Triều Tiên trở thành điểm đến “hot” của thị trường tour quốc tế
Dù thời điểm mở cửa rộng rãi cho du khách các nước chưa được công bố, song nhiều người tin rằng sự trở lại của du khách Nga vào năm ngoái và giờ là du khách Trung Quốc, sẽ mang lại nguồn thu đáng kể cho Triều Tiên...

Tháng 2/2024, một chuyến bay của hãng Air Koryo do Triều Tiên khai thác đã chở 100 du khách xuất phát từ thành phố Vladivostok ở vùng Viễn Đông của Nga, hạ cánh xuống sân bay ở Bình Nhưỡng. Theo Reuters, nhóm du khách đã tham quan các danh lam thắng cảnh ở Bình Nhưỡng trước khi đi trượt tuyết. Sau tour du lịch mang tính thí điểm này, nhiều du khách Nga đã tiếp tục tới Triều Tiên trong năm qua.
Mới đây, hãng thông tấn Yonhap đưa tin, một công ty du lịch có trụ sở tại Trung Quốc sẽ tổ chức chuyến tham quan thành phố Rason, nằm ở đông bắc Triều Tiên, vào tuần này. Công ty có tên là Zhixing Heyi, trụ sở tại Bắc Kinh, cho biết họ là đối tác khu vực của Tổng cục Hướng dẫn Du lịch Quốc gia của Triều Tiên và đã nhận được thông báo rằng một số chương trình du lịch quốc tế của Triều Tiên sẽ chính thức mở cửa trở lại trong năm 2025.
Công ty này cho biết bằng tiếng Trung rằng họ đã nhận được sự chấp thuận đặc biệt từ phía Triều Tiên để tổ chức nhóm du lịch tư nhân đầu tiên gồm công dân Trung Quốc đến thăm Rason trong vòng 5 năm qua. Theo thông tin trên trang web, chuyến đi khởi hành vào thứ Hai (24/2/2025) và kéo dài trong 4 ngày, với hai gói dịch vụ có giá lần lượt là 3.599 Nhân dân tệ (khoảng 12,6 triệu đồng) và 4.599 Nhân dân tệ (khoảng 16,1 triệu đồng).

Lịch trình chuyến đi bao gồm các điểm tham quan nổi bật, cảnh đẹp thiên nhiên và các buổi biểu diễn nghệ thuật tại thành phố. Một đại diện của công ty du lịch tiết lộ với hãng thông tấn Yonhap rằng đoàn du khách sẽ chỉ giới hạn ở 10 người tham gia. Vào đầu tháng 2/2025, các đại lý du lịch nước ngoài liên kết với hai công ty du lịch có trụ sở tại Trung Quốc cũng đã đến Rason để khảo sát các địa điểm du lịch mới.
Ngày 22/2/2025, hãng tin Kyodo cho biết hiện tại Triều Tiên chỉ cho phép du khách quốc tế đến Rason - đặc khu kinh tế đầu tiên của Triều Tiên vào năm 1991 và được xem là nơi thử nghiệm các chính sách kinh tế mới. Một công ty khác - Koryo Tours - cũng có trụ sở tại Bắc Kinh, đang lên kế hoạch tổ chức các tour du lịch từ tháng 3, với 2 chuyến đi mỗi tháng. Hành trình dài nhất 5 ngày 4 đêm, có giá 705 Euro, thăm các điểm tham quan, trường học, nhà máy và ngân hàng.
Các nhân viên công ty lữ hành cho biết du khách được yêu cầu đeo khẩu trang và kiểm tra thân nhiệt khi đến nơi.Du khách cũng được khuyến cáo không mang vào Triều Tiên thiết bị liên lạc, thực phẩm sản xuất tại Hàn Quốc, danh thiếp và máy ghi âm. Với các tour này, du khách sẽ đi cùng hướng dẫn viên của công ty du lịch và có hướng dẫn viên địa phương theo sát hành trình.
Bên cạnh công dân Trung Quốc đại lục, người Hong Kong cũng được cho là ngày càng ưa thích những điểm đến độc đáo như Triều Tiên, Iraq cho chuyến du lịch của mình. Chia sẻ tại Triển lãm Du lịch và Nghỉ dưỡng Hong Kong, ông Alfred Lam, Giám đốc Công ty du lịch TravPholer, cho biết mức độ quan tâm của du khách đến Triều Tiên đang gia tăng hơn hẳn so với cùng kỳ năm ngoái. Năm 2024, TravPholer tổ chức các nhóm khảo sát nhỏ đến Triều Tiền gần như 2 tuần/lần.

Trong khi đó, Justin Martell, 37 tuổi, điều hành một công ty truyền thông ở Connecticut (Mỹ), đã du lịch Triều Tiên 11 lần. Đầu tuần trước, Martell cùng đại diện các công ty du lịch đến Triều Tiên khoảng 5 ngày để khảo sát du lịch cho khách phương Tây. Anh trở thành người Mỹ đầu tiên trở lại Triều Tiên từ khi quốc gia này đóng cửa do đại dịch hơn 5 năm trước.
Trong khi Triều Tiên mở cửa đón khách Nga từ năm ngoái, công dân Mỹ vẫn không được phép nhập cảnh quốc gia này. Ngược lại, Mỹ cũng chưa cho phép công dân đến Triều Tiên kể từ năm 2017. Martell đã phải xin quốc tịch kép qua chương trình nhập tịch theo diện đầu tư vào Saint Kitts và Nevis - đảo quốc thuộc vùng Caribbean.
Đóng khoản tiền sáu con số vào quỹ Sustainable Island State Contribution (SISC) của quốc đảo, chờ một năm làm thủ tục, kiểm tra lý lịch, chứng minh tài chính, Martell đã có hộ chiếu thứ hai để có thể hợp pháp đến Triều Tiên mà không vi phạm quy định khi trở lại Mỹ. Martell cho biết chi phí mua quốc tịch tăng vọt kể từ khi xung đột Nga và Ukraine nổ ra. "Chi phí hiện lên tới 250.000 USD, tăng gấp đôi, gấp ba lần vì nhiều người Nga muốn có hộ chiếu thứ hai", anh Martell chia sẻ.
Đến Triều Tiên, Martell cho hay người dân ở đây vẫn lo sợ về đại dịch. Các biện pháp y tế vẫn được triển khai như đeo khẩu trang, đo thân nhiệt. Đồng hành với anh còn có Rowan Beard, hướng dẫn viên người Australia với hơn 10 năm kinh nghiệm dẫn tour đến Triều Tiên, và Gergo Váczi từ Hungary, người quản lý các tour Triều Tiên của công ty du lịch Koryo Tours ở Anh.

Đại diện các công ty lữ hành mô tả thành phố Rason có điểm khác so với phần còn lại của Triều Tiên. Đây là nơi tự do hơn một chút, mang tới cho du khách cơ hội được tận mắt chứng kiến những hoạt động kinh doanh của đất nước này. Ông Simon Cockerell, đại diện của hãng lữ hành Koryo Tours, nhận định: "Đây là một khu vực xa xôi, cũng là một trong những khu vực đầu tiên ở Triều Tiên triển khai mạng di động. Cũng tại đây, người nước ngoài có thể thực hiện các giao dịch mua bán đất”.
Trước đó, tháng 7/2024, nhà lãnh đạo Kim Jong Un cùng các tướng cấp cao đã đi thăm khu du lịch Wonsan-Kalma đang được xây dựng trên bờ biển phía Đông nước này. Đây là một trong những dự án du lịch trọng điểm, là ưu tiên hàng đầu của Triều Tiên trong những năm gần đây. Quần thể nghỉ dưỡng có tổng diện tích lên tới 245ha, với hàng trăm tòa nhà và hàng nghìn phòng khách sạn. Wonsan-Kalma còn nằm gần một sân bay mới ở bờ biển phía Đông, nên rất thuận tiện cho việc di chuyển, thu hút du khách nước ngoài.
Trong chuyến thăm, nhà lãnh đạo Triều Tiên cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của các hoạt động giải trí tại quần thể nghỉ dưỡng mới này. Hệ thống quản lý chất thải hướng tới "du lịch xanh" cũng được đặc biệt coi trọng. Bên cạnh đó, Triều Tiên cũng đang có kế hoạch khôi phục lại các hoạt động du lịch ở núi Kumgang, núi Chilbo, Majon, Kumya, Riwon và Yombunjin.

Triều Tiên cũng kỳ vọng thu hút thêm nguồn khách mới là những người đăng ký tham gia giải chạy Marathon quốc tế Bình Nhưỡng dự kiến tổ chức vào tháng 4. Đây là cuộc thi quốc tế diễn ra thường niên tại Bình Nhưỡng, năm nay bước sang năm thứ 31.
Triều Tiên hiện cần kiếm ngoại tệ trong bối cảnh Bình Nhưỡng chịu các lệnh trừng phạt của Liên hợp quốc. Theo số liệu được NK News thống kê, năm 2019, khoảng 350.000 khách Trung Quốc tới Triều Tiên du lịch, mang lại nguồn doanh thu lớn cho Bình Nhưỡng. Chia sẻ với NBC News, đại diện Greg Vaczi của Triều Tiên cho biết mặc dù Thủ đô Bình Nhưỡng vẫn đang đóng cửa với du khách, "nhiều người đang chờ đợi để được đến Triều Tiên".