Bình Dương “sốt ruột” vì nhiều đơn vị chưa giải ngân vốn đầu tư công
Hiện có 13 chủ đầu tư có tỷ lệ giải ngân cao hơn mức bình quân của tỉnh Bình Dương; 6 đơn vị thấp hơn mức bình quân của tỉnh và 12 đơn vị chưa giải ngân. Nhìn chung các đơn vị chủ đầu tư cấp huyện có kết quả giải ngân tốt hơn so với chủ đầu tư cấp tỉnh...
Theo UBND tỉnh Bình Dương, kế hoạch vốn đầu tư công của tỉnh Bình Dương năm 2023 là hơn 21.782 tỷ đồng. Tính đến ngày 30/4/2023, khối lượng thực hiện đạt gần 824 tỷ đồng, giá trị giải ngân đạt gần 1.598,969 tỷ đồng, đạt 7,4% kế hoạch tỉnh giao và đạt 13,1% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao.
Có 13 chủ đầu tư có tỷ lệ giải ngân cao hơn mức bình quân của tỉnh; 6 đơn vị thấp hơn mức bình quân của tỉnh và 12 đơn vị chưa giải ngân. Nhìn chung các đơn vị chủ đầu tư cấp huyện có kết quả giải ngân tốt hơn so với chủ đầu tư cấp tỉnh.
Đối với các công trình trọng điểm, trong năm 2023 tỉnh bố trí vốn cho 38 dự án với tổng số vốn trên 14.561 tỷ, chiếm 66,8% tổng kế hoạch. Khối lượng thực hiện đến 30/4/2023 đạt 331 tỷ đồng, giá trị giải ngân đạt 283 tỷ đồng, đạt 1,9% kế hoạch.
Tại cuộc họp trong ngày 5/5 để bàn về các giải pháp thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công, một số lãnh đạo sở, ngành và địa phương Bình Dương cho rằng hiện còn nhiều khó khăn cần sớm tháo gỡ tại nhiều dự án như vướng mắc liên quan đến việc di dời hạ tầng kỹ thuật (như dự án giải phóng mặt bằng Quốc lộ 13 đoạn từ Cổng chào Vĩnh Phú đến ngã tư cầu Ông Bố, đường Huỳnh Văn Lũy đến đường Đồng Cây Viết…); chưa đảm bảo mặt bằng thi công (đường từ kho bạc Bến Cát đến Cầu Quan, trường THCS Hòa Phú, đường Lê Chí Dân..); cơ quan chuyên ngành chưa có ý kiến về danh mục thiết bị (Dự án Bệnh viện Đa khoa 1.500 giường)…
Nguyên nhân khó khăn, vướng mắc do một số quy định pháp luật chưa đồng bộ; cơ chế phối hợp giữa các cơ quan, đơn vị chưa hiệu quả, nhiều vướng mắc chưa được xử lý căn cơ, dứt điểm như công tác giải phóng mặt bằng. Còn nhiều bất cập trong công tác lập kế hoạch và triển khai thực hiện, nhất là năng lực về thẩm định, kiểm tra, giám sát, thi công… dẫn đến tình trạng chậm tiến độ, chậm giải ngân, chậm quyết toán.
Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương Võ Văn Minh yêu cầu các ngành, địa phương quyết liệt đốc thúc việc giải ngân đầu tư công năm 2023, tập trung các dự án, công trình trọng điểm như dự án Nâng cấp, mở rộng Quốc lộ 13, đường từ cầu Tam Lập (huyện Phú Giáo) đến Đồng Phú, tỉnh Bình Phước…; khẩn trương tham mưu ban hành phương án giá bồi thường dự án Vành đai 3. Sở Công Thương thẩm định kỹ thuật việc di dời lưới điện phục vụ thi công các công trình.
Song song đó, các ngành, các cấp nhanh chóng giải quyết đơn khiếu nại tố cáo liên quan đến các công trình, dự án để đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng. Các đơn vị chủ đầu tư nâng cao tinh thần trách nhiệm, phối hợp thẩm định năng lực các nhà thầu, các đơn vị tư vấn; xác định tiến độ, lộ trình, thời gian đối với từng công việc cụ thể cho từng dự án để đảm bảo thực hiện giải ngân vốn đầu tư.
Những tháng đầu năm 2023, Bình Dương là địa phương liên tục tổ chức các cuộc họp liên ngành để thúc giải ngân vốn đầu tư công. Năm 2022, địa phương này đã không hoàn thành kế hoạch đã đề ra.
Cụ thể, theo báo cáo của Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Bình Dương, tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công năm 2022 của tỉnh đạt 74,4%, chưa đạt kế hoạch đề ra (84%), giải ngân các công trình trọng điểm chỉ đạt tỷ lệ 66,3% (kế hoạch đề ra là 95%).
Tỷ lệ giải ngân thấp tập trung ở các dự án trọng điểm như: Thiết bị Bệnh viện đa khoa 1.500 giường; xây dựng cầu bắc qua sông Đồng Nai (Cầu Bạch Đằng 2); khối kỹ thuật trung tâm và nhà quàn thuộc Khu quy hoạch chi tiết 1/500 Bệnh viện Đa khoa 1.500 giường và Ban bảo vệ chăm sóc sức khỏe cán bộ tỉnh; nâng cấp, mở rộng đường ĐT746 (đoạn từ ngã ba Tân Thành đến ngã ba Hội Nghĩa).