16:45 10/05/2023

TP. Hồ Chí Minh cùng 32 bộ, cơ quan trung ương giải ngân với tốc độ "rùa bò" dưới 5%

Trâm Anh

Theo báo cáo của Bộ Tài chính, tính đến hết tháng 4, có tới 32/52 bộ, cơ quan trung ương và còn duy nhất một địa phương giải ngân vô cùng thấp, đạt dưới 5% kế hoạch, kéo lùi tốc độ giải ngân của cả nước...

Tính đến cuối tháng 4, TP. Hồ Chí Minh mới giải ngân đạt 3,48%, trong khi nhiều địa phương giải ngân cao đến 40%.
Tính đến cuối tháng 4, TP. Hồ Chí Minh mới giải ngân đạt 3,48%, trong khi nhiều địa phương giải ngân cao đến 40%.

Báo cáo gửi Thủ tướng Chính phủ của Bộ Tài chính cho biết, ước giải ngân kế hoạch vốn 4 tháng đầu năm 2023 đạt 14,66% kế hoạch. Nếu so với kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao thì tỷ lệ giải ngân đạt 15,65%, thấp hơn so với cùng kỳ năm 2022 (18,48%).

Trong đó, vốn trong nước đạt 16,03%, thấp hơn cùng kỳ năm 2022 (19,57%), trong khi đó, vốn nước ngoài đạt 6,28%, nhỉnh hơn tỷ lệ giải ngân cùng kỳ năm 2022 (3,25%).

GIẢI NGÂN "Ì ẠCH" DƯỚI 5% ĐA PHẦN LÀ CÁC BỘ, CƠ QUAN TRUNG ƯƠNG

Cũng theo báo cáo của Bộ Tài chính, có 3 bộ và 19 địa phương có tỷ lệ giải ngân đạt trên 20%. Một số bộ, địa phương có tỷ lệ giải ngân đạt cao so với kế hoạch Thủ tướng giao gồm: Đồng Tháp (40,57%), Bến Tre (37,8%), Ban Quản lý Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh (36,66%), Tiền Giang (36,31%), Phú Thọ (33,19%).

 

Tuy nhiên, có 47/52 bộ, cơ quan trung ương và 27/63 địa phương có tỷ lệ giải ngân đạt dưới 15%. Trong đó có 32 bộ, cơ quan trung ương và 1 địa phương (TP. Hồ Chí Minh) giải ngân đạt dưới 5% kế hoạch. Đáng báo động, còn 9 bộ, cơ quan trung ương vẫn chưa giải ngân đồng nào như: Uỷ ban dân tộc, Kiểm toán nhà nước...

Trong tháng 4 vừa qua, lãnh đạo Chính phủ tổ chức các đoàn kiểm tra, đôn đốc, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công năm 2023 tại các bộ, cơ quan trung ương và địa phương.

Kết quả cho thấy một số vấn đề tồn tại, khó khăn vướng mắc ảnh hưởng đến công tác giải ngân như: các bộ, cơ quan trung ương và các địa phương đang tập trung triển khai phân bổ chi tiết kế hoạch vốn cho các dự án; hoàn thiện thủ tục đầu tư, tập trung thực hiện công tác đấu thầu lựa chọn nhà thầu xây lắp.

Cùng với đó, một số dự án có nhu cầu thực hiện chuẩn bị đầu tư trong năm 2023 nhưng không được bố trí vốn vì trong kế hoạch trung hạn giai đoạn 2021-2025 được phê duyệt không tách riêng vốn chuẩn bị đầu tư và vốn thực hiện dự án. Do vậy, dự án không có vốn để thực hiện công tác chuẩn bị đầu tư, ảnh hưởng đến tiến độ phê duyệt dự án đầu tư.

Bên cạnh đó, một số nhiệm vụ chuẩn bị đầu tư còn chậm do vướng mắc về thủ tục đất đai, điều chỉnh quy hoạch chi tiết khu đất xây dựng; công tác giải phóng mặt bằng chưa được chủ đầu tư chú trọng triển khai ngay từ khi dự án được cấp có thẩm quyền phê duyệt; đồng thời, chủ đầu tư chưa chủ động ngay từ khâu triển khai thực hiện dự án dẫn đến làm chậm tiến độ giải ngân.

Một số vướng mắc khác cũng được ghi nhận do giá vật liệu xây dựng tăng cao, hay vướng mắc từ quy định về an toàn phòng cháy chữa cháy, bảo vệ môi trường và quy định về phương án thiết kế đối với dự án không có cấu phần xây dựng.

Về tình hình thực hiện chế độ báo cáo, Báo cáo của Bộ Tài chính cho biết, tại Thông tư số 15/2021/TT-BTC của Bộ Tài chính quy định về chế độ và biểu mẫu báo cáo tình hình thực hiện, thanh toán vốn đầu tư công (có hiệu lực thi hành từ ngày 05/4/2021), trong đó quy định: “Trước ngày 15 của tháng báo cáo, các bộ, cơ quan trung ương, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh báo cáo tình hình thực hiện và thanh toán vốn đầu tư công hằng tháng theo Mẫu số 01/TTKHN và các biểu mẫu kèm theo Thông tư này gửi Bộ Tài chính”.

Tuy nhiên, đến thời điểm báo cáo, Bộ Tài chính mới nhận được báo cáo định kỳ tình hình giải ngân tháng 4 của 16/52 bộ, cơ quan trung ương và 52/63 địa phương.

ĐẨY NHANH GIẢI NGÂN VỐN ĐẦU TƯ CÔNG

Để đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công, Bộ Tài chính đề nghị Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư có hướng dẫn cụ thể về điều kiện bố trí vốn chuẩn bị đầu tư trong kế hoạch đầu tư công trung hạn và hằng năm để các bộ, cơ quan trung ương và địa phương có cơ sở thống nhất thực hiện; kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các bộ, cơ quan trung ương và các địa phương thực hiện nghiêm chế độ báo cáo theo quy định.

Đối với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, cần sớm hoàn thiện hồ sơ trình, báo cáo Thường trực Chính phủ về việc kéo dài thời gian thực hiện và thanh toán vốn đầu tư công nguồn ngân sách nhà nước năm 2022 sang năm 2023 cho các bộ, cơ quan trung ương và địa phương theo chỉ đạo.

Bộ Tài chính cũng đề nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với Bộ Giao thông vận tải báo cáo cấp có thẩm quyền giao kế hoạch vốn từ nguồn tăng thu, cắt giảm, tiết kiệm chi ngân sách trung ương năm 2021 cho các dự án thành phần để thực hiện.

Đối với các bộ, cơ quan trung ương và địa phương, Bộ Tài chính đề nghị thực hiện theo Chỉ thị số 08/CT-TTg ngày 23/3/2023 của Thủ tướng Chính phủ về các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm đẩy mạnh phân bổ, giải ngân vốn đầu tư công, 3 Chương trình mục tiêu quốc gia năm 2023, để đôn đốc việc phân bổ và giải ngân kế hoạch đầu tư công vốn ngân sách nhà nước năm 2023.

Trong tháng 4 vừa qua, Bộ Tài chính ban hành công văn số 3593/BTC-ĐT ngày 14/4/2023 gửi các bộ, cơ quan trung ương và địa phương, trong đó đề xuất nhiều giải pháp cụ thể đối với các bộ, cơ quan trung ương và địa phương và cơ quan kiểm soát thanh toán vốn về việc tăng cường quản lý, thanh toán để đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn kế hoạch đầu tư công nguồn ngân sách nhà nước năm 2023.

Bộ Tài chính đề nghị các bộ, cơ quan trung ương và địa phương thực hiện nghiêm túc các giải pháp nêu tại văn bản trên; khẩn trương phân bổ chi tiết toàn bộ kế hoạch đầu tư vốn ngân sách nhà nước năm 2023 được Thủ tướng Chính phủ giao theo đúng quy định.