Triển vọng kinh tế Việt Nam 2021: Phục hồi trong bất định
Với những rủi ro và bất định khó lường, phải rất nỗ lực Việt Nam mới có thể đạt mức tăng trưởng cao 6,46%.
Báo cáo "Kinh tế Việt Nam 2020 và triển vọng 2021: Đổi mới để thích ứng" do CIEM thực hiện với sự hỗ trợ từ Chương trình Aus4Reform (Australia) đã đưa ra 2 kịch bản tăng trưởng kinh tế Việt Nam trong năm 2021.
Theo đó, nếu như ở kịch bản thấp, mức tăng trưởng GDP có thể đạt được là 5,98% thì ở kịch bản cao, mức tăng có thế nhỉnh lên 6,46%.
Dự báo về tăng trưởng kinh tế Việt Nam trong năm 2021, các chuyên gia của Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Việt Nam (CIEM) cho rằng, với những rủi ro và bất định khó lường, phải rất nỗ lực Việt Nam mới có thể đạt mức tăng trưởng cao 6,46%.
CHÚ TRỌNG TĂNG TRƯỞNG TRONG THAY ĐỔI
Như vậy, so với mục tiêu tăng trưởng GDP năm 2021 mà Chính phủ đề ra là khoảng 6,5% (cao hơn kế hoạch Quốc hội giao là 6%), thì mức dự báo lạc quan nhất của CIEM vẫn đang thấp hơn mục tiêu của Chính phủ.
Theo chuyên gia kinh tế Võ Trí Thành, mức dự báo CIEM đưa ra là khá thận trọng nếu so với con số được các tổ chức quốc tế công bố gần đây. Trong báo cáo "Điểm lại - cập nhật tình hình kinh tế Việt Nam" công bố tháng 12/2020, Ngân hàng Thế giới (WB) dự kiến tăng trưởng kinh tế của Việt Nam có thể đạt khoảng 6,8% trong năm 2021 và sẽ ổn định quanh mức 6,5% các năm tiếp theo. Đặc biệt, Khối Nghiên cứu kinh tế của HSBC, trong báo cáo của mình bày tỏ tin tưởng kinh tế Việt Nam có thể đạt mức tăng trưởng 7,6% trong năm 2021 nhờ sự phục hồi của ngành du lịch.
"Tăng trưởng không chỉ là con số 5,98% hay 6,46% mà quan trọng hơn là hàm ý chất lượng tăng trưởng. Đó là phải chú trọng tăng trưởng trong thay đổi, cải cách để thích ứng với xu thế mới, tăng cường quản trị rủi ro và khả năng chống chịu với những thách thức bất định. Từ khoá năm 2021 sẽ là "phục hồi trong thay đổi" thay vì "Covid-19 và vượt khó" như năm trước", ông Thành nói.
Giải thích về con số tăng trưởng được đưa ra trong 2 kịch bản, bà Trần Thị Hồng Minh, Viện trưởng CIEM cho biết, diễn biến phức tạp gần đây của dịch Covid-19 là lý do chính khiến CIEM thận trọng khi đưa ra mức dự báo triển vọng tăng trưởng của Việt Nam trong năm 2021. "Dịch Covid-19 vẫn sẽ là trở lực lớn đối với tăng trưởng kinh tế. Vì vậy, dù lạc quan nhưng Chính phủ vẫn cần hết sức thận trọng khi đề ra mục tiêu tăng trưởng cho năm 2021 và những năm tiếp theo", bà Minh nhấn mạnh.
Theo đó, ông Nguyễn Anh Dương, Trưởng ban Nghiên cứu tổng hợp (CIEM) cho biết, trong 2 kịch bản tăng trưởng, CIEM nghiêng về kịch bản tăng trưởng 5,98%, trong khi kịch bản tăng trưởng cao 6,46% chỉ có thể đạt được với nỗ lực và quyết tâm thực hiện rất cao.
DƯ ĐỊA TỪ CẢI CÁCH THỂ CHẾ
Từ phân tích đánh giá thực trạng kinh tế năm 2020, ông Dương cho biết, CIEM đặc biệt nhấn mạnh tới thông điệp cần tiếp tục theo dõi diễn biến dịch Covid-19 và có biện pháp phòng chống phù hợp. "Bởi đây là điều kiện tiên quyết để thực hiện thành công cải cách kinh tế hậu Covid-19", ông Dương nhấn mạnh. Theo đó, CIEM khuyến nghị cần tập trung vào cải thiện nền tảng kinh tế vĩ mô và đổi mới hệ thống thể chế kinh tế theo hướng thân thiện hơn với sáng tạo và môi trường, gắn với xử lý hiệu quả những rủi ro, đặc biệt gắn với Covid-19, trong bối cảnh "bình thường mới".
Ông Dương lưu ý, tái cơ cấu kinh tế cần tiến hành đồng thời với hoàn thiện chính sách công nghiệp và thu hút đầu tư nước ngoài. Đáng lưu ý là bài học từ giải ngân đầu tư công 2020 được đẩy nhanh đáng kể, đã cho thấy tiến trình cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước cũng có thể đẩy nhanh.
Cũng theo chuyên gia của CIEM, cần thực hiện hiệu quả tiến trình hội nhập. Việt Nam không chỉ chủ động thực hiện cam kết trong FTA, mà còn chủ động đóng góp vào xây dựng luật chơi chung; thúc đẩy hợp tác trong ASEAN để "cùng" thu hút FDI, thay vì "đua xuống đáy". "Việt Nam không thể tách rời khỏi hội nhập kinh tế quốc tế, bởi nhiều sáng kiến phát triển bền vững cũng có sự cạnh tranh chiến lược giữa các siêu cường", ông Dương cho biết.
Đặc biệt, nhóm nghiên cứu của CIEM cho rằng, công tác điều hành của Chính phủ vẫn giữ được dư địa chính sách để ứng phó với các kịch bản trong tương lai. "Tôi nghĩ là rất nhiều bộ, ngành của Việt Nam đã rút được kinh nghiệm nên trong lần này, Việt Nam đã có cân nhắc hơn trong các gói hỗ trợ. Chúng ta cũng đã tính rất nhiều kịch bản. Có lẽ vì phải mất một thời gian nữa mới có thể tìm được lối ra cho nền kinh tế sau đại dịch nên từ giờ đến lúc đó, chúng ta chỉ hỗ trợ "chừng mực" để doanh nghiệp sống sót được", ông Dương cho biết.
Chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh lại cho rằng, thị trường trong nước không thể tách rời với thị trường bên ngoài. Trong khi thị trường thế giới gặp khó khăn, xuất khẩu tăng trưởng chậm ở các thị trường lớn như Mỹ, EU chưa thể hồi phục nhanh thì việc khai thác thị trường trong nước là rất quan trọng. Theo đó, cần đẩy nhanh việc đầu tư công, khai thác khu vực kinh tế tư nhân, liên kết doanh nghiệp nhỏ và vừa vào các chuỗi giá trị để đẩy mạnh xuất khẩu sang các thị trường.
Về dài hạn, TS.Lê Xuân Bá, nguyên Viện trưởng CIEM cho rằng, quan trọng nhất, căn cơ nhất, vừa là trước mắt, vừa lâu dài là cần tiếp tục đổi mới thể chế kinh tế. "Điều đó có nghĩa là luật pháp, chính sách phù hợp với điều kiện Việt Nam và thế giới, cải cách bộ máy quản lý nhà nước tinh gọn, hiệu quả, hiệu lực. Thể chế tốt thì môi trường kinh doanh tốt, doanh nghiệp giảm được chi phí, nâng cao năng lực cạnh tranh. Ba yếu tố quan trọng là chính sách, bộ máy nhà nước và môi trường kinh doanh công khai, minh bạch", ông nói.
Cuối cùng, bà Trần Thị Hồng Minh cho biết hội nhập, cải cách và phát triển bền vững là những yêu cầu mà chúng ta đã nhìn nhận và thực hiện bài bản trong những năm qua. Tuy nhiên, trong bối cảnh Covid-19, những yêu cầu này cũng phải có những điều chỉnh nhất định. "Hội nhập, cải cách và phát triển bền vững sẽ không thể tiếp tục đi song song, mà phải "bện chặt" với nhau hơn", bà Minh khẳng định.