23:36 17/05/2015

Trốn, nợ bảo hiểm xã hội phổ biến ở tất cả tỉnh thành

Nguyễn Lê

Kết quả thẩm tra tình hình quản lý và sử dụng quỹ bảo hiểm xã hội năm 2014 chỉ ra không ít hạn chế

Rao vặt mua sổ bảo hiểm xã hội tại Đà Nẵng. Tình trạng mua bán sổ bảo hiểm xã hội khá phổ biến ở một số khu công nghiệp thuộc địa phương này, dẫn đến nhiều hệ lụy khác nhau - Ảnh: VTV 1.<br>
Rao vặt mua sổ bảo hiểm xã hội tại Đà Nẵng. Tình trạng mua bán sổ bảo hiểm xã hội khá phổ biến ở một số khu công nghiệp thuộc địa phương này, dẫn đến nhiều hệ lụy khác nhau - Ảnh: VTV 1.<br>
Tình trạng lạm dụng để trục lợi quỹ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp chưa được kiểm soát có hiệu quả, Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội đánh giá tại báo cáo thẩm tra tình hình quản lý và sử dụng quỹ bảo hiểm xã hội năm 2014.

Một năm trước, đây cũng là nhận định tại báo cáo của Chính phủ về tình hình quản lý và sử dụng quỹ bảo hiểm xã hội năm 2013 gửi đến các vị đại biểu Quốc hội.

Đến 2014, nội dung này không còn được nhắc lại nhưng Chính phủ cho biết, tình trạng trốn đóng, nợ đọng tiền bảo hiểm xã hội còn diễn ra phổ biến ở tất cả các tỉnh, thành phố.

Và, số nợ bảo hiểm xã hội là 5.578 tỷ đồng, bằng 4,93% tổng số phải thu, giảm 10,8% so với năm 2013, tương ứng với số nợ giảm là 678 tỷ đồng. Doanh nghiệp có vốn nước ngoài và tổ chức nước ngoài có số nợ nhiều nhất.

Bên cạnh tình trạng lạm dụng nói trên, ở báo cáo thẩm tra báo cáo của Chính phủ, Ủy ban Về các vấn đề xã hội còn chỉ ra các hạn chế khác. Như, việc giải quyết chế độ, chính sách về bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp vẫn còn có sai sót, chưa kịp thời. Người dân còn phàn nàn về cách làm việc, thái độ phục vụ của một bộ phận không nhỏ cán bộ, viên chức ngành bảo hiểm xã hội...

Cơ quan thẩm tra cũng lo ngại khi mới có khoảng 20% lực lượng lao động tham gia bảo hiểm xã hội trong khi mục tiêu là phải mở rộng diện bao phủ bảo hiểm này đạt 50% lực lượng lao động (khoảng 29 triệu người) vào năm 2020.

Ngoài công tác quản lý, báo cáo thẩm tra còn nêu nguyên nhân từ phía người lao động chưa hiểu rõ quyền lợi, trách nhiệm và phương thức tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện. Số người hưởng chính sách bảo hiểm xã hội một lần hằng năm còn rất lớn, từ 500.000-600.000 người, tương đương với số người tham gia bảo hiểm xã hội mới và có xu hướng gia tăng, báo cáo nêu rõ.

Kiến nghị đầu tiên của cơ quan thẩm tra đối với Quốc hội là tăng cường giám sát việc triển khai thực hiện chính sách, pháp luật bảo hiểm xã hội, xem xét bố trí ngân sách để sớm triển khai thực hiện chính sách hỗ trợ người lao động tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện, đặc biệt là nông dân, lao động phi chính thức.

Tiếp theo, Ủy ban thẩm tra cũng kiến nghị xem xét bổ sung tội gian lận, trốn đóng, tội chiếm dụng tiền bảo hiểm xã hội vào Bộ luật Hình sự (sửa đổi), nội dung tố tụng lao động vào Bộ luật Tố tụng dân sự (sửa đổi).

Đây cũng là  nội dung đã được tiếp thu tại dự thảo mới của Bộ luật Hình sự (sửa đổi) với hành vi gian lận bảo hiểm xã hội; gian lận bảo hiểm y tế; trốn đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động đã được tội phạm hóa.

Hình phạt cao nhất cho tội danh này có thể lên đến 7 năm tù và phạt tiền từ 5 đến 7 lần số tiền trốn đóng bảo hiểm.