New Zealand thay đổi cơ chế "thị thực vàng" để hút giới giàu
Chính phủ New Zealand vừa ra quyết định đơn giản hóa chương trình thị thực dành cho nhà đầu tư và người nước ngoài thu nhập cao - còn được gọi là chương trình “thị thực vàng” - nhằm thu hút giới giàu toàn cầu tới đầu tư, hỗ trợ phục hồi nền kinh tế đang suy thoái...
![Ảnh minh họa: Getty Images](https://media.vneconomy.vn/w800/images/upload/2025/02/10/gettyimages-582736940-e173911556.png)
Theo đó, từ ngày 1/4/2025, chương trình thị thực đầu tư Active Investor Plus của New Zealand sẽ được đơn giản hóa với phạm vi đầu tư được mở rộng. Ngoài ra, bài kiểm tra tiếng Anh với người xin thị thực cũng được hủy bỏ. Cùng với đó, yêu cầu về thời gian lưu trú tối thiểu của nhà đầu tư cũng được giảm xuống.
“Trong một thế giới ngày càng phức tạp như hiện nay, mọi người đều muốn tìm kiếm một quốc gia an toàn và ổn định để làm ăn kinh doanh”, bà Erica Stanford, Bộ trưởng Bộ Di trú New Zealand, phát biểu sau thông báo về sự điều chỉnh với chương trình “thị thực vàng” ngày 9/2. “Chúng tôi sẽ điều chỉnh để chương trình thị thực đầu tư đơn giản và linh hoạt hơn nhằm thu hút nhà đầu tư chọn New Zealand làm điểm đến”.
Quyết định được đưa ra trong bối cảnh kinh tế New Zealand rơi vào suy thoái sâu trong năm 2024. Dữ liệu công bố vào tháng 12 năm ngoái cho thấy GDP quý 3/2024 của nước này giảm 1%, nối tiếp quý 2 giảm 1,1%. Hai quý giảm GDP liên tiếp đồng nghĩa nền kinh tế nước này đã rơi vào suy thoái kỹ thuật. Trừ giai đoạn đại dịch Covid-19, đây là cuộc suy thoái với mức giảm GDP lớn nhất của New Zealand kể từ suy thoái năm 1991.
Kể từ tháng 8 năm ngoái, Ngân hàng Dự trữ New Zealand (RBNZ) đã bắt đầu hạ lãi suất từ tháng 8/2024 do kinh tế suy yếu và đặt mục tiêu duy trì lãi suất ở mức thấp ổn định để thúc đẩy phục hồi kinh tế. Dù vậy, Chính phủ New Zealand gần đây thừa nhận rằng thiếu vốn đầu tư cần thiết.
Nằm trong nỗ lực phục hồi kinh tế, nhà chức trách New Zealand đang sửa đổi các quy định về đầu tư nước ngoài, thành lập một cơ quan riêng để làm việc với các quản lý quỹ đầu tư nước ngoài, đồng thời nới lỏng quy định làm việc từ xa với người nước ngoài… Tất cả những biện pháp này nhằm thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao từ nước ngoài tới New Zealand định cư.
“Chúng tôi sẽ trải thảm chào đón và khuyến khích nhà đầu tư lựa chọn New Zealand làm điểm đến định cư”, Bộ trưởng Bộ Phát triển Kinh tế NewZealand, ông Nicola Willis, phát biểu ngày 9/2. “Vốn đầu tư nước ngoài sẽ tạo việc làm cho người dân New Zealand và nâng cao thu nhập của họ bằng cách lập các doanh nghiệp mới và mở rộng những cơ sở kinh doanh hiện tại”.
Chương trình thị thực Active Investor Plus đã thành công trong việc thu hút người giàu tới New Zealand và mang về cho nước này bình quân 1 tỷ đô la New Zealand (570 triệu USD) vốn đầu tư nước ngoài mỗi năm. Tuy nhiên, chương trình bắt đầu giảm hiệu quả sau một số điều chỉnh vào cuối năm 2022. Sau khi điều chỉnh, chỉ có 43 hồ sơ đăng ký được phê duyệt, mang về vốn đầu tư danh nghĩa 545 triệu đô la New Zealand – theo dữ liệu từ Bộ Di trú.
Với điều chỉnh mới vừa được đưa ra, chương trình này gồm 2 danh mục. Danh mục đầu tiên là Đầu tư tăng trưởng - hay Rủi ro cao - yêu cầu vốn đầu tư tối thiểu 5 triệu đôla New Zealand trong vòng 3 năm theo hình thức đầu tư trực tiếp vào doanh nghiệp hoặc vào quỹ đầu tư bản địa. Người xin thị thực chỉ phải lưu trú ít nhất 21 ngày tại New Zealand.
Danh mục thứ hai là Cân bằng - hay Rủi ro hỗn hợp - yêu cầu đầu tư ít nhất 10 triệu đô la New Zealand trong 5 năm vào trái phiếu, cổ phiếu và phát triển bất động sản (cả nhà ở, thương mại và công nghiệp). Người xin thị thực phải lưu trú ít nhất 105 ngày tại New Zealand, trừ khi họ đầu tư nhiều hơn mức tối thiểu.
Trong khi New Zealand điều chỉnh chương trình “thị thực vàng”, nhiều quốc gia khác đang chấm dứt chương trình tương tự của mình. Tây Ban Nha dự kiến kết thúc chương trình thị thực đầu tư vào ngày 3/4 tới. Trong khi đó, Anh, Ireland, Hà Lan, Hy Lạp và Malta cũng đã chấm dứt hoặc siết chặt quy định liên quan tới “thị thực vàng” hoặc các chính sách thị thực tương tự.
Chính phủ Australia gần đây đã loại bỏ hạng thị thực đầu tư Significant Investor - dành cho nhà đầu tư rót từ 4 triệu đô la Australia (3 triệu USD) vào nước này. Nguyên nhân là do lo ngại rằng chương trình này bị giới giàu nước ngoài lợi dụng để mua bất động sản hoặc tài sản tài chính mà không đóng góp đáng kể vào nền kinh tế Australia.