15:31 08/06/2021

TP.HCM sẽ thử nghiệm hệ thống thu phí hạ tầng cảng biển

Anh Tú

Hệ thống thu phí hạ tầng cảng biển tự động tại TP.HCM sẽ được chạy thử nghiệm vào giữa tháng 6, tạo nguồn thu 3.000 tỷ đồng/năm "cứu" hạ tầng giao thông kết nối quanh cảng biển...

 Chiếm 90% lượng container vào TP.HCM, đường dẫn vào khu vực cảng Tân Cảng - Cát Lái luôn trong tình trạng kẹt cứng
Chiếm 90% lượng container vào TP.HCM, đường dẫn vào khu vực cảng Tân Cảng - Cát Lái luôn trong tình trạng kẹt cứng

Sở Giao thông Vận tải TP.HCM vừa cho biết, giữa tháng 6, Sở sẽ triển khai thử nghiệm hệ thống thu phí hạ tầng cảng biển, trước khi thu phí từ ngày 1/7/2021.

Theo Nghị quyết số 10/2020/NQ- HĐND ngày 09/12/2020 về mức thu phí sử dụng công trình kết cấu hạ tầng, công trình dịch vụ tiện ích công cộng trong khu vực cửa khẩu cảng biển trên địa bàn TP.HCM do Hội đồng Nhân dân TP.HCM ban hành, mức thu phí hạ tầng cảng biển thấp nhất là 15.000 đồng mỗi tấn và cao nhất 4,4 triệu đồng với container 40 feet.

 
Toàn bộ quá trình thu phí sẽ không dùng tiền mặt, mà thanh toán qua hệ thống điện tử 24/7 của các ngân hàng thương mại hoặc các ví điện tử và triển khai thu phí tại 26 cảng biển trên địa bàn TP.HCM như cảng Cát Lái, cảng Hiệp Phước…
Với lượng hàng hóa năm 2019 hơn 170 triệu tấn, dự kiến thành phố thu hơn 3.000 tỷ đồng mỗi năm.

Toàn bộ số tiền thu được sẽ nộp vào ngân sách; số tiền trích lại cho đơn vị tổ chức thu phí tối đa không quá 1,5%. Việc thu phí nhằm tạo nguồn thu hoàn thiện đường xung quanh cảng, giảm ùn tắc, tai nạn giao thông.

Đồng thời, tăng năng lực vận chuyển hàng hoá góp phần phát triển kinh tế thành phố. Hiện nay, hệ thống cảng biển ở TP.HCM xếp thứ nhất cả nước về quy mô, năng lực vận tải và mang tiềm năng rất lớn.

Hiện, Cảng vụ đường thủy nội địa đã tổ chức tuyên truyền cho doanh nghiệp, người dân nắm rõ thông qua các cẩm nang để hướng dẫn thực hiện, mục đích cũng như hiệu quả thu phí…

Dự báo đến năm 2030, sản lượng hàng hóa tăng lên 236,9 triệu tấn. Tuy nhiên, theo Sở Giao thông vận tải TP.HCM, hiện các tuyến đường chính ra vào cảng chưa được đầu tư xây dựng hoàn chỉnh theo quy hoạch, kéo giảm tốc độ, hạn chế khả năng lưu thông hàng hóa. 

"Trong điều kiện nguồn vốn ngân sách có hạn, các dự án đối tác công tư PPP chưa thu hút nhà đầu, tư thì việc có thêm nguồn thu phí để tái đầu tư các dự án hạ tầng rất cần thiết", Sở Giao thông TP.HCM cho hay. Số tiền thu phí dùng để đầu tư vả bảo trì cho các tuyến đường kết nối vào cảng biển TP.HCM, giúp giảm ùn tắc, giảm tình trạng quá tải các tuyến ra vào cảng biển gây ảnh hưởng đến sự phát triển của hệ thống cảng biển.

Đồng thời, giúp doanh nghiệp rút ngắn thời gian vận chuyển, giảm chi phí logistic, tăng năng lực cạnh tranh hàng hóa xuất nhập khẩu trên địa bàn thành phố.

 

Sở Giao thông vận tải TP.HCM đề xuất UBND Thành phố xem xét ưu tiên nguồn lực để đầu tư 6 dự án quan trọng góp phần giảm ùn tắc, thông đường vào cảng với tổng mức đầu tư 27.000 tỷ đồng. 

Bao gồm dự án nút giao Mỹ Thủy, TP.Thủ Đức đang triển khai; 2 dự án khép kín đường Vành đai 2, đoạn từ cầu Phú Hữu đến Xa lộ Hà Nội và đoạn 2 từ ngã tư Bình Thái đến Phạm Văn Đồng; dự án mở rộng đường Võ Chí Công; nâng cấp, mở rộng đường Nguyễn Duy Trinh; xây dựng đường liên cảng Cát Lái - Phú Hữu; Xây mới cầu Thủ Thiêm 4.