[Trực tiếp] Toạ đàm: Edtech Việt Nam & xu hướng cá nhân hóa trong học tập
Tọa đàm: "Edtech Việt Nam & xu hướng cá nhân hóa trong học tập" do Tạp chí Kinh tế Việt Nam - VnEconomy tổ chức theo hình thức livestream trên nền tảng VnEconomy.vn, fanpage VnEconomy vào lúc 9h00 ngày 31/08/2023, nhằm dự báo các tiềm năng của thị trường công nghệ giáo dục...
Sau đại dịch, xu hướng phát triển Edtech của Việt Nam vô cùng sôi động. Báo cáo Công nghệ giáo dục Việt Nam ghi nhận Việt Nam đang nằm trong top 10 thị trường Edtech có tốc độ tăng trưởng lớn nhất thế giới, tốc độ khoảng 44,3%. Trong khi đó, báo cáo từ tổ chức Ken Research cho biết quy mô thị trường giáo dục trực tuyến của Việt Nam cũng sẽ chạm mốc 3 tỷ USD vào năm 2023.
Trong nửa đầu năm nay, tổng vốn đầu tư vào Edtech đã vượt qua con số 30 triệu USD của cả năm 2022. Tính đến tháng 6/2023, đã có khoảng 70 quỹ đầu tư đã rót hơn 400 triệu USD cho startup Edtech Việt Nam. Với số lượng học sinh phổ thông chiếm tới hơn 20% dân số, các dòng sản phẩm Edtech tập trung vào phân khúc này là lớn nhất. Phân khúc thứ 2 nổi trội về sản phẩm công nghệ giáo dục là phân khúc đào tạo nghề, đào tạo kỹ năng, đào tạo cho người đi làm...
Trong bức tranh toàn cảnh đó, cá nhân hóa trong học tập là mơ ước của những “anh cả” làng công nghệ giáo dục, nhất là khi AI ngày càng phổ biến. Những cải tiến công nghệ đã mang đến cơ hội học tập theo những cách thức hoàn toàn mới, dễ dàng ứng dụng và cá nhân hóa kiến thức. Tất cả đã làm thay đổi vai trò truyền thống của giáo viên và tạo ra vô vàn trải nghiệm học tập mới mẻ và thú vị.
Tuy nhiên, một trong những vấn đề hiện nay là cần bồi dưỡng, đào tạo công nghệ cho những người làm công tác giáo dục. Ngoài ra, các doanh nghiệp cần phải hướng được sản phẩm tới đúng - trúng - sát với nhu cầu của các nhà trường và người học. Bên cạnh đó, các yếu tố nền tảng để hỗ trợ và thúc đẩy Edtech vẫn chưa thực sự tốt, từ chính sách của nhà nước, cho đến nền tảng công nghệ…
Đây là một trong những lý do Tạp chí Kinh tế Việt Nam - VnEconomy tổ chức buổi tọa đàm “Edtech Việt Nam & xu hướng cá nhân hóa trong học tập” vào lúc 9h00 ngày 31/8 để tìm kiếm giải pháp từ những chuyên gia, nhà quản lý và doanh nghiệp.
Các chuyên gia, lãnh đạo doanh nghiệp sẽ tham gia buổi tọa đàm gồm có:
- TS.Tôn Quang Cường, Chủ nhiệm Khoa Công nghệ giáo dục, Đại học Giáo dục, ĐH Quốc gia Hà Nội.
- Ông Nguyễn Trí Hiển, Chủ tịch Edtech Agency, đồng trưởng Làng công nghệ giáo dục Techfest Việt Nam.
- Ông Phạm Giang Linh, CEO Galaxy Education.
- Bà Đào Lan Hương, CEO học viện công nghệ Teky.