Triển vọng kinh tế Trung Quốc xấu đi trong mắt giới chuyên gia
Giới chuyên gia đang trở nên bi quan hơn về nền kinh tế Trung Quốc, tiếp tục cắt giảm dự báo tăng trưởng cả năm nay của nền kinh tế lớn thứ nhì thế giới...
Giới chuyên gia đang trở nên bi quan hơn về nền kinh tế Trung Quốc, tiếp tục cắt giảm dự báo tăng trưởng cả năm nay của nền kinh tế lớn thứ nhì thế giới và cho rằng rủi ro tiếp tục đeo bám Trung Quốc trong năm tới, khi cuộc khủng hoảng trong ngành bất động sản chưa được giải quyết và Covid-19 tiếp tục có những đợt bùng phát ở nước này.
Trong một cuộc khảo sát hàng quý do hãng tin Bloomberg thực hiện, tổng sản phẩm trong nước (GDP) của Trung Quốc được dự báo chỉ đạt mức tăng trưởng 3,5% trong năm nay, từ mức dự báo tăng 3,9% đưa ra trong cuộc khảo sát trước. Dự báo tăng trưởng của 3 quý đầu năm 2021 cũng giảm từ 0,1 đến 0,4 điểm phần trăm, nhưng dự báo tăng trưởng của cả năm 2023 giữ nguyên ở 5,2%, không thay đổi so với con số đưa ra trong cuộc khảo sát trước.
Việc giới chuyên gia hạ dự báo tăng trưởng kinh trưởng Trung Quốc cho thấy họ không tin rằng các biện pháp kích cầu mà Bắc Kinh triển khai gần đây - bao gồm 1 nghìn tỷ Nhân dân tệ vốn đầu tư rót vào các dự án cơ sở hạ tầng và những đợt cắt giảm lãi suất của Ngân hàng Trung ương Trung Quốc (PBOC) - có thể ngăn đà giảm tốc của nền kinh tế.
Nhà kinh tế học Brendan McKenna thuộc ngân hàng Mỹ Wells Fargo nói rằng có nhiều rủi ro suy giảm đối với dự báo tăng trưởng kinh tế Trung Quốc “trong bối cảnh ngành địa ốc nước này tiếp tục chật vật và các biện pháp hạn chế chống Covid được áp trở lại”. Kịch bản chính của ông McKenna là nền kinh tế Trung Quốc sẽ đạt mức tăng trưởng nhỉnh hơn 3% một chút trong năm nay, nhưng có nguy cơ tăng trưởng giảm xuống dưới mức này nếu các hoạt động kinh tế tiếp tục suy yếu.
Niềm tin của doanh nghiệp và người tiêu dùng ở Trung Quốc hứng chịu một cú sốc lớn trong năm nay khi các đợt bùng dịch Covid khiến những thành phố lớn như Thượng Hải phải phong toả trong một khoảng thời gian dài. Tệ hơn, cuộc khủng hoảng bất động sản của Trung Quốc trở nên nghiêm trọng hơn, khi nổi lên làn sóng người vay mua nhà từ chối trả nợ ngân hàng cho tới khi được bàn giao nhà. Gần đây hơn, thời tiết nắng nóng kỷ lục và khô hạn ở Trung Quốc dẫn tới tình trạng thiếu điện và khiến một số nhà máy gián đoạn sản xuất.
Ban đầu, Chính phủ Trung Quốc đặt mục tiêu tăng trưởng kinh tế cả năm khoảng 5,5%. Đối mặt với tăng trưởng giảm tốc mạnh và Covid tiếp tục lây lan, các nhà lãnh đạo cấp cao của nước này gần đây không còn đề cập đến mục tiêu tăng trưởng này. Trước đây, Trung Quốc chưa năm nào hụt mục tiêu tăng trưởng với khoảng cách lớn như vậy. Năm 2020, khi đương đầu với làn sóng Covid đầu tiên, Trung Quốc không đưa ra mục tiêu tăng trưởng GDP.
Ngoài những thách thức hiện tại, những rủi ro dài hạn hơn ăn sâu trong nền kinh tế - như vấn đề dân số già hoá - sẽ khiến cho tăng trưởng kinh tế Trung Quốc khó vượt mức 5% trong vài năm tới, theo chuyên gia kinh tế trưởng về Trung Quốc Raymond Yeung của ngân hàng ANZ.
“Quan điểm chủ chốt của chúng tôi là nền kinh tế lão hoá của Trung Quốc sẽ tiếp tục có sự thay đổi trong 3 năm tới. Tiềm năng tăng trưởng sẽ tiếp tục suy giảm do thiếu sự cải thiện năng suất. Chúng tôi dự báo mức tăng trưởng GDP sẽ là 4,2% trong năm 2023 và 4% trong năm 2024”.
Trong cuộc khảo sát của Bloomberg, dự báo lạm phát cả năm của Trung Quốc không thay đổi ở mức 2,3% đối với năm 2022 và 2023. Lạm phát giá nhà sản xuất được dự báo giảm về mức 1,4% trong năm 2023, từ mức 5,5% của năm nay.
Đầu tư tài sản cố định được dự báo tăng trưởng 6,1% trong năm nay, từ mức dự báo tăng 6,9% đưa ra trong cuộc khảo sát trước. Dự báo doanh thu bán lẻ quý 4 giảm còn 3,4% từ 4%.
Tăng trưởng xuất khẩu được dự báo duy trì ở mức cao, với mức dự báo cho quý 3 là 9,5%, từ mức 7,9% đưa ra trong cuộc khảo sát trước, và dự báo cho cả năm là 8,7% từ 7,5%. Trong khi đó, dự báo tăng trưởng nhập khẩu giảm về mức 4% đối với cả quý 3 và quý 4 năm nay.