08:39 30/04/2025

Trong ngày hội non sông: Rạng ngời bản sắc Việt

Tuệ Mỹ

Hưởng ứng chủ trương “quốc tế hóa văn hóa Việt Nam và Việt Nam hóa văn hóa quốc tế”, ngành nghệ thuật biểu diễn đang nỗ lực tạo ra các tác phẩm giàu giá trị tư tưởng và tính giải trí, góp phần phát triển công nghiệp văn hóa...

Chương trình nghệ thuật Đất Nước Trọn Niềm Vui. Ảnh Đinh Duy
Chương trình nghệ thuật Đất Nước Trọn Niềm Vui. Ảnh Đinh Duy

Kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2025) là một mốc son chói lọi, hào hùng trong lịch sử dân tộc Việt Nam. Hòa cùng không khí vui tươi, phấn khởi đón chào ngày non sông thống nhất, 12 nhà hát nghệ thuật trực thuộc Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch với hơn 1.500 nghệ sĩ sẽ tỏa đi khắp cả nước mang nghệ thuật phục vụ công chúng.

Theo Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, trong những đêm sáng ánh đèn biểu diễn các chương trình nghệ thuật của các đơn vị, khán giả sẽ được thưởng thức nhiều tiết mục nghệ thuật hấp dẫn, thể hiện ý nghĩa, tầm vóc vĩ đại, giá trị to lớn của Đại thắng mùa Xuân năm 1975 giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước. Đồng thời, đánh giá toàn diện, sâu sắc những thành tựu phát triển của đất nước trên các lĩnh vực sau 50 năm thống nhất, qua 40 năm tiến hành công cuộc đổi mới.

Những chương trình nghệ thuật của các đơn vị, bên cạnh mục tiêu bảo tồn, phát huy văn hóa, nghệ thuật truyền thống còn hướng tới mục tiêu phát triển du lịch, quảng bá, tuyên truyền các loại hình nghệ thuật truyền thống Việt Nam đến với du khách trong và ngoài nước.

Chương trình "Hẹn ước Bắc - Nam" diễn ra tại Hà Nội tối 22/4. Ảnh: Xuân Tùng.
Chương trình "Hẹn ước Bắc - Nam" diễn ra tại Hà Nội tối 22/4. Ảnh: Xuân Tùng.

PHONG PHÚ, ĐA DẠNG CÁC CHƯƠNG TRÌNH NGHỆ THUẬT

Theo chia sẻ của đại diện các nhà hát, khán giả rất quan tâm tới các chương trình nghệ thuật hướng tới ngày kỷ niệm trọng đại của đất nước. NSND Tống Toàn Thắng, Giám đốc Liên đoàn Xiếc Việt Nam, cho biết vé của chương trình kịch xiếc “Non sông ngày thống nhất” đã bán rất tốt. Những chương trình này không chỉ mang ý nghĩa lịch sử sâu sắc mà còn được dàn dựng công phu, kết hợp giữa nghệ thuật xiếc truyền thống và hiện đại, phù hợp với xu hướng của khán giả hiện nay.

Cùng chung niềm vui, NSƯT Cao Ngọc Ánh, Phó Giám đốc Nhà hát Tuổi Trẻ, thông tin vở nhạc kịch “Lửa từ đất” cũng đón nhận nhiều tín hiệu vui sau hai đêm diễn, mỗi đêm lên tới 1.000 ghế. Tương tự, biểu diễn tại Nhà hát Lớn Hà Nội tối 27/4 và thị xã Sơn Tây (29/4), Nhà hát Nghệ thuật đương đại Việt Nam cũng đã bán hết vé đêm nhạc “Ký ức Trường Sơn” với sự tham gia của các giọng ca gạo cội.

Không riêng tại Hà Nội và TP.HCM, các đơn vị nghệ thuật trên cả nước cũng đang gấp rút chuẩn bị những chương trình đặc biệt, đa dạng thể loại: từ kịch nói, chèo, rối nước đến hòa nhạc giao hưởng. Nhà hát Kịch Việt Nam sẽ mang đến chương trình “Tháng Năm cùng Người” với vở “Người đi dép cao su”, diễn ra từ 27/4 - 17/5. Nhà hát Chèo Việt Nam cũng trình làng vở “Quan Âm Thị Kính”, “Bắc Lệ đền thiêng”, biểu diễn tại Rạp Kim Mã và lưu diễn tại nhiều tỉnh thành.

Không đứng ngoài dòng chảy nghệ thuật, Nhà hát Múa rối Việt Nam trình diễn hai chương trình “Khúc đồng dao” và “Âm vang đồng quê”. Đáng chú ý, “Âm vang đồng quê” sẽ được biểu diễn tại Nhà hát À Ơi (Phú Quốc) - một địa điểm du lịch nổi tiếng nhằm quảng bá nghệ thuật truyền thống Việt đến du khách trong và ngoài nước như một bước đi chiến lược trong nỗ lực đưa nghệ thuật đến với đời sống, gắn kết văn hóa với phát triển du lịch bền vững.

Trước đó, năm 2024 đã chứng kiến sự thăng hoa đặc biệt của ngành nghệ thuật biểu diễn Việt Nam với những thành tựu vượt trội trên nhiều phương diện. Hai chương trình “Anh trai say hi” và “Anh trai vượt ngàn chông gai” được các chuyên gia đánh giá là những cú hích lớn cho ngành công nghiệp biểu diễn nội địa.

Nhiều yếu tố truyền thống đã được đưa vào concert Anh trai vượt ngàn chông gai.
Nhiều yếu tố truyền thống đã được đưa vào concert Anh trai vượt ngàn chông gai.

Bên cạnh đó là dấu ấn phục hồi và phát triển của các nhà hát truyền thống. Nhà hát Múa rối Việt Nam đã tạo nên kỷ lục với hơn 1.000 suất diễn - một con số chưa từng có trong lịch sử hoạt động của đơn vị này. Nghệ thuật tuồng, vốn được xem là kén khán giả - đã có bước đột phá khi thu hút đều đặn 350 khán giả mỗi suất diễn tại rạp Hồng Hà. Đầu năm 2025, vở xiếc “Vùng đất kỳ bí” biểu diễn ở công viên Gia Định “cháy vé” trong suốt tháng 2 và tháng 3…

Giới chuyên gia đánh giá, con số khổng lồ về người mua vé trên các nền tảng trực tuyến, doanh thu của các buổi concert, hòa nhạc, vở diễn… đã minh chứng cho sức tiêu thụ lớn của thị trường nội địa cho các sản phẩm công nghiệp văn hóa do chính người Việt đầu tư và sản xuất.

Theo số liệu tham khảo, trong giai đoạn 2018 - 2022, tổng giá trị sản xuất của công nghiệp văn hóa Việt Nam đạt hơn 44 tỷ USD; tốc độ tăng trưởng lao động đạt hơn 7% mỗi năm, với khoảng hơn 70.000 cơ sở đang hoạt động trong ngành. Những con số này không chỉ minh chứng cho sức hấp dẫn của ngành văn hóa, mà còn đòi hỏi những giải pháp hướng tới phát triển bền vững hơn trong tương lai...

Nội dung đầy đủ của bài viết được đăng tải trên Tạp chí Kinh tế Việt Nam số 17+18-2025 phát hành ngày 28/4 - 11/5/2025. Kính mời Quý độc giả tìm đọc tại đây:  

https://postenp.phaha.vn/tap-chi-kinh-te-viet-nam

Trong ngày hội non sông: Rạng ngời bản sắc Việt - Ảnh 1