Trụ lớn trả điểm, VND gây sốc với thanh khoản
Phần lớn thời gian của phiên giao dịch cuối tuần VN-Index “chìm” ở vùng đỏ khi những trụ lớn nâng đỡ chiều quay quay đầu trả điểm. VCB giảm 0,84%, VHM giảm 1,64%, VIC giảm 1,32% là bộ ba khiến chỉ số này mất tới 2,6 điểm, dù tổng mức giảm là 1,24 điểm. Tuy vậy độ rộng đã thu hẹp cho thấy áp lực giảm vượt trội...
Phần lớn thời gian của phiên giao dịch cuối tuần VN-Index “chìm” ở vùng đỏ khi những trụ lớn nâng đỡ chiều quay quay đầu trả điểm. VCB giảm 0,84%, VHM giảm 1,64%, VIC giảm 1,32% là bộ ba khiến chỉ số này mất tới 2,6 điểm, dù tổng mức giảm là 1,24 điểm. Tuy vậy độ rộng đã thu hẹp cho thấy áp lực giảm vượt trội.
Phiên nay có nhiều tín hiệu khá nhiễu. Đầu tiên là thanh khoản sàn HoSE thực tế giảm khá nhiều nếu không có giao dịch bất thường tại VND. Cổ phiếu này gây sốc với giao dịch gần 1.158 tỷ đồng và 72,1 triệu đơn vị. Đây là mức thanh khoản kỷ lục ở mã này, giá VND cũng tăng mạnh 3,87%.
HoSE ghi nhận khoảng 10.585 tỷ đồng khớp lệnh phiên này, tăng nhẹ 3% so với hôm qua và mức tăng tuyệt đối là gần 333 tỷ đồng. Tuy nhiên riêng mức tăng ở VND đã tới 860 tỷ đồng. Giao dịch này mang tính thời điểm và chỉ riêng với VND, trong khi phần còn lại của thị trường thanh khoản bình thường. Thanh khoản ở rổ VN30 thực tế còn giảm 20% so với hôm qua.
Tín hiệu nhiễu thứ hai là sự đảo chiều của khối ngoại khi mua ròng 1.009,3 tỷ đồng trên sàn HoSE. Sáng nay khối này còn bán ròng 131,3 tỷ đồng. Tuy vậy đây cũng không phải là “cú quay xe” tích cực nào, vì chiều nay xuất hiện thỏa thuận chuyển nhượng ròng từ khối nội 1.316,4 tỷ đồng với cổ phiếu STG. Nếu trừ đi giao dịch này thì khối ngoại bán ròng khoảng 307 tỷ đồng. Riêng cổ phiếu trong rổ VN30 bị bán ròng 188 tỷ đồng. Các cổ phiếu bị xả lớn là STB -53,7 tỷ, SHB -44,4 tỷ, VNM -43,3 tỷ, HPG -34,9 tỷ… Mua ròng khớp lệnh đáng kể duy nhất là VHM +41,2 tỷ đồng.
Mặc dù ảnh hưởng từ các trụ VCB, VHM và VIC khá lớn, nhưng thị trường yếu đi không chỉ do ép trụ. Áp lực từ phía bán đã thực sự ảnh hưởng lên giá cổ phiếu. Kết phiên sáng độ rộng của VN-Index còn khá cân bằng với 159 mã tăng/180 mã giảm. Đến chiều độ rộng ngày càng hẹp dần và kết phiên chỉ còn 168 mã tăng/212 mã giảm.
Thay đổi này cho thấy hiện tượng phân hóa bắt đầu mạnh mẽ hơn, những cổ phiếu tăng tốt trong ngắn hạn quay đầu giảm nhường chỗ cho nhóm khác. DLG giảm 5,28%, BMP giảm 5,27%, FIT giảm 3,48%, HNG giảm 2,09%... là ví dụ khi những mã này tăng giá rất tốt vừa qua. Điểm tích cực là dòng tiền chốt lời rồi xoay vòng. Hàng chục mã vừa và nhỏ khác tiếp tục tăng hơn 2% trong phiên mất điểm này. Cổ phiếu đầu khí phiên này khá ấn tượng khi GAS nổi lên là mã dẫn dắt điểm số, tăng 2,04%. Ngoài ra PVD tăng 4,69%, PVC tăng 5,42%, PVB tăng 3,75%, PVS tăng 6,39%...
Dù vậy do hiện tượng phân hóa sâu sắc nên số còn lại không có nhóm cổ phiếu nào tăng đều, chỉ có các mã cụ thể lên giá nổi bật. Ví dụ chứng khoán có vài mã như BVS, CTS, SHS, VIX, VND khá mạnh nhưng cũng nhiều mã đỏ hoặc không tăng rõ rệt. Ngân hàng có STB, SHB tăng hơn 1% thì số giảm áp đảo. Diễn biến của giá đang phụ thuộc rất nhiều vào dòng tiền duy trì như thế nào. Không hẳn các cổ phiếu đã tăng nhiều thì giá yếu đi, cũng có những mã vượt qua chốt lời để nối dài đà tăng khi vẫn còn tiền vào. Loạt cổ phiếu thanh khoản ấn tượng trên trăm tỷ đồng có thể kể tới STB tăng 2,39%, DIG tăng 5,94%, VIX tăng 3,16%, DXG tăng 2,17%, DBC tăng 4,93%, GEX tăng 1,43%...
Nhìn chung trạng thái giằng co hiện tại phụ thuộc phần lớn vào các cổ phiếu blue-chips. Các trụ luân phiên tăng giảm và thanh khoản quá hạn chế thì việc thị trường đi ngang đã là tích cực. Ví dụ VIC, VHM, VCB đang gặp khó khăn khi tăng nhanh trong ngắn hạn thì GAS vẫn tỏ ra mạnh mẽ, ngân hàng có STB, SHB vẫn đang trong nhịp đi lên ngắn hạn. Dù vậy tổng thể chỉ số VN-Index vẫn đang thể hiện sự lưỡng lự thay vì một xu hướng rõ ràng.