15:52 21/02/2023

Triển khai kế hoạch 180 ngày cao điểm hành động chống khai thác IUU, gỡ “thẻ vàng”

Chu Khôi

Triển khai kế hoạch 180 ngày cao điểm để gỡ “thẻ vàng” từ EC, từ nay đến tháng 5/2023 phải kiểm soát 100% tàu cá, đảm bảo thiết bị giám sát hành trình tàu cá (VMS) hoạt động liên tục 24/24 giờ từ khi tàu cá rời cảng đến khi cập cảng. Chấm dứt hoạt động tàu cá khai thác hải sản bất hợp pháp, xử lý 100% các trường hợp vi phạm và thông tin trên các phương tiện thông tin đại chúng…

Kiểm soát 100% tàu đánh bắt trên biển mọi lúc mọi nơi.
Kiểm soát 100% tàu đánh bắt trên biển mọi lúc mọi nơi.

Chiều 20/2/2023, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức hội nghị trực tuyến công bố "Kế hoạch hành động chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU), chuẩn bị làm việc với Đoàn Thanh tra của Ủy ban châu Âu (EC) lần thứ 4" theo Quyết định số 81/QĐ-TTg ngày 13/2/2023.

CHẤM DỨT KHAI THÁC HẢI SẢN BẤT HỢP PHÁP

Ông Nguyễn Quang Hùng, Cục trưởng Cục Kiểm ngư cho biết sau 5 năm Ủy ban châu Âu (EC) cảnh báo "thẻ vàng" (từ ngày 23/10/2017) đối với hoạt động khai thác thủy sản của Việt Nam, trải qua 3 lần thanh tra, EC đã khẳng định quá trình gỡ thẻ vàng của Việt Nam đang đi đúng hướng, cải thiện tích cực.

Các ban, bộ, ngành có liên quan và các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương ven biển đã tổ chức triển khai các nhiệm vụ, giải pháp chống khai thác IUU, thực hiện các khuyến nghị của EC, gỡ cảnh báo "thẻ vàng" theo chỉ đạo của Thường trực Ban Bí thư, Thủ tướng Chính phủ và Ban chỉ đạo quốc gia về IUU.

Tuy nhiên, đến nay, EC vẫn chưa gỡ bỏ “thẻ vàng” đối với hải sản của Việt Nam, mà tiếp tục đưa ra nhiều khuyến nghị cần thực hiện. Ngày 13/2/2023, Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang ký Quyết định số 81/QĐ-TTg ban hành "Kế hoạch hành động chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định, chuẩn bị làm việc với Đoàn Thanh tra của Ủy ban châu Âu lần thứ 4".

 

"Kiểm tra, kiểm soát 100% tàu cá xuất, nhập bến tại đồn/trạm biên phòng tuyến biển; kiểm tra, kiểm soát tàu cá ra, vào tại cảng cá theo đúng quy định đảm bảo thiết bị VMS hoạt động liên tục 24/24 giờ từ khi tàu cá rời cảng đến khi cập cảng; theo dõi, giám sát 24/7 100% tàu cá hoạt động trên biển qua hệ thống giám sát tàu cá… "

Ông Nguyễn Quang Hùng, Cục trưởng Cục Kiểm ngư.

Mục tiêu của Kế hoạch là triển khai đồng bộ, hiệu lực, hiệu quả các quy định pháp luật thủy sản; khắc phục các bất cập, hạn chế theo khuyến nghị của EC về chống khai IUU, gỡ cảnh báo "thẻ vàng" trong năm 2023.

Để đạt được mục tiêu nêu trên, Kế hoạch đặt ra nhiệm vụ cho các bộ, ngành và các địa phương liên quan từ nay đến tháng 5/2023 rà soát, thống kê toàn bộ số lượng tàu cá của địa phương, hoàn thành việc đăng ký, đăng kiểm, đánh dấu tàu cá, cấp giấy phép khai thác thủy sản, lắp đặt thiết bị giám sát hành trình tàu cá (VMS) theo quy định.

Cùng với đó, cập nhật 100% dữ liệu tàu cá vào Cơ sở dữ liệu nghề cá quốc gia (VNFishbase); lập danh sách các tàu cá không tham gia khai thác thủy sản và các tàu có nguy cơ cao vi phạm khai thác IUU gửi các cơ quan chức năng và phân công cụ thể đơn vị, cá nhân theo dõi, quản lý.

Chấm dứt hoạt động tàu cá khai thác hải sản bất hợp pháp ở vùng biển nước ngoài; điều tra, xử lý 100% các trường hợp vi phạm khai thác hải sản bất hợp pháp ở vùng biển nước ngoài và thông tin trên các phương tiện thông tin đại chúng…

CẦN TIẾP TỤC CẮT GIẢM TÀU ĐÁNH CÁ

Phát biểu tại Hội nghị, đại diện tỉnh Bình Định cho biết ngay sau khi nhận khuyết điểm trước Thủ tướng và Ban Chỉ đạo quốc gia về IUU về việc để tàu cá vi phạm vùng biển nước ngoài, lãnh đạo địa phương đã có những chỉ đạo sát sao và tăng cường phối hợp với các địa phương lân cận trong việc quản lý đội tàu.

Ông Lê Quốc Anh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang thông tin Kiên Giang là tỉnh có số lượng tàu lớn nhất cả nước 9.800 tàu (chiếm 10% số tàu của cả nước), trong đó có 3.805 tàu trên 15 mét. Tỉnh này cũng đứng đầu về vi phạm khai thác IUU, năm 2022 xảy ra 11 vụ, với 17 tàu và 154 ngư dân bị bắt.

 

"Đề nghị các cơ quan trung ương sớm thúc đẩy đàm phán về ranh giới trên biển với một số nước trong khu vực. Quan tâm, đầu tư hỗ trợ các địa phương có cửa biển xây dựng cảng cá đảm bảo việc tiếp nhận sản lượng thủy sản và quản lý việc truy xuất nguồn gốc".

Ông Huỳnh Quốc Việt, Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau.

Ông Lê Quốc Anh nêu khó khăn, khi Bộ Ngoại giao thông báo có tàu bị bắt khi khác thác ở vùng biển nước ngoài, thì địa phương phải điều tra xử lý, thu thập bằng chứng nhưng phía nước bạn không cung cấp, nếu có thì không có bản gốc nên khi ra tòa sẽ rất khó để xử phạt hành chính. Trong 51 tàu vi phạm thì đến thời điểm này chỉ tịch thu được duy nhất 1 tàu.

Là một địa phương thường xuyên xảy ra tình trạng tàu cá vi phạm vùng biển nước ngoài, đại diện tỉnh Bến Tre cho rằng: “Hiện nay, một trong những lý do dẫn đến việc có nhiều tàu cá vi phạm vùng biển nước ngoài là do vùng biển gần bờ Việt Nam đã hết cá, sản lượng, chất lượng đều thấp. Do vậy, tỉnh Bến Tre rất ủng hộ chủ trương cắt giảm số lượng tàu cá trong thời gian tới”.

Ông Huỳnh Quốc Việt, Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau cho hay đến nay trên địa bàn tỉnh, 100% tàu cá có chiều dài từ 15 mét trở lên đang hoạt động được lắp đặt thiết bị giám sát hành trình. Tuy nhiên, vẫn còn tình trạng tàu cá lắp đặt thiết bị giám sát hành trình mất tín hiệu kết nối, công tác thống kê sản lượng thủy sản khai thác. 

Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau kiến nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nghiên cứu, đề xuất hoặc ban hành theo thẩm quyền quy định về cơ quan, tổ chức độc lập có chức năng xác định nguyên nhân mất kết nối thiết bị VMS. Sớm ban hành quy chuẩn về thiết bị giám sát hành trình; quy định phát hiện vi phạm hành chính bằng phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ trong lĩnh vực thủy sản để xử lý. 

Chủ trì hội nghị, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Phùng Đức Tiến nhận định “thẻ vàng” ảnh hưởng rất lớn đến xuất khẩu thuỷ sản. Trước đây, khi xuất khẩu thuỷ sản sang châu Âu, thủ tục chỉ mất 1-3 ngày, bây giờ 2-3 tuần. Không những thế còn ảnh hưởng đến vị thế của thuỷ sản Việt Nam trên trường quốc tế. Nếu không gỡ được thẻ vàng sẽ ảnh hưởng đến đời sống ngư dân, ảnh hưởng đến ngành thuỷ sản, vị thế của đất nước. 

Thứ trưởng nhấn mạnh: Quyết định số 81/QĐ-TTg thể hiện sự quyết tâm trong việc triển khai kế hoạch 180 ngày cao điểm hành động chống khai thác IUU, tháo gỡ thẻ vàng khi EC tiến hành thanh tra lần thứ 4 vào tháng 6/2023 tới.

“Cần phải nhớ lại cả một thời kỳ việc thực thi pháp luật của chúng ta chưa nghiêm, hiệu lực hiệu quả còn thấp. Trong khi đó Việt Nam ngày càng hội nhập sâu vào nền kinh tế thế giới, trở thành một mắt xích trong chuỗi phân phối, cung ứng nông lâm thủy sản toàn cầu. Chính vì vậy, không cách nào khác, chúng ta phải thực thi nghiêm các quy định quốc tế, hướng đến việc khai thác bền vững”, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến nói.

“Quan trọng hơn, bên cạnh mang lại hiệu quả về kinh tế, việc Việt Nam gỡ được thẻ vàng cũng khẳng định vị thế của một đối tác tin cậy, có trách nhiệm và uy tín trên thị trường quốc tế”, lãnh đạo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn lưu ý, đồng thời đề nghị các địa phương tập trung nguồn lực, cơ sở vật chất, trang thiết bị cũng như bộ máy, con người; phải tuyên truyền tới bà con ngư dân, nâng cao nhận thức, đặt lợi ích quốc gia lên hàng đầu và thể hiện quyết tâm cao nhất để tháo gỡ bằng được thẻ vàng.