18:11 04/06/2022

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn yêu cầu chấm dứt tình trạng tàu cá vi phạm IUU

Chu Khôi

Mặc dù các lực lượng chức năng đã triển khai lắp đặt thiết bị giám sát (VMS) trên các tàu đánh cá nhằm đảm bảo thực thi chống đánh bắt bất hợp pháp (IUU), nhưng hiện nay tình trạng tàu cá lắp đặt VMS nhưng mất kết nối khi tham gia hoạt động khai thác thủy sản vẫn phổ biến, có hiện tượng gỡ, tháo thiết bị VMS trên tàu này lắp sang tàu khác để tránh sự theo dõi, giám sát của lực lượng chức năng…

Cần chấm dứt tình trạng tàu cá vi phạm.
Cần chấm dứt tình trạng tàu cá vi phạm.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông vừa có công văn số 3438/BNN-TCTS gửi 3 tỉnh Kiên Giang, Cà Mau, Bình Định, yêu cầu tập trung triển khai thực hiện quyết liệt hơn nữa các giải pháp chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không khai báo và không theo quy định (IUU).

VẪN CÒN NHIỀU TÀU CÁ VI PHẠM

Trong những năm qua, ngành thủy sản đã trở thành một trong những ngành kinh tế mũi nhọn, góp phần quan trọng vào phát triển kinh tế - xã hội, bảo vệ an ninh, chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc.

Tuy nhiên, từ năm 2017 đến nay, sản phẩm thủy sản khai thác của Việt Nam xuất khẩu sang Châu Âu đã bị Ủy ban Châu Âu (EC) áp dụng cảnh báo “Thẻ vàng”, gây khó khăn cho hoạt động xuất khẩu thủy sản, ảnh hưởng đến đời sống của ngư dân.

Trong 4 năm qua, Việt Nam đã thực thi các giải pháp kiểm soát đánh bắt để tuân thủ Luật pháp quốc tế IUU, tuy nhiên đến hết năm 2021, phía EC vẫn đánh giá một số kết quả chống khai thác IUU chưa có sự chuyển biển rõ nét, đặc biệt là tình trạng tàu cá Việt Nam vi phạm khai thác hải sản ở vùng biển nước ngoài có giảm nhưng chưa vững chắc và diễn biến phức tạp.

 

"Phía EC khẳng định sẽ không gỡ “Thẻ vàng” nếu Việt Nam chưa chấm dứt được trình trạng này. Ngư dân Việt Nam chưa thực hiện nghiêm việc lắp đặt, vận hành thiết bị giám sát hành trình (VMS) theo quy định".

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

EC cho rằng, công tác thực thi pháp luật, xử lý, xử phạt đối với tàu khai thác vi phạm còn chưa nghiêm, chưa thống nhất giữa các địa phương; chế tài xử phạt còn chưa đủ mạnh so với các nước trong khu vực, chưa đảm bảo tín răn đe.

Công tác kiểm soát tàu cá ra vào cảng, lao động trên tàu cá, kiểm soát sản lượng qua cảng để thực hiện đúng quy định về chứng nhận, xác nhận, truy xuất nguồn gốc hải sản khai thác còn chưa chặt chẽ, chưa đảm bảo độ tin cậy.

Chính phủ đã ban hành Chỉ thị số 17/CT-TTg ngày 24/6/2021 về cơ chế phối hợp liên ngành giữa các bộ, ngành và UBND 28 tỉnh thành phố ven biển với lực lượng như Hải quân, Kiểm ngư, Cảnh sát biển, Biên phòng nhằm tăng cường trao đổi, xử lý thông tin tàu cá vi phạm qui định về chống IUU ở vùng biển nước ngoài.

Theo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, tính từ đầu năm 2022 tới nay, cả nước đã xảy ra 32 vụ/52 tàu/453 ngư dân bị nước ngoài bắt giữ, xử lý. Các địa phương có tàu cá và ngư dân bị bắt giữ, xử lý nhiều là: Kiên Giang có 9 vụ/13 tàu/114 ngư dân; Cà Mau có 4 vụ/8 tàu/28 ngư dân (hiện tỉnh này vẫn đang tiếp tục xác minh số lượng ngư dân bị bắt giữ); Bình Định có 4 vụ/6 tàu/38 ngư dân.

ĐIỀU TRA XÁC MINH XỨ LÝ NGHIÊM TÀU CÁ VI PHẠM

Trong tháng 5/2022, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã tổ chức Đoàn công tác làm việc với tỉnh Cà Mau về chống khai thác IUU. Ngay sau đó, Bộ có công văn nêu rõ những tồn tại, hạn chế như trên địa bàn tỉnh như: Thực hiện cấp giấy phép khai thác thủy sản mới đạt khoảng 66%; cập nhật dữ liệu tàu cá vào cơ sở dữ liệu nghề cá quốc gia VNFishbase chưa kịp thời.

Dữ liệu tàu cá lắp đặt thiết bị giám sát hành trình (VMS) trên Hệ thống giám sát tàu cá và báo cáo của tỉnh chưa rõ ràng (số liệu báo cáo là 1.529 tàu, số liệu trên hệ thống là 1.558 tàu). 

Tình trạng tàu cá lắp đặt VMS nhưng mất kết nối khi tham gia hoạt động khai thác thủy sản vẫn diễn ra. Có hiện tượng gỡ, tháo thiết bị VMS trên tàu này lắp sang tàu khác để tránh sự theo dõi, giám sát của lực lượng chức năng, có động cơ thực hiện hành vi khai thác IUU. 

Tỷ lệ sản lượng thủy sản từ khai thác được giám sát phục vụ truy xuất nguồn gốc còn thấp, chưa đảm bảo theo quy định, mới ước đạt khoảng 38% tổng sản lượng khai thác toàn tỉnh Cà Mau. 

Qua kiểm tra thực tế tại cảng cá Sông Đốc, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nhận thấy việc kiểm soát chưa chặt chẽ tàu cá ngoài tỉnh thực hiện chuyển tải cho tàu hậu cần đánh bắt nguồn lợi thủy sản của tỉnh để kịp thời phát hiện xử lý nếu có hành vi khai thác IUU.

Nhật ký khai thác ghi chép chưa đủ độ tin cậy, thiếu thông tin, thiếu nhật ký khai thác của tàu khai thác có chuyển tải trên biển cho tàu dịch vụ hậu cần. Xử lý chưa kịp thời khi phát hiện trường hợp tàu cá có dấu hiệu vi phạm.

Nhằm ngăn chặn, chấm dứt tình trạng tàu cá và ngư dân vi phạm vùng biển nước ngoài theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, trong công văn số 3438/BNN-TCTS, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Phùng Đức Tiến đề nghị Chủ tịch UBND các tỉnh Bình Định, Kiên Giang, Cà Mau chỉ đạo cơ quan Công an tỉnh, Bộ đội Biên phòng tỉnh điều tra, xác minh, xử lý nghiêm minh đối với tổ chức, cá nhân tổ chức, môi giới đưa các tàu cá và ngư dân vụ việc nêu trên và các vụ việc khác có liên quan. Yêu cầu các tỉnh này có báo cáo kết quả gửi về Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Ban Chỉ đạo Quốc gia về IUU trước ngày 6/6/2022.

Đồng thời đề nghị Chủ tịch UBND các tỉnh trên chỉ đạo chính quyền các cấp, sở, ban, ngành và lực lượng chức năng khẩn trương rà soát, thực hiện cấp Giấy phép khai thác thủy sản, Giấy chứng nhận an toàn thực phẩm cho tàu cá, đăng ký, đăng kiểm; trong tháng 7/2022 hoàn thành và báo cáo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn kết quả cấp Giấy phép khai thác và nhập dữ liệu tàu cá vào cơ sở dữ liệu nghề cá quốc gia theo quy định để đáp ứng yêu cầu việc tra cứu thông tin, quản lý tàu cá.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn yêu cầu các tỉnh phải xử lý dứt điểm các tàu cá còn lại chưa lắp đặt thiết bị VMS; theo dõi, quản lý chặt chẽ, đảm bảo tàu cá phải duy trì hoạt động của thiết bị VMS khi tham gia khai thác thủy sản trên biển. Đề nghị lập danh sách, khoanh vùng đối tượng, nắm chắc địa bàn để theo dõi, giám sát chặt chẽ tàu cá có nguy cơ cao vi phạm khai thác IUU 3.

Cùng với đó, tăng cường công tác phối hợp giữa các lực lượng chức năng của tỉnh và với các địa phương khác, triển khai thực hiện có hiệu quả các giải pháp để theo dõi, quản lý tàu cá của tỉnh khác thường xuyên hoạt động trên địa bàn tỉnh (nếu để xảy ra các vụ việc vi phạm khai thác IUU thì trách nhiệm thuộc về lực lượng chức năng của tỉnh); đặc biệt là hồ sơ của tàu ngoài tỉnh thực hiện chuyển tải cho tàu hậu cần đánh bắt nguồn lợi thủy sản của tỉnh. 

Kiên quyết không để tàu cá không đủ điều kiện tham gia khai thác, xử phạt nghiêm minh các tàu cá vi phạm quy định khi rời cảng, hoạt động khai thác trên biển và cập cảng bốc dỡ sản phẩm. Kiên quyết xử lý các cảng cá không đủ điều kiện hoạt động và tàu cá bốc dỡ sản phẩm tại nơi không đúng quy định. 

Yêu cầu tăng cường thanh tra, kiểm tra, giám sát; gắn trách nhiệm người đứng đầu cấp ủy, chính quyền các cấp, đặc biệt là cấp cơ sở (xã/phường/thị trấn) trong công tác kiểm soát tàu cá, kiểm điểm, xử lý nghiêm tổ chức, cá nhân thiếu tinh thần, trách nhiệm trong công tác chống khai thác IUU; đặc biệt công tác tổ chức, quản lý nghề cá tại các cảng cá.