Trên 82% vụ đình công xảy ra tại doanh nghiệp FDI
Trong 6 tháng đầu năm, cả nước xảy ra 67 cuộc đình công, tập trung ở các tỉnh phía Nam
Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đã có báo cáo gửi Chính phủ về tình hình đình công và việc giải quyết đình công 6 tháng đầu năm. Theo đó, trong 6 tháng đầu năm, cả nước xảy ra 67 cuộc đình công (giảm 1 cuộc so với cùng kỳ năm 2018), tập trung ở các tỉnh phía Nam.
Trong đó, chỉ có 17,9% số cuộc đình công xảy ra trong các doanh nghiệp dân doanh, còn lại 82,1% xảy ra tại các doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI). Số vụ đình công xảy ra nhiều nhất ở doanh nghiệp Hàn Quốc, Đài Loan (Trung Quốc), Trung Quốc.
Phần lớn các cuộc đình công xảy ra trong những doanh nghiệp sử dụng nhiều lao động, ngành dệt may chiếm 28,36%; da giày: 19,4%; nhựa: 16,42%; gỗ: 14,93% trong tổng số cuộc. 88,1% các cuộc đình công tập trung chủ yếu ở phía Nam, như Long An, Đồng Nai, Bình Dương, Tp.HCM.
Nguyên nhân các cuộc đình công chủ yếu xuất phát từ tranh chấp về lợi ích, chiếm tới 55,22%, tranh chấp về quyền chiếm 11,94%, tranh chấp cả quyền và lợi ích chiếm 32,84%. Đặc biệt, các cuộc đình công xảy ra đều không tuân thủ đúng trình tự, thủ tục pháp luật quy định.
Theo Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, nguyên nhân các cuộc đình công là do việc điều chỉnh tiền lương, phụ cấp tại doanh nghiệp thiếu sự tham khảo ý kiến người lao động và tổ chúc công đoàn. Không điều chỉnh kịp thời tiền lương cơ bản của người lao động; chất lượng bữa ăn giữa ca không đảm bảo; việc đối thoại tại nơi làm việc, thương lượng và ký kết thỏa ước lao động tập thể còn hạn chế, thiếu thực chất.
Ngoài ra, một số doanh nghiệp vi phạm các quy định của pháp luật như chậm thanh toán tiền lương, nợ đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp; giải quyết chậm chế độ bảo hiểm xã hội; thanh toán không đúng quy định tiền nghỉ hàng năm, phụ cấp nghề độc hại, nguy hiểm; định mức lao động không phù hợp; làm thêm giờ vượt quá quy định; điều kiện làm việc, vệ sinh môi trường không bảo đảm.
Ông Ngọ Duy Hiểu, Phó chủ tịch Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam nhận định, theo thống kê của Tổng liên đoàn Lao động, hơn 67% cuộc đình công có liên quan tới vấn đề tiền lương, thưởng, như: doanh nghiệp nợ lương, việc trả lương không đúng hạn, tiền lương làm thêm giờ không đúng, việc thưởng Tết không bình đẳng.
Một nguyên nhân nữa là doanh nghiệp thay đổi cách tính lương, thang lương, nhằm giảm tiền lương, thu nhập của người lao động. Ngoài ra, còn do doanh nghiệp yêu cầu người lao động làm thêm giờ quá quy định, tăng ca liên tục, điều kiện an toàn vệ sinh lao động không đảm bảo. Doanh nghiệp trốn tránh đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế cho người lao động.
Ông Hiểu cho biết thêm, các cuộc đình công đã giảm qua các năm. Đơn cử năm 2018, cả nước xảy ra 214 cuộc ngừng việc, đình công, giảm 35% so với năm 2017.
"Việc giảm số lượng các cuộc ngừng việc, đình công trước hết là do công tác quản lý nhà nước đã có những đổi mới. Nhiều doanh nghiệp đã ý thức được trách nhiệm xã hội trong việc chăm lo đời sống người lao động. Doanh nghiệp thực hiện tốt hơn các quyền lợi cho người lao động theo luật định. Ngoài ra, có sự nỗ lực của các cấp công đoàn", ông Hiểu nhận định.
Theo ông Hiểu: "Hiện công đoàn đang nỗ lực nâng cao chất lượng trong công tác xây dựng thỏa ước lao động tập thể, chủ động lựa chọn nội dung liên quan đến kiến nghị, bức xúc của người lao động về tiền lương, phụ cấp lương, bữa ăn ca, thời giờ làm việc, thời giờ nghỉ ngơi...".
Đồng thời, tổ chức công đoàn chủ động nâng cao vị trí của công đoàn cơ sở và công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở trong thương lượng, nhằm đem lại lợi ích thiết thực cho người lao động.
Tổng liên đoàn Lao động sẽ tích cực hơn trong việc nghiên cứu, tham gia sửa đổi, bổ sung Bộ luật Lao động năm 2012, tập trung vào các nội dung liên quan đến tranh chấp lao động và đình công để khắc phục những quy định về giải quyết tranh chấp lao động và đình công còn quá phức tạp, thời gian kéo dài, chưa phù hợp với thực tiễn...