[Trực tiếp]: Toạ đàm "Đảm bảo lợi ích bền vững khi sửa đổi Luật thuế tiêu thụ đặc biệt đối với đồ uống có cồn"
Toạ đàm "Đảm bảo lợi ích bền vững khi sửa đổi Luật thuế tiêu thụ đặc biệt đối với đồ uống có cồn" do Tạp chí Kinh tế Việt Nam/VnEconomy tổ chức và phát livestream trên nền tảng VnEconomy.vn, FanPage VnEconomy vào lúc 14h00 ngày 31/07/2024...
Tọa đàm sẽ giải quyết ba nội dung chính.
Một là, phân tích, đánh giá phương án đề xuất của Bộ Tài chính trình Chính phủ về lộ trình tăng thuế suất với mặt hàng rượu, bia và tác động đối với các chủ thể liên quan cũng như tăng trưởng kinh tế ngành, địa phương, quốc gia.
Trong đó, khẳng định việc tăng thuế suất là cần thiết và làm rõ các mục tiêu, luận điểm, luận cứ và lộ trình tăng thuế suất đối với sản phẩm rượu, bia. Đồng thời, phân tích tính hợp lý của lộ trình tăng (khoảng cách tăng và mức độ tăng) dựa trên các cơ sở có tính khoa học và thực tiễn gắn với chiến lược cải cách thuế, chiến lược phát triển ngành hàng cũng như các kinh nghiệm quốc tế về phương pháp tính thuế chia theo độ cồn sản phẩm bia và rượu.
Hai là, phân tích các mục tiêu, lợi ích bền vững cần đạt được của việc tăng thuế suất thuế tiêu thụ đặc biệt đối với sản phẩm rượu bia trong việc i) khả năng đạt được mục tiêu; ii) các yếu tố ảnh hưởng đến khả năng đạt được mục tiêu; iii) các chiều hướng phát sinh ngoài mục tiêu (tác động tích cực/không tích cực).
Cụ thể, mục tiêu điều chỉnh sản xuất và hành vi tiêu dùng sẽ đạt được ra sao dựa trên phân tích các khía cạnh chuyên môn, từ hệ quy chiếu của việc tăng thuế dẫn đến tăng giá và hạn chế sản xuất và hành vi tiêu dùng.
Với mục tiêu đảm bảo sức khỏe người tiêu dùng và an toàn xã hội, liệu hành vi tiêu dùng có giảm như kỳ vọng, hay chuyển hướng hành vi đa dạng khác khó kiểm soát và đảm bảo tính an toàn hơn với sức khỏe con người, chẳng hạn như: chuyển hành vi tiêu dùng sản phẩm cấp thấp hơn, chất lượng không cao, kéo theo xu hướng sản xuất và thúc đẩy tiêu thụ hàng thấp cấp… Điều này sẽ đặt ra nhiều vấn đề nảy sinh đối với công tác quản lý chuỗi giá trị ngành hàng, quản lý thị trường…
Về mục tiêu đảm bảo nguồn thu ngân sách, việc tăng nguồn thu thuế suất liệu có đảm bảo ổn định các nguồn thu khác như: thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp...
Ba là, đề xuất giải pháp nhằm đảm bảo lợi ích bền vững của Luật thuế tiêu thụ đặc biệt sửa đổi đối với đồ uống có cồn dựa trên tính cân bằng của tam giác lợi ích: i) Nhà nước – xã hội; ii) nhà sản xuất – chuỗi giá trị ngành hàng; iii) người tiêu dùng.
Bốn là, đề xuất xem xét, nghiên cứu tách biểu thuế theo nồng độ cồn của bia tương ứng như áp dụng với rượu dựa trên cơ sở thông tin từ Luật Phòng chống tác hại rượu bia và các mục tiêu tiêu ưu tiên hiện nay về việc giảm sản xuất và giảm tiêu thụ các sản phẩm có độ cồn cao ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu dùng.
Toạ đàm có sự tham dự của các chuyên gia:
- GS. TS. Hoàng Văn Cường, Đại biểu Quốc hội, Ủy viên Ủy ban Tài chính Ngân sách của Quốc hội, Phó Chủ tịch Hội Khoa học Kinh tế Việt Nam;
- PGS.TS. Vũ Sỹ Cường, Giảng viên Học viện Tài chính;
- Bà Đinh Thị Quỳnh Vân, Chủ tịch PwC Việt Nam;
- Bà Đặng Thúy Hà, Chuyên gia nghiên cứu hành vi tiêu dùng, Giám đốc khu vực miền Bắc, NielsenIQ Việt Nam.
Điều hành tọa đàm: TS. Nguyễn Quốc Việt, Phó Viện trưởng Viện Kinh tế và Chính sách (VEPR).
Trân trọng kính mời quý độc giả theo dõi!