND TP.HCM ban hành kế hoạch số 2975/KH-UBND về việc vận động, tuyên truyền và tiếp nhận tình nguyện viên là người F0 đã khỏi bệnh tham gia công tác phòng, chống dịch Covid-19 trên địa bàn thành phố.

Kêu gọi F0 đã khỏi bệnh tham gia chống dịch có hỗ trợ phí từ Hội doanh nhân trẻ Việt Nam
Kêu gọi F0 đã khỏi bệnh tham gia chống dịch có hỗ trợ phí từ Hội doanh nhân trẻ Việt Nam

Trước tình hình dịch bệnh Covid-19 tại TP.HCM vẫn còn đang diễn biến phức tạp, lực lượng tham gia hỗ trợ tại các cơ sở cách ly và các bệnh viện điều trị Covid-19 gặp nhiều khó khăn trong công tác tuyển dụng, gây ảnh hưởng không nhỏ đến công tác chăm sóc người bệnh Covid-19.

Theo Kế hoạch này, UBND TP.HCM giao Sở Thông tin và Truyền thông phối hợp, chỉ đạo các cơ quan báo, đài Thành phố tăng cường truyền thông trên các phương tiện thông tin đại chúng về chủ trương, ý nghĩa của chương trình, đầu mối thông tin liên lạc để đăng ký tham gia.

Sở Y tế chịu trách nhiệm tổng hợp nhu cầu từ các đơn vị, cơ sở y tế, bệnh viện điều trị Covid-19, báo cáo UBND TP.HCM về nhu cầu tuyển dụng. Triển khai xét nghiệm kháng thể kháng vi rút SARS-CoV-2 cho tình nguyện viên, khám sức khỏe, tổ chức tập huấn phòng ngừa và kiểm soát lây nhiễm SARS-CoV-2 và quy trình chăm sóc người bệnh.

Tính từ ngày 1/8 đến ngày 1/9, số trường hợp F0 đã hoàn thành thời gian cách ly là hơn 87.000 trường hợp, trong đó có hơn 54.000 người trong độ tuổi lao động. Thành phố đánh giá đây là lực lượng lao động rất quý, việc tham gia hỗ trợ của các trường hợp F0 khỏi bệnh góp phần tăng cường, huy động nguồn lực phòng chống dịch bệnh, phù hợp với truyền thống “tương thân tương ái" của dân tộc Việt Nam.

Với quyết tâm cao khống chế dịch bệnh theo chỉ đạo của Chính phủ trong thời gian tới, UBND TP.HCM khuyến khích người F0 đã khỏi bệnh (tình nguyện viên) có đủ các điều kiện sau tham gia công tác phòng, chống dịch Covid-19. Cụ thể, người F0 đã khỏi bệnh và hoàn thành thời gian cách ly 14 ngày tại nhà theo quy định Bộ Y tế, tự nguyện tham gia công tác phòng, chống dịch; Đủ sức khỏe lao động, không trong thời gian mang thai hoặc nghi hậu sản; trong độ tuổi lao động; Có kháng thể kháng vi rút SARS-COV-2 đối với người F0 khỏi bệnh trong vòng 6 tháng hoặc đã tiêm đủ 2 mũi vắc xin đối với người F0 khỏi bệnh hơn 6 tháng.

Trong thời gian từ ngày 10/9 đến ngày 31/12, tình nguyện viên đăng ký tham gia phòng, chống dịch Covid-19 tại Phòng Tổ chức cán bộ, Sở Y tế TP.HCM, số điện thoại 0907.574.269 hoặc 028.39309967.