16:40 16/02/2009

Trung Quốc cấp tập kích thích kinh tế

Trung Việt

Kim ngạch xuất khẩu trong tháng 1/2009 của Trung Quốc đã giảm 17,5% - mức giảm lớn nhất trong suốt 13 năm qua

Dòng người xin việc tại một triển lãm việc làm tổ chức gần đây tại Trung Quốc - Ảnh: Reuters.
Dòng người xin việc tại một triển lãm việc làm tổ chức gần đây tại Trung Quốc - Ảnh: Reuters.
Kim ngạch xuất khẩu trong tháng 1/2009 của Trung Quốc đã giảm 17,5% - mức giảm lớn nhất trong suốt 13 năm qua.

Số liệu trên do Cơ quan Thống kê Nhà nước Trung Quốc công bố gần đây. Giới phân tích nhận định sự sụt giảm xuất khẩu sẽ khiến thêm nhiều nhà máy ở Trung Quốc phải đóng cửa, hàng trăm nghìn công nhân mất việc làm và xu hướng này sẽ còn tiếp tục tăng trong thời gian tới do tác động của suy giảm kinh tế toàn cầu.

Nhu cầu "đóng băng"

Nguyên nhân chính khiến xuất khẩu của Trung Quốc sa sút mạnh là do nhu cầu tại thị trường chính là Mỹ và châu Âu “đóng băng”. Bloomberg dự báo, trong năm nay, xuất khẩu tới các thị trường lớn nhất của Trung Quốc là Liên minh châu Âu (EU) sẽ giảm 17,4%, tới Mỹ giảm 9,8%.

Đặc biệt, xuất khẩu hàng máy móc và thiết bị điện tử của Trung Quốc có thể giảm 21%, thép giảm 32,5% và đồ chơi giảm 14,7%.

Bên cạnh đó, nhập khẩu của Trung Quốc cũng giảm kỷ lục, 43%, xấu hơn nhiều so với các dự báo trước đây. Kinh tế Trung Quốc có thể chỉ tăng 6,15% trong quý 1/2009 - tốc độ thấp nhất trong 10 năm qua.

Một số nhà phân tích nhận định thương mại của Trung Quốc giảm trong tháng 1 vừa qua cũng có thể do kỳ nghỉ Tết truyền thống. Tuy nhiên, hãng tin Bloomberg cảnh báo, sự suy thoái thương mại nghiêm trọng sẽ kéo dài và đòi hỏi Chính phủ Trung Quốc phải đẩy nhanh thực hiện kế hoạch kích thích kinh tế 585 tỉ USD, trong bối cảnh các nhà máy đóng cửa hàng loạt và hàng triệu người lao động không tìm được việc làm.

Ông Isaac Meng, nhà nghiên cứu kinh tế cấp cao của Ngân hàng BNP Paribas tại Bắc Kinh, cho rằng trào lưu bảo hộ đang trỗi dậy cũng sẽ tạo ra những khó khăn cho Trung Quốc trong mục tiêu sớm khôi phục tốc độ xuất khẩu.

Nhằm đối phó với tình trạng suy thoái kinh tế, sau gói kích cầu kinh tế gần 585 tỷ USD cuối năm ngoái, Ủy ban Cải cách và Phát triển quốc gia Trung Quốc vừa cho biết sẽ công bố thêm gói kích cầu thứ hai, trị giá 19 tỷ USD.

Gói kích cầu này cũng tập trung đầu tư vào cơ sở hạ tầng, lĩnh vực được coi là trọng yếu để thúc đẩy nền kinh tế sau khi tăng trưởng năm 2008 chỉ đạt 9%, mức thấp nhất trong 7 năm qua.

Kích thích hay cải cách?

Các ngân hàng lớn của Trung Quốc đã hưởng ứng kêu gọi của Chính phủ tăng cường cho vay nhằm giúp các doanh nghiệp vượt qua khó khăn trong bối cảnh suy thoái hiện nay.

Riêng trong tháng 1/2009, các khoản cho vay mới đã tăng lên mức kỷ lục là 1.200 tỷ Nhân dân tệ (175 tỷ USD). Các dự án cho vay chủ yếu tập trung vào  lĩnh vực đường bộ, đường sắt, điện lực,  cơ sở hạ tầng khác.

Trung Quốc cũng đã đưa ra hàng loạt biện pháp trợ giúp các ngành kinh tế chủ chốt. Chính phủ Trung Quốc đã tuyên bố sẽ tăng tỷ lệ hoàn thuế giá trị gia tăng cho các nhà xuất khẩu hàng dệt may nước này từ 14% lên 15%.

Tháng trước, Bắc Kinh đã công bố gói hỗ trợ ngành công nghiệp ôtô, trong đó có các biện pháp khuyến khích phát triển công nghệ sạch.

Ngày 11/2, Chính phủ Trung Quốc lại thông qua gói kích thích thúc đẩy sự phát triển của ngành công nghiệp đóng tàu. Theo đó, từ nay đến năm 2012, chính phủ sẽ tăng số tiền hỗ trợ cho những người mua tàu, tăng hỗ trợ tài chính cho những tàu trọng tải lớn, giảm thuế nhập khẩu đối với những thiết bị chính của tàu.

Trong nỗ lực đối phó và giảm thiểu tác động của cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu đối với thị trường lao động trong nước, Chính phủ Trung Quốc mới đây đã thông qua những biện pháp tạo công ăn việc làm và kiểm soát thị trường lao động nhằm đảm bảo quyền lợi cho công nhân viên.

Tuần trước, Trung Quốc đã ban hành quy định, nếu sa thải từ 20 lao động trở lên, ban lãnh đạo doanh nghiệp phải giải trình với tổ chức công đoàn hoặc công nhân viên.

Chính phủ Trung Quốc cũng vừa thông báo kế hoạch xây dựng 250.000 cửa hàng bán lẻ ở khu vực nông thôn từ nay đến năm 2010, nhằm tạo thêm ít nhất 775.000 việc làm cho đối tượng lao động nông thôn đã bị mất việc làm tại thành phố vì khủng hoảng tài chính toàn cầu.

Giới phân tích nhận định rằng, trong bối cảnh nền kinh tế thế giới có thể phải trải qua một giai đoạn suy thoái tương đối dài, những biện pháp nêu trên của Trung Quốc chưa bảo đảm ngăn chặn đà suy giảm của xuất khẩu nói riêng và toàn nền kinh tế  nói chung. Trung Quốc cần tiến hành nhiều cuộc cải cách cơ cấu kinh tế triệt để hơn.

Các cuộc cải cách này phải tập trung vào việc chuyển đổi nền kinh tế từ chủ yếu dựa vào xuất khẩu sang dựa vào nhu cầu trong nước. Nếu chậm trễ trong vấn đề này, có thể dẫn đến sự suy thoái kinh tế nghiêm trọng, làm xuất khẩu tiếp tục suy giảm mạnh và gia tăng khoảng cách giàu nghèo.